Ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam còn trong thời kỳ sơ khai về phân tích dữ liệu

(ĐTCK) Để dẫn đầu thị trường, các công ty trong ngành hàng tiêu dùng buộc phải đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số, trong đó phân tích dữ liệu là một trong những ứng dụng quan trọng.
Ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam còn trong thời kỳ sơ khai về phân tích dữ liệu

Phát biểu trên đã được ông Geophin George, lãnh đạo ngành Hàng tiêu dùng và Bán lẻ khu vực ASEAN của EY đưa ra tại buổi hội thảo “Phân tích dữ liệu trong ngành Thực phẩm – Đồ uống và Bán lẻ” vừa được tổ chức tại TP. HCM.

Ông Geophin George cũng cho biết những xu hướng chính của ngành hàng tiêu dùng, trong đó nổi bật nhất là 3 xu hướng gồm dịch vụ khách hàng có xu hướng cá nhân hóa; cạnh tranh có xu hướng tăng dần; và khách hàng có xu hướng yêu cầu cao tính tiện lợi dẫn đến việc công ty buộc phải phát triển phân phối đa kênh. 

Về vấn đề đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số, bằng việc sử dụng lượng lớn dữ liệu và những phương pháp phân tích dữ liệu hiện đại như máy học (machine learning), tất cả các khâu trong chuỗi giá trị được cải thiện, từ khâu phát triển sản phẩm đến tìm nguồn cung ứng, sản xuất, phân phối, tiếp thị, và cuối cùng là tương tác với khách hàng.

Tuy nhiên tại Việt Nam, ngành hàng này vẫn còn trong thời kỳ sơ khai về phân tích dữ liệu. Mặc dù có sẵn một lượng dữ liệu khổng lồ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách thu thập, khai thác và tận dụng nguồn tài nguyên giá trị này để biến nó thành lợi thế cạnh tranh.

Ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam còn trong thời kỳ sơ khai về phân tích dữ liệu ảnh 1

 Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo “Phân tích dữ liệu trong ngành Thực phẩm – Đồ uống và Bán lẻ”

Theo các chuyên gia trong ngành, để không bị bỏ lại phía sau trên thị trường, các doanh nghiệp tiêu dùng buộc phải tham gia vào cuộc chạy đua công nghệ như một lẽ tất yếu.

Những công nghệ như IoT (Internet of things – Vạn vật kết nối), cloud computing (điện toán đám mây), big data (dữ liệu lớn), blockchain cùng nhiều công nghệ tân tiến khác đã được vận hành và ứng dụng trên thế giới và mang lại hiệu quả rất lớn.

Ví dụ như chuỗi siêu thị Walmart, nhờ việc sử dụng drone (máy bay không người lái), đã rút ngắn khâu kiểm tra hàng tồn từ 30 ngày xuống chỉ còn 1 ngày. Hoặc như với Sandvik, tập đoàn chuyên về thiết bị xây dựng đã giảm được 80% hàng lỗi sau khi áp dụng hệ thống cảm biển để quản lý chất lượng.

Nằm trong ngành Hàng tiêu dùng, ngành Thực phẩm - Đồ uống và Bán lẻ (FB & R) còn đặc biệt quan tâm hơn tới các ứng dụng công nghệ, bởi chúng có thể tạo ra những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cao - một trong những xu hướng chính ảnh hưởng tới quyết định của người mua hàng.

Ngoài nhu cầu được kết nối về mặt thông tin, có thể dễ dàng mua sắm mọi lúc mọi nơi và bằng nhiều phương thức, khách hàng sẽ rất dễ bị thuyết phục bởi những lời chào hàng dường như được “đo ni đóng giày” với họ. 

Và để làm được điều này, doanh nghiệp cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn cùng khả năng phân tích dữ liệu tốt… 

Tuy vậy trên thế giới, mặc dù có 84% các doanh nghiệp trong ngành Bán lẻ đã biết tới khái niệm Big Data (dữ liệu lớn), nhưng chỉ có 5% các doanh nghiệp có thể biến những dữ liệu thu thập được thành các hiểu biết về thị trường. 

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục