Ngành điều đối mặt thách thức thiếu nguyên liệu khi châu Phi hạn chế xuất khẩu điều thô

Giá điều thô đang cao, nhiều quốc gia cung cấp nguyên liệu thô ở châu Phi chuyển hướng đầu tư chế biến nội địa sẽ trở thành thách thức lớn cho ngành điều Việt Nam.
Để hạn chế tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp điều Việt Nam có thể đặt văn phòng tại khu vực Tây Phi để chủ động thu mua điều, nhập khẩu về Việt Nam Để hạn chế tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp điều Việt Nam có thể đặt văn phòng tại khu vực Tây Phi để chủ động thu mua điều, nhập khẩu về Việt Nam

Chia sẻ tại buổi Hội thảo tiềm năng hợp tác đầu tư, kinh doanh với thị trường Tây Phi trong ngành nông sản, diễn ra vào ngày 2/11, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP.HCM cho biết Việt Nam hiện là đất nước xuất khẩu hạt điều thành phẩm lớn nhất thế giới, nhưng mới chủ động được khoảng 30% nguyên liệu, phần nguyên liệu điều thô còn lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nhập khẩu.

Tính đến 15/10, các doanh nghiệp điều đã nhập khẩu gần 1,68 triệu tấn điều thô, trị giá hơn 2,4 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2022, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 1,9 – 2 triệu tấn nguyên liệu, giảm nhẹ so với sản lượng nhập khẩu điều thô của năm 2021 là 2,83 triệu tấn.

Trong đó, các nước châu Phi là thị trường nhập khẩu hạt điều thô lớn nhất và có giá tốt nhất của Việt Nam với bình quân gần 1.300 USD/tấn, thấp hơn Indonesia là hơn 1.400 USD/tấn và Campuchia là hơn 1.500 USD/tấn.

Tuy nhiên, theo ông Jasveer Singh, Giám đốc phát triển Công ty ARISE IIP, sau Covid-19, châu Phi đang đối mặt với hai vấn đề lớn là thiếu việc làm cho thanh niên và thiếu hụt lương thực, thực phẩm, dược phẩm.

Trước thực trạng này, một số nước châu Phi chuyển hướng chú trọng đầu tư sản xuất nội địa, cấm xuất khẩu điều thô để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến trong nước. Tiêu biểu như Benin đã thông báo cấm xuất khẩu điều thô từ năm 2024.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định hiện việc xuất khẩu điều thô từ châu Phi sang khu vực châu Á để chế biến, sau đó lại xuất khẩu thành phẩm đến châu Âu, châu Mỹ đang gây lãng phí nhiều thời gian, chi phí, đặc biệt trong bối cảnh logistics toàn cầu liên tục gặp khủng hoảng và tăng giá.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia đã gợi mở hướng đi cho doanh nghiệp điều Việt Nam bằng cách rút ngắn chuỗi cung ứng, đầu tư cơ sở, nhà máy chế biến ngay tại châu Phi, sau đó xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường ở châu lục khác nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải, giảm giá thành cho sản phẩm hạt điều.

Được biết, nhằm thúc đẩy đầu tư, hiện Chính phủ các nước châu Phi đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm các loại thuế, xây dựng hạ tầng bài bản từ kho bãi, khu vực sơ chế, nhà máy chế biến sâu, dây chuyền đóng gói, phòng thí nghiệm chất lượng thực phẩm,…

Theo ông Trần Ngọc Liêm, các doanh nghiệp điều Việt Nam có thể đặt văn phòng tại khu vực Tây Phi để chủ động thu mua điều, nhập khẩu về Việt Nam, hoặc đầu tư nhà máy, tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công rẻ, chính sách ưu đãi đầu tư của các nước này, sản xuất điều sơ chế, xuất khẩu về Việt Nam để chế biến sâu, xuất khẩu ra thế giới, gia tăng giá trị trong chuỗi toàn cầu.

Nguyễn Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục