
Sự thống trị của Bitcoin
Mặc dù khởi đầu năm 2025 với nhiều kỳ vọng tích cực từ việc bầu cử Tổng thống Mỹ ủng hộ tiền mã hóa và kỳ vọng môi trường quy định thân thiện hơn, thị trường đã nhanh chóng đối diện với thực tế khắc nghiệt của các thách thức kinh tế vĩ mô. Bitcoin sau khi chạm đỉnh lịch sử mới ở mức 109.356 USD đã kết thúc quý I/2025 với mức giảm 11,6%, đánh dấu mức sụt giảm theo quý lớn thứ hai kể từ quý II/2022.
Theo báo cáo từ CoinDesk Indices, điểm đáng chú ý nhất là mức độ thống trị của Bitcoin trên thị trường đã tăng lên 62,2%; mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Điều đáng ngạc nhiên là sự gia tăng này xảy ra bất chấp tổng vốn hóa của Bitcoin đã giảm 26,9% so với đỉnh được thiết lập vào tháng 1/2025.
Biểu đồ hàng tuần từ CoinDesk cho thấy, dòng vốn đã có sự luân chuyển từ các tài sản đầu cơ sang Bitcoin khi biến động vĩ mô và bất ổn địa chính trị gia tăng. Theo báo cáo phân tích, các nhà đầu tư tổ chức đang đóng vai trò ngày càng quyết định trong việc định hình dòng vốn, đồng nghĩa với việc sẽ ưu tiên tài sản vốn hóa lớn có tính thanh khoản và được quy định.
Trong khi Bitcoin thể hiện khả năng phục hồi tương đối, các đồng tiền có vốn hóa thấp hơn đã chịu tổn thất nặng nề hơn nhiều. Chỉ số CoinDesk Memecoin (CDMEME) và CoinDesk 80 (CD80) ghi nhận mức giảm đáng kể lần lượt 55,2% và 46,4% trong quý I.
Ethereum, đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thị trường, đã ghi nhận mức sụt giảm 45,3%, kéo tỷ lệ ETH/BTC xuống 0,022; mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Báo cáo cho biết, sự sụt giảm này phần lớn do hoạt động của người dùng tiếp tục chuyển sang các giải pháp Layer 2, cùng với việc thiếu các yếu tố xúc tác tích cực.
Dòng tiền ETF cũng phản ánh rõ nét xu hướng này. Cụ thể, các quỹ ETF ETH giao ngay tại Mỹ chứng kiến dòng tiền rút ròng 228 triệu USD, trong khi các ETF Bitcoin thu hút dòng tiền vào ròng hơn 1 tỷ USD.
Cùng với đó, chỉ số CoinDesk 20 (CD20) đã trở thành một thước đo hữu ích để theo dõi sự chuyển dịch của các tổ chức. Mặc dù chỉ số này giảm 23,2% trong quý, nhưng vẫn vượt trội đáng kể so với hầu hết các tài sản kỹ thuật số chính. XRP là thành phần duy nhất trong CD20 ghi nhận lợi nhuận dương, tăng 0,4% nhờ được thúc đẩy bởi việc bác bỏ vụ kiện của SEC chống lại Ripple, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ trong stablecoin RLUSD.
Một xu hướng đáng chú ý trong quý I/2025 là sự gia tăng đáng kể lượng Bitcoin nắm giữ bởi các công ty đại chúng. Báo cáo của CoinDesk chỉ ra rằng, các doanh nghiệp niêm yết đã bổ sung gần 100.000 BTC vào danh mục đầu tư, tương đương mức tăng 34,7%. Tổng cộng, các công ty đại chúng hiện nắm giữ 689.059 BTC, trị giá hơn 56,4 tỷ USD theo giá hiện tại.
Trong quý I, sự kiện nổi bật nhất là việc ra mắt Dự trữ Bitcoin Chiến lược, cùng với Kho dự trữ Tài sản Kỹ thuật số của Bộ Tài chính Mỹ. Điều này càng cho thấy vai trò và tầm ảnh hưởng của đồng Bitcoin trong chính sách tài chính của các cường quốc trên thế giới.
Triển vọng quý II
Bước sang quý II, báo cáo CoinDesk Indices cho thấy tâm lý thị trường đã có dấu hiệu cải thiện sau khi có thông tin về việc tạm dừng các biện pháp thuế quan mới. Các tài sản rủi ro đã phản ứng tích cực và kỳ vọng về ETF cho các altcoin vẫn duy trì ở mức cao.
Gần 40 đơn đăng ký ETF giao ngay cho các altcoin đã được nộp chỉ riêng trong quý I, với Solana và XRP dẫn đầu, mỗi loại có tám hồ sơ đăng ký. Các tài sản khác như Litecoin, Dogecoin và Polkadot cũng có đơn đăng ký tương tự.
Với hợp đồng tương lai Solana đã có mặt trên Sàn Giao dịch Thương mại Chicago (CME), tiền lệ cho việc các tổ chức tiếp cận altcoin đang dần được thiết lập.
Có thể thấy, quý I/2025 đã chứng kiến sự thay đổi cơ bản trong cấu trúc thị trường tiền mã hóa, như báo cáo của CoinDesk đã chỉ ra: "Khi điều kiện vĩ mô phát triển và những thay đổi chính sách bắt đầu định hình lại môi trường quy định, vốn đang củng cố vào các tài sản có thanh khoản sâu hơn, các câu chuyện mạnh mẽ hơn và liên quan đến tổ chức".
Sự thống trị ngày càng tăng của Bitcoin, dòng tiền ETF chuyển dịch và sự phân mảnh của hiệu suất altcoin đều chỉ ra một thị trường đang hiệu chỉnh lại dựa trên các yếu tố cấu trúc chứ không chỉ đơn thuần là tâm lý. Trong khi tổng quy mô thị trường cho vay tiền mã hóa tính đến quý IV/2024 đạt 36,5 tỷ USD, giảm 43% so với mức cao nhất mọi thời đại là 64,4 tỷ USD trong quý IV/2021, những dấu hiệu phân hóa và chuyên nghiệp hóa ngày càng rõ nét.
Các công ty khai thác bán tháo để đối phó với áp lực
Theo dữ liệu từ TheMinerMag, các công ty khai thác Bitcoin niêm yết đã phải bán ra hơn 40% số Bitcoin khai thác được trong tháng 3/2025, mức thanh lý hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2024.
Hoạt động bán tháo này xảy ra trong bối cảnh gia tăng bất ổn kinh tế vĩ mô và áp lực từ các chính sách thuế quan mới. Theo Kristian Csepcsar, Giám đốc tiếp thị của nhà cung cấp dịch vụ khai thác BTC Braiins, việc sản xuất tất cả các linh kiện phần cứng được sử dụng để khai thác BTC tại Mỹ là không thể. Ông nhận định, các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí linh kiện và dịch vụ, từ đó xói mòn lợi nhuận của các công ty khai thác.
CoinGlass báo cáo, Bitcoin đã ghi nhận mức lỗ 2,3% trong tháng 3, sau khi đã điều chỉnh 17,39% vào tháng trước đó.
Ông Jaran Mellerud, CEO của Hashlabs, dự đoán chi phí cao hơn từ căng thẳng thương mại có thể có lợi cho các công ty khai thác ngoài Hoa Kỳ. "Việc nhập khẩu máy móc vào Mỹ giờ đây sẽ tốn ít nhất 24% chi phí nhiều hơn so với các quốc gia không có thuế quan như Phần Lan," Mellerud viết trên X vào ngày 8/4 và kết luận rằng, việc khai thác Bitcoin ở Mỹ có thể trở nên không khả thi về mặt kinh tế nếu thuế quan 24% được áp dụng, dẫn đến các công ty Mỹ dần mất thị phần.