Ngành khai thác Bitcoin ở Mỹ lo ngại chịu ảnh hưởng vì mức thuế quan cao

(ĐTCK) Triển vọng tươi sáng của hoạt động khai thác Bitcoin đã thay đổi sau những lo ngại về chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ gây áp lực lên chi phí khai thác của các công ty trong lĩnh vực này.

Khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát ngành công nghiệp tiền điện tử vào năm 2021, nhiều thợ đào Bitcoin đã chuyển sang Mỹ. Động thái này đã mang lại hiệu quả khi sự kết hợp giữa năng lượng giá rẻ và thị trường vốn sâu rộng đã giúp Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về khai thác Bitcoin và sau cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump với lập trường ủng hộ tiền điện tử, tương lai của thợ đào Bitcoin ở Mỹ dường như tươi sáng hơn bao giờ hết. Nhưng tất cả đã thay đổi trong tháng 4/2025.

Ngay cả khi Mỹ dẫn đầu về hoạt động khai thác Bitcoin, thợ đào Bitcoin ở Mỹ vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào máy móc từ châu Á, mà những máy móc này có nguy cơ phải chịu mức thuế quan cao lên tới 36%.

Hầu hết các máy đào Bitcoin tại Mỹ đều được sản xuất tại Đông Nam Á ở các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Theo chính sách thuế quan của Tổng thống Trump dự kiến ​​có hiệu lực vào ngày 9/4 và sau đó đã bị tạm hoãn trong 90 ngày, các quốc gia này phải đối mặt với mức thuế quan từ 24% đến 36%. Trong thời gian chờ đợi, mức thuế cơ sở 10% vẫn được áp dụng.

Theo Ethan Vera, Giám đốc điều hành của Luxor Technology – công ty công nghệ nổi tiếng tại Mỹ, chuyên nhập khẩu máy móc từ Thái Lan, mức thuế quan mới có thể dẫn tới thiệt hại đáng kể. Mức thuế 36% được đề xuất đối với những máy móc đó sẽ phá hủy lợi nhuận đầu tư của Luxor.

Hầu hết hoạt động khai thác Bitcoin tại Mỹ diễn ra ở Georgia, Texas và New York. Các hoạt động này tốn kém đối với các công ty khai thác, những công ty này chi phần lớn tiền vào việc nâng cấp máy móc và điện để vận hành chúng. Một trong những công ty lớn nhất trong ngành là MARA Holdings sở hữu khoảng 400.000 máy khai thác Bitcoin và đã khai thác 9.430 Bitcoin vào năm ngoái, trị giá hơn 796 triệu USD theo giá thị trường hiện tại.

Ông Ethan Vera cho biết, việc tăng thêm 36% vào giá hiện tại của máy khai thác, đối với các đơn vị hàng đầu đang có giá từ 4.000 - 5.000 USD, sẽ khiến biên lợi nhuận hẹp của ngành này thậm chí còn hẹp hơn nữa.

“Những cỗ máy đó sẽ không bao giờ hoàn lại vốn nếu có thêm 36% nữa… Biên lợi nhuận quá eo hẹp”, ông nói.

Tương lai của hoạt động khai thác Bitcoin tại Mỹ

Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều cam kết triển vọng với ngành công nghiệp tiền điện tử trong suốt quá trình vận động tranh cử, bao gồm cam kết đảm bảo rằng tất cả số Bitcoin còn lại đều được khai thác tại Mỹ. Chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông đã làm dấy lên làn sóng lạc quan về tiền điện tử tại Mỹ nói chung. Tuy nhiên, chính sách thuế quan của ông có thể đang có tác dụng ngược lại.

Khi các nhà đầu tư dự đoán tác động của mức thuế quan cao đối với ngành công nghiệp tiền điện tử, các công ty khai thác niêm yết đang chịu ảnh hưởng đáng kể. Chỉ số S&P 500 giảm 8% kể từ ngày 2/4, khi Tổng thống Trump lần đầu công bố kế hoạch thuế quan toàn diện, trong khi chỉ số theo dõi giá cổ phiếu của các công ty khai thác lớn nhất đã giảm 12%.

Các công ty khai thác Bitcoin tại Mỹ đang tận dụng thời gian tạm hoãn 90 ngày để đánh giá các lựa chọn. Một số công ty đã hoãn các hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất, trong khi những công ty khác đang gấp rút nhập khẩu càng nhiều máy móc càng tốt trước khi mức thuế quan cao hơn có hiệu lực vào tháng 7.

Taras Kulyk, Giám đốc điều hành của công ty khai thác Bitcoin Synteq Digital cho biết, tình hình kinh tế bất ổn thậm chí đã thúc đẩy việc mở rộng ra bên ngoài Mỹ. "Tôi đã nhận được ba yêu cầu từ một số đối tác lớn nhất của chúng tôi để bắt đầu tìm kiếm các địa điểm để mua ngay và triển khai bên ngoài Mỹ", ông cho biết.

Ngay cả khi mức thuế quan chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, thì tính khó lường của các chính sách của Tổng thống Trump cũng khiến khách hàng của ông cảm thấy bất an. "Nếu không thể thiết lập một chương trình nghị sự hoặc chính sách rõ ràng, chúng tôi sẽ không thu hút được hàng trăm tỷ đô la mà bạn cần để xây dựng một cơ sở sản xuất mới", ông Taras Kulyk nói.

Tuy nhiên, một vài công ty trong ngành vẫn kiên định với cam kết mở rộng tại Mỹ, bất chấp sự bất ổn. Vishnu Mackenchery, Giám đốc dự án tại công ty khai thác Bitcoin Compass Mining cho biết, công ty của ông có kế hoạch tiếp tục khai thác tại Mỹ. Nhưng để làm được như vậy, công ty của ông cần phải thấy được một giải pháp về thuế quan trước khi có thể tiếp tục nhập khẩu máy móc.

"Chúng tôi muốn tiếp tục xây dựng tại Mỹ… Vì vậy, để tiếp tục theo con đường đó, chúng tôi hy vọng rằng một giải pháp liên quan đến thuế quan sẽ sớm được đưa ra", ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục