Năm 2013, năm của những cuộc đổi chủ ngành quỹ

(ĐTCK) Năm 2013, những giấy phép kinh doanh quản lý quỹ (QLQ) đầu tiên bị thu hồi, những công ty đầu tiên giải thể hoặc ngừng hoạt động và cơn bão chuyển nhượng, thay nhân sự vẫn tăng cấp không ngừng.
Năm 2013, năm của những cuộc  đổi chủ ngành quỹ

5 công ty giải thể hoặc ngừng hoạt động

Tháng 6/2013, Công ty QLQ Hữu Nghị (tiền thân là Công ty QLQ SME) trở thành công ty QLQ đầu tiên bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) yêu cầu tạm ngừng hoạt động. Chủ tịch của công ty này là ông Phan Huy Chí, người đã bị bắt từ hồi giữa năm 2012 vì vụ án chiếm đoạt 400 tỷ đồng tiền của nhà đầu tư tại CTCK SME.

Tháng 7/2013, UBCK thông báo, QLQ Sabeco giải thể, trở thành công ty đầu tiên giải thể trong ngành; việc giải thể đã hoàn tất trong tháng 10 và giấy phép được thu hồi.

Tháng 9/2013, có thêm QLQ Dầu khí Toàn Cầu bị buộc tạm ngừng hoạt động, do số lỗ lũy kế đã vượt quá mức cho phép. Bản thân Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu - cổ đông đã góp 11% vốn điều lệ vào QLQ Dầu khí Toàn Cầu hồi năm 2010 - cũng đã phải tự tái cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Những ngày giáp Tết, có thêm QLQ Đầu tư Thành Việt bị UBCK thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; còn QLQ Đầu tư chứng khoán Minh Việt - đơn vị thành viên của Công ty bất động sản Tân Hoàng Minh bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động. Hai công ty này từng được đặt kỳ vọng lớn khi ra đời: QLQ Thành Việt đã từng quản lý gần 4.000 tỷ đồng qua hai quỹ đóng SFA1 và SFA2, còn QLQ Minh Việt được Tân Hoàng Minh lập ra từ năm 2008, với mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh của Công ty sang mảng đầu tư tài chính.

Bên cạnh 5 công ty nêu trên, QLQ Liên Minh Việt Nam bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ tháng 7/2013 do số lỗ vượt quá mức quy định.

3 công ty chuyển sang chủ mới

Tiếp nối những cuộc chuyển nhượng công ty QLQ từ năm 2012, trong năm 2013 vừa qua, có thêm 3 công ty được chuyển sang những người chủ mới, gồm QLQ Nhân Việt, QLQ An Bình và QLQ Đối tác Toàn Cầu - cả 3 đều là những công ty đang thua lỗ nặng nề vào thời điểm chuyển nhượng.

Tháng 1/2013, hai cổ đông của QLQ Nhân Việt là Centaurus Capital (Anh) và Tân Đại Việt đã bán lại toàn bộ 90,2% cổ phần cho hai cá nhân là bà Vũ Thị Huyền Nga và bà Huỳnh Thị Ngân Trang, đổi tên Công ty thành QLQ Sao Vàng. Tại ngày 30/9/2013, Công ty lỗ 19,2 tỷ đồng trên vốn điều lệ 25 tỷ đồng.

Đầu tháng 9/2013, hai cổ đông lớn nhất của QLQ Đầu tư chứng khoán An Bình là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và ông Đào Mạnh Kháng (nguyên Tổng giám đốc ABF và từng là thành viên HĐQT) được chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ số vốn lần lượt là 59,33% và 30,67% sang cho hai cá nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh và ông Đào Mạnh Vương. Tính đến cuối tháng 9/2013, Công ty có lỗ lũy kế 9,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ 30 tỷ đồng.

Tháng 11/2013, cổ đông cũ của QLQ Đối tác Toàn Cầu là bà Đỗ Thị Mơ được chấp thuận bán toàn bộ 72,5% cổ phần cho hai cá nhân là bà Ngô Thị Thu Hương và ông Đào Đức Mạnh. Tính đến 30/6/2013 Công ty đang lỗ lũy kế lên tới 41,4 tỷ đồng trên vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

Nguồn tin từ UBCK cho biết, một công ty QLQ khác đang trong quá trình chuyển nhượng. Công ty này cũng nằm trong nhóm những công ty hoạt động kém trong ngành, với số lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2013 là 7,7 tỷ đồng trên vốn điều lệ 25 tỷ đồng.

6 công ty thay tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT

Trong khi đó, động thái thay nhân sự cấp cao trong ngành QLQ tiếp tục diễn ra. Không kể các vị trí nhân viên, trưởng phòng hay phó tổng giám đốc, chỉ tính riêng vị trí tổng giám đốc hay chủ tịch HĐQT cũng đã có ít nhất 6 công ty thay người trong năm 2013.

6 công ty này gồm cả những công ty hoạt động có lãi, thậm chí lãi khá, như QLQ Vietinbank, QLQ Techcombank và những công ty thua lỗ nặng nề như QLQ Thăng Long hay QLQ Phú Hưng.

Tháng 1/2013, QLQ Phú Hưng thay Tổng giám đốc, khi đó Công ty đang lỗ lũy kế 9,4 tỷ đồng trên vốn điều lệ 28 tỷ đồng. Tháng 3/2013, QLQ FPT thay cả Chủ tịch và Tổng giám đốc bằng Chủ tịch mới và quyền Tổng giám đốc mới.

Tháng 6/2013, hai QLQ cùng miễn nhiệm Tổng giám đốc là QLQ Thái Bình Dương và QLQ Tín Phát.

Tháng 7/2013, QLQ FPT thay cả Chủ tịch và quyền Tổng giám đốc vừa mới bổ nhiệm hồi tháng 3.

Tháng 8/2013, QLQ Thăng Long bổ nhiệm Tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Hồ Nam, khi đó Công ty có lỗ lũy kế gần 10 tỷ đồng.

Tháng 12/2013, QLQ Techcombank miễn nhiệm Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang, còn QLQ Vietinbank thay Chủ tịch mới.

Tháng 1/2014, QLQ Thái Bình Dương được thông báo có Chủ tịch mới trên website UBCK.

Biến động nối tiếp biến động

Có 6 công ty QLQ đổi tổng giám đốc hoặc chủ tịch, 5 công ty ngừng hoạt động, 3 công ty đổi chủ sở hữu, nói cách khác, 1/4 ngành QLQ có biến động nhân sự cấp cao nhất trong năm 2013.

Biến động nhân sự nêu trên diễn ra trong một hệ thống phức tạp sở hữu các tổ chức tài chính mà người ngoài cuộc hầu như không bao giờ nhìn ra được nguyên nhân hay mục đích. Những lần thay người đột ngột không rõ lý do, những cuộc đổi chủ mà thông tin của cả chủ cũ và chủ mới không gì hơn là một vài cái tên cá nhân kèm số CMND.

Công ty QLQ đang trong quá trình chuyển nhượng nêu trên chỉ vừa mới được chủ hiện tại mua lại cách đây hơn một năm. Bản thân người chủ hiện tại này đang có liên quan tới một nhóm các tổ chức tài chính khác.

Một trong hai cổ đông lớn của QLQ Đối tác Toàn Cầu là bà Ngô Thị Thu Hương - hiện là Phó tổng giám đốc CTCK Thủ Đô, công ty đang vật lộn với tình trạng thua lỗ nhiều năm nay đến mức đã phải xin rút nghiệp vụ môi giới hồi tháng 6/2013. Cổ đông lớn nhất của CTCK Thủ Đô vào thời điểm chuyển nhượng là tập đoàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực đại lý và dịch vụ kinh doanh ô tô, xe máy Gami Group. Cựu Phó chủ tịch Gami Group (cũng là cựu Chủ tịch của CTCK Thủ Đô) đang là tân Chủ tịch Navibank. Nhân sự từng làm việc tại Navibank, ông Nguyễn Hải Châu, lại sang làm Chủ tịch HĐQT mới kiêm quyền Tổng giám đốc QLQ Toàn Cầu. Còn cổ đông lớn của QLQ Toàn Cầu, bà Hương, không nắm vị trí gì trong HĐQT cũng như trong Ban giám đốc.

Biến động đến bao giờ?

Rất nhiều nhân sự trong ngành QLQ, gồm cả các lãnh đạo, có thời gian làm việc ở một tổ chức tính theo tháng. Đối với công ty là những lần sang tay chủ sở hữu mới hay người điều hành mới, đối với người làm là những lần đổi sang công ty mới và đổi chức danh mới, tất cả chạy vòng quanh liên tục như vòng xoáy của một cơn bão.

Cơn bão này đến bao giờ ngừng, người làm trong ngành QLQ nội đến bao giờ cảm thấy chắc chắn ổn định…, đến thời điểm này chưa nói trước được!

Gần 50 công ty trong ngành, chỉ có chưa đầy 20 quỹ đầu tư và một số công ty quản lý danh mục ủy thác đầu tư. Còn lại, phân nửa ngành đang “sống” bằng gì, “sống” có bền không, là một câu hỏi lớn.

Trong cơn bão, có một nhóm công ty kiên trì sống bằng chuyên môn quản lý quỹ, đó là VFM, Vinawealth hay MBCapital. Những công ty này không lãi lớn, nhưng thu nhập ổn định, ra sản phẩm ổn định và nhân sự ổn định. Điểm đáng mừng là một số công ty QLQ khác đang quay dần sang con đường ổn định đó. Trong danh sách dài những công ty đang làm hồ sơ xin lập quỹ, có cả những công ty nhỏ trước nay chưa từng quản lý một quỹ nào.

Hải Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục