Doanh nghiệp ngành điện mệt mỏi đàm phán giá điện

(ĐTCK) Kỷ lục về việc chậm đàm phán giá điện tính đến thời điểm hiện tại thuộc về CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) khi đây là năm thứ 4 liên tiếp Công ty vẫn chưa đàm phán xong giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong khi nhiều DN khác lại đang “đau đầu” để đàm phán giá điện năm 2014.
Doanh nghiệp ngành điện mệt mỏi đàm phán giá điện

Căng thẳng giá điện

ĐHCĐ CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh ngày 27/6 vừa qua lại căng thẳng khi nhiều cổ đông tiếp tục chất vấn Ban lãnh đạo liên quan đến giá điện. Câu chuyện này đang gây mệt mỏi cho cả Lãnh đạo DN lẫn cổ đông VSH. Trong khi giá bình quân mà các DN đang tính dao động quanh 750 đồng/kWh thì tại VSH vẫn đang tạm tính 351 đồng/kWh, dựa trên mức tạm tính với giá điện chỉ bằng 75% so với năm 2009 vì VSH vẫn chưa đàm phán được giá điện từ năm 2010 đến nay. Sự chậm trễ này vẫn xuất phát từ việc bên bán muốn giá cao trong khi bên mua chỉ muốn trả giá thấp.

VSH đang đề nghị giá hợp đồng cho năm 2014 ở mức 423 đồng/kwh, cao hơn khoảng 20% so với mức giá tạm tính hiện tại. VSH cho biết, trước khi có văn bản thỏa thuận chính thức từ EVN, VSH có thể sẽ tiếp tục hạch toán giá điện ở mức 351 đồng/kwh. Trong khi đó, nhiều cổ đông lại đưa ra quan điểm, EVN trong thời gian qua đã tăng giá điện bán lẻ sinh hoạt nhiều lần, nhưng giá mua điện tại VSH lại không những không tăng mà còn giảm là bất hợp lý. Bởi nếu tính toán theo công thức trong Thông tư 41/2010/TT-BCT hướng dẫn thực hiện bán giá điện, thì con số tính toán có thể lên đến hơn 650 đồng/kWh. Tuy nhiên, rất khó để EVN chấp nhận mức giá này.

Tại CTCP Nhiệt Điện Phả Lại, hiện DN đang khúc mắc trong việc đàm phán giá điện năm 2014. Do đặc thù là DN sản xuất điện bằng than nên giá bán điện của PPC hiện nay cũng đang cao hơn so với giá bán bình quân điện của các DN. Năm 2013, giá bán điện bình quân của PPC cho EVN khoảng trên 1.200 đồng/kwh. Lãnh đạo PPC cho biết, giá than năm 2014 đã tăng khoảng 6% so với thời điểm cuối năm 2013, giá nhiên liệu đầu vào là than có nhiều biến động cũng là nguyên nhân đẩy giá điện tăng cao và cũng là điểm bất lợi đối với DN trong việc chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh.

Trong khi đó, EVN đang đề nghị mua với giá dự kiến thấp hơn mức bình quân năm 2014 nên hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất. Cũng theo đại diện PPC thì hiện nay, nếu chiếu theo Thông tư 41/2010/TT-BCT vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý vì nó chưa đáp ứng được quyền lợi đối với các DN. Dù quy định này sẽ được tính dựa theo giá thị trường, nhưng thực tế EVN chỉ đề xuất tính trên 10% là theo giá thị trường, còn gần 90% vẫn dựa trên hợp đồng hai bên. Liên quan đến giá điện 2013 tại PPC, do hai bên đã ký được hợp đồng mua bán từ thời điểm ngày 22/5/2014 nên doanh thu năm 2013 của PPC được sửa đổi tăng lên 18,24 tỷ đồng và khoản chênh lệch nói trên sẽ được hạch toán vào doanh thu năm 2014.

Kế hoạch lợi nhuận... lại tạm tính

ĐHCĐ 2014 của VSH đã thống nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 với sản lượng điện 750 triệu kWh, doanh thu trước thuế 484,72 tỷ đồng,  lợi nhuận sau thuế 214,6 tỷ đồng trên cơ sở giá bán điện tạm tính là 423,5 đồng/kWh.

Tiến độ thực hiện Dự án thủy điện Thượng Kon Tum đến nay đã chậm 1 năm so với tiến độ của Tổng sơ đồ điện VII do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo VSH, một phần cũng do việc chậm đàm phán giá điện.

Cũng về kế hoạch kinh doanh năm 2014,  trước đây PPC đã dự kiến đặt mục tiêu lợi nhuận 400 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2013 do Công ty nhận định khó có thể được “hưởng lợi”  từ yếu tố biến động tỷ giá như năm vừa qua. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ vừa diễn ra ngày 30/6, do vẫn chưa “chốt” được giá điện, nên PPC cũng mới thông qua chỉ tiêu sản lượng điện sản xuất 5.572 triệu kWh, trong đó sản lượng bán cho EVN 5.007 triệu kWh, còn các chỉ tiêu cụ thể về doanh thu, lợi nhuận thì ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT xây dựng và sẽ thông báo lại sau.       

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục