Ngành dịch vụ quỹ sẽ phát triển mạnh

(ĐTCK) Với nhận định ngành quỹ có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng cho thị trường, VSD đảm bảo sẽ luôn sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để cung cấp dịch vụ cho các loại hình quỹ đầu tư theo yêu cầu của thị trường.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc VSD Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc VSD

Xin ông cho biết những kết quả mà VSD đạt được trong việc hỗ trợ hoạt động của các quỹ đầu tư, kể từ khi hàng lang pháp lý về quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) được ban hành?

Theo Thông tư số 183/2011/TT-BTC hướng dẫn việc thành lập và quản lý quỹ mở, VSD được quyền cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng và dịch vụ quản trị quỹ cho các quỹ mở. Đến khi Thông tư số 229//2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục được ban hành, ngoài các dịch vụ được cung cấp cho quỹ mở, VSD còn đảm nhận các nhiệm vụ sau:

(1) hướng dẫn việc hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ ETF và ngược lại;

(2) chuyển nhượng ngoài hệ thống giao dịch của Sở GDCK khi thực hiện hoán đổi chứng khoán cơ cấu lấy ETF;

(3) hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, phân bổ ETF;

(4) hướng dẫn thành viên lập quỹ trong hoạt động vay, cho vay ETF, chứng khoán cơ cấu trong các giao dịch hoán đổi và giám sát hoạt động vay, cho vay của thành viên lập quỹ trên hệ thống.

Để triển khai các dịch vụ này, từ hơn 2 năm trước, VSD đã chủ động nghiên cứu phương án và đầu tư hệ thống. Đến nay, sau hơn 1 năm chính thức đưa hệ thống quỹ mở đi vào hoạt động, VSD đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 6 quỹ, thực hiện mở gần 1.700 tài khoản giao dịch quỹ mở cho NĐT và đã chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở cho gần 5.500 NĐT với số lượng hơn 180 triệu chứng chỉ quỹ.

Đối với dịch vụ quỹ ETF, trong vai trò là đại lý chuyển nhượng cho hai quỹ ETF đầu tiên của thị trường là Quỹ E1VFVN30 (của Công ty Quản lý quỹ VFM) và Quỹ ETF SSIAMHNX30 (của Công ty Quản lý quỹ SSIAM), VSD đã hỗ trợ cho các quỹ này trong việc phong tỏa chứng khoán cơ cấu để góp vốn lập quỹ ETF ngay từ giai đoạn phát hành ban đầu (IPO).

Đến nay, kết quả IPO của hai quỹ ETF đều thành công, trong đó một quỹ đã niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM từ tháng 10/2014 và một quỹ đang trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Về phương án kỹ thuật, hệ thống đại lý chuyển nhượng của VSD đã thiết lập kết nối với tất cả các công ty quản lý quỹ, CTCK làm thành viên lập quỹ, đại lý phân phối, ngân hàng giám sát, cho phép các bên thực hiện giao dịch trao đổi thông tin dưới dạng chứng từ điện tử qua cổng giao tiếp điện tử của VSD, giúp rút ngắn thời gian xử lý, đảm bảo tính thống nhất, đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của các công ty quản lý quỹ.

Có thể nói, việc tham gia cung cấp dịch vụ quỹ đầu tư của VSD đã giúp cho việc xử lý công việc của các bên liên quan trở nên thuận lợi, hiệu quả và ít chi phí hơn, qua đó, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ quỹ còn rất mới của Việt Nam. 

Được biết, bên cạnh hệ thống dành cho quỹ mở và ETF, VSD cũng đã đưa vào vận hành hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL). Xin ông cho biết ý nghĩa của hệ thống này đối với hoạt động giao dịch hoán đổi của quỹ ETF?

Qua theo dõi tình hình thực tế sử dụng hệ thống vay, cho vay của các thành viên lập quỹ trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy, đã có trường hợp thành viên lập quỹ vay chứng khoán cơ cấu để thực hiện giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF.

Tuy nhiên, nhu cầu này hiện chưa cao. Điều này có thể lý giải là vì hiện nay thị trường mới có hai quỹ ETF, trong đó mới chỉ có một quỹ chính thức niêm yết và thực hiện giao dịch hoán đổi với tần suất 2 lần một tuần.

Trong thời gian tới, khi số lượng các quỹ phát hành mới tăng lên, tần suất giao dịch quỹ giảm xuống hàng ngày, chắc chắn sẽ có nhiều thành viên vay chứng khoán cơ cấu, chứng chỉ quỹ cho các mục đích góp vốn hoặc giao dịch hoán đổi. 

Dựa trên cơ sở đánh giá về triển vọng phát triển của ngành dịch vụ quỹ trong giai đoạn tới, ông có thể chia sẻ kế hoạch tiếp theo của VSD trong việc cung cấp dịch vụ quỹ đầu tư?

Kinh nghiệm của các thị trường khác cho thấy, ngành dịch vụ quỹ đầu tư thông thường có sự khởi đầu chậm, nhưng sau đó, tốc độ phát triển rất nhanh khi đã khẳng định được hiệu quả và có được niềm tin của các NĐT.

Đối với thị trường Việt Nam, mặc dù mới chỉ sau chưa đầy 3 năm kể từ khi có hướng dẫn về việc thành lập và quản lý quỹ mở và quỹ ETF, nhưng những kết quả đạt được theo tôi là không nhỏ. Đây là cơ sở để chúng tôi có nhận định tích cực về triển vọng phát triển của ngành dịch vụ quỹ trong thời gian tới.

Trong vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng cho thị trường, VSD đảm bảo sẽ luôn sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để cung cấp dịch vụ cho các loại hình quỹ đầu tư theo yêu cầu của thị trường.

Trước mắt, dựa trên việc ghi nhận những ý kiến phản hồi, đóng góp của các bên liên quan, VSD sẽ khắc phục những điểm còn bất cập trong việc cung cấp dịch vụ hiện nay, trong đó, ưu tiên ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để nâng cấp hệ thống, nâng cao tính ổn định và an toàn trong trao đổi thông tin với các bên.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chủ động xây dựng phương án và đầu tư nguồn lực để sẵn sàng đón nhận các sản phẩm quỹ mới tham gia thị trường.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục