Tiếp sau đó là hàng chục công ty QLQ được thành lập, nhiều công ty như VFM, MB Capital, SSIAM, VCBF, Vinaweath, Eastspring Investments… đã dành nhiều nỗ lực để phát triển các loại hình quỹ đóng, quỹ mở và nay là quỹ ETF tại Việt Nam.
Trải qua hơn 10 năm phát triển, khoảng thời gian không dài với một ngành dịch vụ hoàn toàn mới như ngành QLQ, nhưng đó là một quá trình liên tục nỗ lực tạo dựng nền tảng để đưa ngành phát triển theo đường trường bền vững.
Ở tuổi lên 10, ngành QLQ Việt Nam đã tạo được “gia sản” đáng được khích lệ. Cùng với hệ thống văn bản pháp lý hướng theo tiêu chuẩn quốc tế, ngành quỹ có 43 công ty QLQ, với tổng số vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, đang quản lý khối tài sản ủy thác lên tới 107.000 tỷ đồng; thị trường hiện có 26 quỹ đầu tư, trong đó gồm 15 quỹ mở, 2 quỹ ETF, 8 quỹ thành viên, 1 quỹ đóng…
Đó là nhìn về lượng, còn xét về chất, ngành quỹ đã có bước tiến đáng kể. Nếu như trước năm 2012, thị trường chỉ có các quỹ đóng, quỹ thành viên hoạt động kém linh hoạt, thì đến nay đã được thay thế bằng thế hệ quỹ đầu tư mới, hiện đại như: quỹ mở, quỹ ETF. Đặc biệt, trong số 26 quỹ đầu tư đang hoạt động, thì đa phần là các quỹ đại chúng… Chỉ trong hơn một năm qua, đã có tới 15 quỹ mở và 2 quỹ ETF ra đời. Điều này đang từng bước hình thành hệ thống NĐT tổ chức chuyên nghiệp, góp phần phát triển TTCK lành mạnh, bền vững hơn.
Cần thêm thời gian để thế hệ quỹ mới là các quỹ mở và quỹ ETF chứng tỏ tính hấp dẫn trong mắt NĐT. Tuy nhiên, chỉ trong hơn một năm qua, số lượng quỹ đầu tư đại chúng ra đời khá nhiều cho thấy sự quan tâm của công chúng đầu tư, dẫu rằng đa phần dừng lại ở các NĐT tổ chức, chuyên nghiệp, mức độ tham gia của NĐT cá nhân còn rất hạn chế.
Việc cải thiện chất lượng hoạt động của ngành QLQ nói riêng, TTCK nói chung, còn thể hiện ở khía cạnh khác. Đó là quỹ mở là sản phẩm nền tảng, được thiết kế nhằm kết nối TTCK với các thị trường khác như: bảo hiểm, tiền tệ..., hay kết nối với các khu vực sản phẩm khác của TTCK như chỉ số, chứng khoán phái sinh, trái phiếu…, qua đó tạo độ sâu cho thị trường. Đặc biệt, sự ra đời của quỹ ETF đang dần làm thay đổi hành vi đầu tư của công chúng đầu tư. Đó là thay vì đầu tư vào từng mã chứng khoán riêng biệt, đòi hỏi nhiều thời gian để phân tích thị trường và thời điểm giao dịch, thì với quỹ ETF, NĐT sẽ đầu tư vào một rổ chỉ số, dễ theo dõi, qua đó hạn chế hiện tượng thị trường bị lạm dụng, thao túng. Dẫu còn những khó khăn do thời gian phát triển chưa dài, nhưng với những gì tích lũy được sau hơn 10 năm phát triển, cùng chính sách phát triển thị trường nói chung, ngành QLQ nói riêng đang và sẽ được triển khai, ngành QLQ Việt Nam đang có triển vọng phát triển mới trong giai đoạn tới.
Nhằm đánh giá hoạt động của ngành công nghiệp quản lý quỹ và ghi nhận sự tiến bộ của các DN trong ngành, như thường lệ, tháng 12 năm nay, Báo ĐTCK thực hiện Chuyên đề đặc biệt về ngành quỹ. Hy vọng Chuyên đề sẽ giúp bạn đọc nhận diện rõ nét hơn bức tranh của ngành quỹ, tạo thêm động lực cho những DN đầu ngành như VFM, MBCapital, SSIAM… vươn lên, tiếp tục khẳng định mình để góp sức thực hiện mục tiêu chiến lược của TTCK. Một trong những mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2020 là phải phát triển các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ đầu tư để trở thành chủ thể đầu tư chính, tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả chung của TTCK Việt Nam.
Soi vào mục tiêu trên có thể thấy, ngành quỹ trong không gian pháp lý rộng mở và hiện đại hiện nay, đang bước vào chặng đua mới với tương lai rộng mở phía trước.