Tuần vừa qua ghi nhận sự dịch chuyển khá mạnh của dòng tiền sang nhóm cổ phiếu vận tải, cảng biển, qua đó, góp phần đưa DVP (tăng 16,46%) và VOS (tăng 16,45%) trở thành 2 cổ phiếu sáng nhất trong Top các mã tăng tốt nhất trên sàn HOSE.
Một số cổ phiếu vận tải, cảng biển khác trên thị trường cũng có mức tăng mạnh như GMD (+6,54%), TLC (+10,08%), HAH (+10,8%), DXP (+10,17%) VNA (+23,33%), PSP (+28,33%)…
Cùng với đó, thanh khoản ở nhóm cảng biển hầu hết lập kỷ lục từ đầu năm 2019 đến nay, thể hiện sự dịch chuyển rõ nét của dòng tiền đầu cơ và đều nằm trong Top cổ phiếu có giao dịch đột biến theo thống kê của các công ty chứng khoán. Dù vậy, đà tăng này không thể kéo dài khi giá cổ phiếu đảo chiều lao dốc trong những phiên giao dịch gần đây, chẳng hạn giá cổ phiếu VOS đã quay đầu giảm 6,88% trong phiên giao dịch ngày 13/8.
Trước đó, ngành cảng biển đã đón nhận nhiều thông tin tích cực, thể hiện triển vọng tăng trưởng sáng. Ngày 8/8/2019, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng vừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động làm việc với các ngành hàng, nhất là các đơn vị có lượng hàng vận chuyển xuất, nhập khẩu lớn để trao đổi, thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm ưu tiên, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 118/VPCP-KTN ngày 7/1/2014 của Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá triển vọng ngành cảng biển của Công ty Chứng khoán MB (MBS), Việt Nam đang tiếp tục được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi tăng trưởng xuất khẩu tại những mặt hàng vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc. Chi phí nhân công hấp dẫn vẫn tiếp tục thu hút những dòng vốn FDI lớn. MBS dự báo trong 3 - 5 năm tới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10%/năm.
Trong khi đó, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cảng biển trong nửa đầu năm 2019 tuy có sự cải thiện, nhưng xét trong dài hạn còn đối diện với nhiều khó khăn.
Với CTCP Cảng Ðoạn Xá (DXP), nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần tăng 46,13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 58,44 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 13,82 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Một doanh nghiệp khác có kết quả kinh doanh khởi sắc là CTCP Cảng dịch vụ dầu khí Ðình Vũ (PSP) với doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 tăng lần lượt 32,07% và 47,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những khó khăn chung của các doanh nghiệp cảng biển tại khu vực Hải Phòng là trở ngại lớn đối với đà phát triển và triển vọng giá cổ phiếu của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo DXP, thị trường kinh doanh cảng biển tại Hải Phòng ngày càng cạnh tranh khốc liệt với sự ra đời của nhiều cảng biển phía hạ lưu dẫn đến cung vượt quá cầu; Công ty mất đi doanh thu từ tuyến vận tải Hải Phòng -TP.HCM do Công ty Vận tải container Vinalines ngừng khai thác; Cảng chỉ có một cầu ảnh hưởng tới việc tiếp nhận tàu…
Hay với PSP, dự án mở rộng cầu cảng PTSC Ðình Vũ 20.000 DWT chưa hoàn thành nên việc khai thác một cầu tàu gây khó khăn lớn trong việc cung cấp dịch vụ, cũng như công tác mở rộng thị trường.
Trong khi đó, với GMD, nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Công ty sụt giảm tới 78% so với cùng kỳ năm trước do không ghi nhận khoản chuyển nhượng đầu tư "khủng" như nửa đầu năm 2018. 6 tháng năm 2019, GMD ghi nhận lợi nhuận sau thuế 347,78 tỷ đồng.