Xếp hạng chưa có sự cải thiện
Theo kết quả khảo sát của Báo cáo Kinh doanh Việt Nam 2013 do nhóm chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới thực hiện, chỉ số tiếp cận điện của Việt Nam xếp hạng 155/189 quốc gia với tổng số 6 thủ tục và mất tới 115 ngày để tiếp cận điện.
Trong kết quả xếp hạng của báo cáo này năm 2014, chỉ số tiếp cận điện của Việt Nam còn tăng thêm 1 bậc, lên mức 156 với cùng số thủ tục và số ngày thực hiện. Điều này cho thấy, trong năm 2013 hầu như vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể, nếu không nói là còn bị thụt lùi.
Trước thực trạng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình, thủ tục tiếp cận nguồn điện trên toàn quốc, đặc biệt là các thành phố lớn, để từ đó có những kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện tình hình.
14 bước thủ tục cho xây dựng 1 trạm điện
Tại Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam” mới đây, đại diện Ban Kinh doanh EVN cho biết, theo kết quả rà soát, để cấp điện cho 1 trạm điện phải qua tổng cộng 14 bước, trong đó có 3 bước liên quan đến ngành điện, 11 bước liên quan tới các cơ quan quản lý thuộc ngành khác và chính khách hàng.
Các bước của cơ quan quản lý gồm: Sở Công thương xác định sự phù hợp của quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với các công trình chưa nằm trong quy hoạch, thẩm tra thực tế, kiểm tra nghiệm thu công trình. Bên cạnh đó, tùy theo địa phương, Sở Kiến trúc, Sở Giao thông -Vận tải hoặc Sở Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm các khâu thỏa thuận vị trí đặt trạm điện và đấu nối đường dây. Sau đó, các UBND cấp quận/huyện, xã cấp phép đào đường, đào vỉa hè để thi công.
Ngoài ra, còn có báo cáo tác động môi trường, báo cáo phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC) do Cơ quan PCCC của công an địa phương tùy theo quy mô công trình. Các bước liên quan đến khách hàng gồm thực hiện các thủ tục, giấy tờ đăng ký xây dựng trạm biến áp, đối với các công trình do khách hàng tự đầu tư thì còn có thêm khâu mua sắm vật tư, thuê thiết kê và đơn vị thi công, cùng ngành điện nghiệm thu công trình…
Đánh giá về các bước thủ tục này, ông Olin MacGill, chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh của Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) cho rằng, nhiều khâu không hợp lý và chồng chéo, có thể loại bỏ.
“Tôi thấy lạ là khi khách hàng nộp đơn xin được cấp điện thì sau đó lại phải xin đào đường để lắp đường điện, xin giấy phép và đánh giá phương án PCCC. Ở các nước khác, khi khách hàng xin thủ tục cấp phép xây dựng, thực ra là đã có cả tiếp cận điện trong đó”, ông Mac Gill nói và nhận định thêm, việc phải xin giấy phép PCCC và báo cáo thẩm định PCCC từ cơ quan công an PCCC địa phương là không hợp lý.
“Tôi chắc là các ông PCCC không thể nắm được phương án PCCC của trạm biến áp do khách hàng tự xây dựng, vậy làm sao các ông ấy có thể thẩm định PCCC và cấp phép, nên việc này khá là vô lý. Ngay trong quy trình cấp phép xây dựng đã có thủ tục đăng ký PCCC rồi thì không cần phải tách riêng, do đó có thể loại bỏ”, ông MacGill phân tích.
Theo tính toán của vị chuyên gia này, nếu có thể giảm 3 thủ tục trên là có thể bớt được 40 ngày với chi phí có thể giảm ít nhất một nửa. Theo đó, chỉ số tiếp cận điện của Việt Nam có thể nhảy lên hạng 43, và nhờ giảm chi phí thì có thể nhảy tiếp lên hạng 37.
Về phần mình, đại diện Ban Kinh doanh EVN cho rằng, các bước thủ tục Tập đoàn thực hiện đều tuân theo trình tự thời gian quy định trong Luật Điện lực sửa đổi cũng như các quy định của cơ quan chủ quản là Bộ Công thương. Tuy nhiên, theo vị này, phần lớn thời gian thực hiện bị kéo dài là do một số thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước vẫn phức tạp, hồ sơ giấy tờ kèm theo rất nhiều.
“Bên cạnh đó, các địa phương có cách làm không thống nhất, nhiều công trình điện do phát triển nóng của nền kinh tế, dù chưa nằm trong quy hoạch nhưng lại yêu cầu gấp về tiến độ, trong khi trình tự quy trình xin cấp vốn cho xây dựng công trình điện hết sức phức tạp, bố trí vốn rất khó khăn. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi phải thỏa thuận với khách hàng, ngành điện chịu tiền, khách hàng cứ đầu tư rồi trả lại họ tiền đầu tư sau để đảm bảo tiến độ”, vị này cho biết.
35 ngày xuống còn... 5 ngày
Đại diện Ban Kinh doanh EVN cho biết, trước mắt sẽ phấn đấu giảm số ngày thực hiện một số thủ tục chính như thỏa thuận thuận đấu nối giảm từ 35 ngày xuống còn 5 ngày, tiếp nhận và thực hiện hồ sơ giảm từ 15 ngày xuống còn 3 ngày, ký hợp đồng mua bán điện rút xuống còn 10 ngày.
Như vậy, thời gian thực hiện những thủ tục này sẽ được giảm xuống còn 18 ngày. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, để có thể thực hiện được việc này thì không chỉ có ngành điện mà cần có sự hỗ trợ phối hợp của các ngành liên quan.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Công thương cần điều chỉnh Thông tư 32, theo đó thay đổi mẫu cấp điện thông qua việc tách riêng mức trung áp ra để thuận lợi cho khách hàng có nhu cầu đầu tư. Liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình, Bộ Công thương hiện thực hiện 2 khâu thẩm tra thiết kế, kiểm tra chất lượng công trình trước khi đưa vào sử dụng, nếu theo nghị định thì hết 30 ngày.
Vậy, để rút ngắn thời gian thực hiện, thời gian xác nhận phù hợp quy hoạch nên kết hợp với thẩm tra thiết kế, chứ nếu kéo dài thêm thì mất thêm mấy ngày vào khâu xác nhận thời gian phù hợp quy hoạch”, đại điện EVN phân tích.
Bên cạnh đó, EVN cung đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành đơn giản hóa thủ tục các thủ tục cấp phép đào đường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm tra phương án PCCC để giảm bớt thời gian thực hiện.