Ngành gỗ: Thị trường xuất khẩu ngày càng "khó tính"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xuất khẩu gỗ ghi nhận tăng trưởng hai con số kể từ đầu năm 2024 đến nay. Thị trường phục hồi, doanh nghiệp ngành gỗ có bức tranh kinh doanh sáng hơn, nhưng cũng đang đối diện hàng loạt yêu cầu cao hơn từ đối tác xuất khẩu.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc

Đơn hàng trở lại

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 14,2 tỷ USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/8, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 9,5 tỷ USD. Như vậy, ngành gỗ đã hoàn thành 67% kế hoạch, đến cuối năm có thể hoàn thành mục tiêu.

Nếu như năm 2023 có nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành gỗ khi nhu cầu tiêu thụ giảm, thiếu vắng đơn hàng thì năm 2024, thị trường phục hồi đã giúp ngành gỗ thoát khỏi giai đoạn đình trệ.

Bà Lê Thị Xuyến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (Gỗ Thuận An, mã GTA) cho biết, tình hình đơn hàng hiện nay khả quan, khách hàng đã đặt đơn hàng đến tháng 10, tháng 11/2024. Thời gian đặt hàng của khách ngắn nên Công ty phải tăng ca, kíp để làm kịp đơn hàng.

“Từ nay đến cuối năm, Công ty nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới để đạt kế hoạch kinh doanh đề ra”, bà Lê Thị Xuyến nói.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Gỗ Thuận An ghi nhận doanh thu tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 137 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 3,7 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái (4,7 tỷ đồng). Lợi nhuận giảm là do chi phí tiền thuê đất không được giảm như năm ngoái (năm 2023, chi phí tiền thuê đất giảm 30%), các chi phí cố định giữ nguyên, chi phí bán hàng, giá cước vận tải biển tăng cao và biến động hàng ngày ảnh hưởng tới kế hoạch xuất hàng, một số khách hàng dời ngày xuất hàng và thay đổi lịch xuất hàng gây nên không ít khó khăn trong việc sắp xếp dây chuyền sản xuất. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm do lãi tiền gửi giảm.

Gỗ Thuận An hiện có 2 nhà máy gồm nhà máy ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương và nhà máy ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường Úc, Mỹ, Anh, châu Âu…

Tại Công ty cổ phần Phú Tài (mã PTB), trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đạt hơn 3.090 tỷ đồng doanh thu, tăng 6,5% và hơn 203 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả tăng trưởng này nhờ sản lượng tiêu thụ đá và gỗ tăng, chi phí tài chính, lãi vay giảm và có khoản lãi chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.

Một doanh nghiệp khác trong ngành gỗ dần bớt khó khăn và kinh doanh khả quan hơn là Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành, mã TTF), với doanh thu đạt hơn 696 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024 (cùng kỳ năm 2023 thua lỗ).

“Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, Gỗ Trường Thành đã không ngừng nỗ lực và cố gắng duy trì mối quan hệ với các đối tác, khách hàng lớn lẫn nhỏ, tại cả trong và ngoài nước, đảm bảo không phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường cụ thể nào. Bất chấp việc các thị trường quốc tế ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, Công ty vẫn thành công trong việc xây dựng và duy trì niềm tin với khách hàng”, lãnh đạo Gỗ Trường Thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, Gỗ Trường Thành đã kiểm soát chặt chẽ, tối ưu chi phí để nâng hiệu quả kinh doanh. Trong nước, Công ty tiếp tục được tham gia các dự án trọng điểm của nhiều tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam. Với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng lớn như Natuzzi, Williams, Sonoma, TJX, Four hands, Article… ở nhiều ngành hàng để thúc đẩy doanh thu, giá trị đơn hàng và từng bước đa dạng hoá thị trường, phát triển sâu thị trường châu Âu, Mỹ.

Thách thức vẫn còn

Ngành gỗ cần chuyển đổi sản xuất theo hướng giảm phát thải, đảm bảo giải trình nguồn gốc gỗ…

Thị trường xuất khẩu dần khởi sắc, nhưng doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Thứ nhất, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro bất định có thể khiến nhu cầu gỗ và các sản phẩm gỗ trong thời gian tới không cao như những tháng đầu năm. Thứ hai, giá cước vận tải biển tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu gỗ, đẩy giá bán sản phẩm tăng, làm giảm sức cạnh tranh. Thứ ba, việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dăm gỗ, gỗ dán và các sản phẩm gỗ khác bị kéo dài do các thủ tục xác minh tới tận chủ rừng của ngành thuế cần nhiều thời gian.

Đối với thị trường xuất khẩu, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gỗ sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong khi không ít thị trường này có những khó khăn về kinh tế, thậm chí có chính sách bảo hộ sản phẩm hàng hoá nội địa thông qua biện pháp phòng vệ thương mại cũng như chính sách kiểm soát nguồn gốc gỗ.

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành gỗ đã trải qua 5 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường Hàn Quốc, Canada, Mỹ (riêng thị trường Mỹ là 3 vụ).

Với EU, thị trường này đã ban hành các quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (EUDR). Các quy định đó làm gia tăng sự cạnh tranh và chi phí đáp ứng EUDR cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Xu hướng chung trên thế giới là các doanh nghiệp gỗ sẽ phải có chứng chỉ về quản lý rừng bền vững, chứng chỉ giảm phát thải các-bon, cung cấp các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, xử lý chất thải…

Lãnh đạo Gỗ Trường Thành cho biết, Công ty sẽ chủ động các giải pháp phòng ngừa nếu thị trường nhập khẩu áp dụng chính sách thuế phòng vệ thương mại, đồng thời rà soát hệ thống nhà cung cấp, nắm rõ nguồn gốc xuất xứ và các phương thức kinh doanh của từng nhà cung cấp để có biện pháp phù hợp.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, để cạnh tranh, các doanh nghiệp phải giảm giá, đảm bảo các yếu tố rẻ, bền, đẹp, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Việc này khiến các doanh nghiệp phải thay đổi rất nhiều, trong đó 3 yếu tố trụ cột là giải pháp, công nghệ và quản trị. Đặc biệt, ngành gỗ cần chú trọng chuyển đổi sản xuất theo hướng giảm phát thải, đảm bảo giải trình nguồn gốc gỗ. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành gỗ không chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách, mà dần tính đến có thiết kế riêng để bán trực tiếp cho khách hàng, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư, xúc tiến thương mại, tăng chi phí tiếp cận khách hàng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục