Thị trường Việt Nam, “mảnh đất màu mỡ” của các thương hiệu thực phẩm nước ngoài

Người tiêu dùng ngày nay dễ dàng mua được các sản phẩm thực phẩm đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, khi thị trường Việt Nam được cho là “mảnh đất màu mỡ” của các thương hiệu thực phẩm nước ngoài.
Tăng trưởng trong tiêu dùng thực phẩm đang tạo động lực lớn cho các thương hiệu Hàn Quốc đổ tới Việt Nam. Tăng trưởng trong tiêu dùng thực phẩm đang tạo động lực lớn cho các thương hiệu Hàn Quốc đổ tới Việt Nam.

Sức hút từ thị trường thực phẩm 30 tỷ USD

Ngày mai, 8/11, kỳ triển lãm lần thứ 2 trong năm 2017 của ngành thực phẩm và đồ uống sẽ diễn ra tại Hà Nội, sau kỳ triển lãm đầu tiên trong năm tại TP.HCM.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp thực phẩm ngoại đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Ba Lan… một lần nữa cho thấy thị trường thực phẩm phục vụ nhu cầutiêu dùng của hơn 93 triệu dân hấp dẫn doanh nghiệp ngoại quốc tới cỡ nào.

Số liệu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 đạt xấp xỉ 30 tỷ USD.

Tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm còn tăng 2 con số trong những năm tới, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, mở ra cơ hội cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn các doanh nghiệp nước ngoài, điển hình là làn sóng thực phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Ông Han Kyung Joon, Phó tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tưHàn Quốc (Kotra) nhận định, với việc KVFTA giữa 2 nước được thực thi từ cuối năm 2015, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang dịch chuyển trọng tâm từ thị trường Trung Quốc sang thị trường tiềm năng là Việt Nam để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng.

Ngoài các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với giá trị lớn của doanh nghiệp Hàn Quốc, một làn sóng doanh nghiệp nước này thường xuyên tổ chức các đoàn tới giao thương để tìm cơ hội mở rộng thị trường trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam.   

Theo đánh giá của Hãng nghiên cứu thị trường BMI Research, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm cho giai đoạn 2017 - 2019 khoảng 10,9%.

Việt Nam là thị trường đang phát triển nhanh và người tiêu dùng dễ chấp nhận sản phẩm mới, đó là lý do ngày càng nhiều thương hiệu thực phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản… đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Cuối tháng 10 vừa qua, một đoàn doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống đến từ Jeju (Hàn Quốc) đã có buổi giao thương tại TP.HCM để tìm đường đưa sản phẩm tới Việt Nam thông qua các kênh phân phối/đại lý là doanh nghiệp Việt.

Kết quả giao thương dù chưa được công bố, nhưng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM tiết lộ, các doanh nghiệp Hàn Quốc không về “tay không”.

Sự để tâm của các thương hiệu thực phẩm nước ngoài tới thị trường Việt Nam thể hiện rất rõ qua các kỳ triển lãm chuyên ngành.

Triển lãm tại TP.HCM hồi tháng 8/2017, trong số 6 khu gian hàng quốc gia, gồm Ba Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp tham dự với 105 gian hàng.

Chưa đầy 4 tháng sau, kỳ triển lãm tại Hà Nội, số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc cũng dẫn đầu, tính riêng Khu gian hàng Hàn Quốc đến từ vùng Chungnam lần đầu tiên tham gia đã có 15 doanh nghiệp trưng bày các mặt hàng đặc trưng của vùng như: nấm linh chi, nhân sâm, cà phê, nước hoa quả đóng hộp...

Không kém cạnh doanh nghiệp Hàn Quốc, các thương hiệu thực phẩm từ Nhật Bản cũng có kế hoạch bài bản đưa hàng vào Việt Nam.

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Nhật chọn trong chiến dịch đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm ra thế giới.

Từ cuối năm ngoái, Jetro đã phối hợp với các hệ thống Ministop, FamilyMart, Aeon tại Việt Nam triển khai dự án bán thử các mặt hàng thực phẩm, phần lớn là sản phẩm lần đầu xuất khẩu. Jetro dự tính sẽ tăng xuất khẩu thực phẩm từ mức gần 10 triệu USD hiện tại tăng trưởng 30% trong năm tới.

Thực phẩm ngoại tăng độ phủ

Đầu quý II năm nay, thương hiệu thực phẩm đến từ xứ sở Kim Chi, K-FOORAND ZONE đã mở cửa hàng tại Siêu thị Lotte Mart (quận 7, TP.HCM), đánh dấu những bước đầu tiên đưa thực phẩm Hàn phủ rộng hơn tại thị trường Việt.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Hàn Quốc, ông Lee Chang Hwan chia sẻ, tăng trưởng trong tiêu dùng thực phẩm đang tạo động lực lớn cho các thương hiệu Hàn Quốc đổ tới Việt Nam.

Báo cáo phân tích về thị trường thực phẩm chế biến của Việt Nam năm 2016 do StoxPlus thực hiện cho thấy, trong 2015 - 2016, các thương vụ M&A trong ngành này chủ yếu đến từ các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.

Thời gian qua, cùng với việc các doanh nghiệp Hàn Quốc mang tới Việt Nam nhiều mặt hàng tiêu dùng từ cao cấp cho đến bình dân như sâm và các sản phẩm từ sâm, nấm linh chi, bánh kẹo, đồ uống, nước hoa quả, sản phẩm từ sữa, rau củ quả tươi và sấy khô, thuỷ sản, mỳ ăn liền, gia vị… còn có nhiều doanh nghiệp Việt hợp tác phân phối, khiến thực phẩm ngoại len lỏi vào mọi ngóc ngách.

Bà Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vy Oanh (Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết, công ty của bà đang phối hợp với 5 doanh nghiệp thực phẩm Hàn Quốc để đưa các sản phẩm thực phẩm từ Hàn Quốc vào phân phối tại Việt Nam, chủ yếu là thực phẩm chế biến sẵn và gia vị.

Song hành với Hàn Quốc, thực phẩm xuất xứ Nhật Bản đã nằm trong kế hoạch hành động tiếp theo của doanh nghiệp này để kết nối đưa hàng hóa về phân phối tại nội địa, cũng như tiêu dùng trong hệ thống nhà hàng Nhật mà Công ty dự kiến sẽ mở vào đầu năm 2018.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục