Theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Công ty Quản lý quỹ Dầu khí Toàn cầu (GPFund) tạm ngừng hoạt động trong vòng 2 năm từ ngày 6/9. Trao đổi qua điện thoại với ĐTCK, người công bố thông tin của GPFund cho biết, tất cả bộ máy quản trị, nhân viên của GPFund hiện nay đã nghỉ việc, văn phòng Công ty cũng không còn. Chỉ duy nhất số điện thoại này được duy trì để thực hiện công bố thông tin theo yêu cầu của UBCK.
3 công ty ngừng hoạt động, 3 bị “treo”, 4 mất 1/2 vốn
GPFund đã trở thành công ty thứ ba ngừng hoạt động trong ngành QLQ, chỉ hai tháng sau công ty đầu tiên, QLQ Hữu Nghị (tiền thân là QLQ SME) bị UBCK yêu cầu tạm ngừng hoạt động từ tháng 6, còn QLQ Sabeco giải thể từ cuối tháng 7.
Ba công ty khác đang trong tình trạng bị “treo”: QLQ Đầu tư Thành Việt bị đình chỉ hoạt động 6 tháng đến ngày 17/11/2013, QLQ Liên Minh Việt Nam bị kiểm soát đặc biệt 4 tháng đến 11/11/2013 và QLQ Minh Việt của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị kiểm soát đặc biệt đến ngày 4/9 (Công ty chưa có thông tin về việc đã được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát trên website).
Bên cạnh 6 công ty QLQ này là hơn chục công ty khác đang sống lay lắt do nhu cầu đầu tư tài chính tổ chức sụt giảm, trong khi mô hình hoạt động của nhiều công ty QLQ có nhiều bất cập.
Các công ty không đủ chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ bị UBCK kiểm soát đặc biệt. Đối với những công ty này, nếu số lỗ lũy kế lên trên 50% vốn điều lệ, công ty sẽ bị đình chỉ hoạt động và có tối đa 6 tháng để khắc phục. Nếu số lỗ dưới 50% vốn điều lệ, công ty sẽ bị tạm ngừng hoạt động và có tối đa là 2 năm để khắc phục.
Chỉ tiêu an toàn tài chính của các công ty QLQ vẫn được báo cáo trên mức bị UBCK kiểm soát, nhưng đã có ít nhất 4 công ty có số lỗ lũy kế gần ngưỡng 50% vốn điều lệ, có công ty vượt xa ngưỡng này. Cụ thể, tính đến 30/6/2013, QLQ Đối tác Toàn Cầu lỗ đến 82% vốn điều lệ, QLQ Hợp lực Việt Nam lỗ 62% vốn điều lệ và QLQ Phú Hưng lỗ 47% vốn điều lệ. Riêng QLQ Đầu tư VIPC hiện chưa cập nhật báo cáo tài chính (BCTC) năm 2012 và 2013 trên website, nhưng từ cuối năm 2011, công ty này đã lỗ lũy kế đến 55% vốn điều lệ. (xem Bảng 1).
Giai đoạn khó khăn
Theo BCTC gần nhất đăng tải trên website của các công ty QLQ, có ít nhất 7 công ty khác (ngoài 4 công ty nêu trên) đang có lỗ lũy kế ăn vào vốn điều lệ (xem Bảng 2). Thống kê này chưa tính đến gần chục công ty khác không truy cập được website, hoặc website không còn cập nhật BCTC từ năm 2012 như QLQ An Phát, QLQ Tín Phát hay QLQ Quốc Tế - đơn vị được chủ của CTCK Hòa Bình mua lại năm ngoái.
Phần lớn công ty có website không cập nhật thông tin đều có lịch sử thua lỗ lớn, hoặc có những rắc rối trong hoạt động đầu tư tài chính suốt từ năm 2011. Ví dụ, báo cáo từ năm 2011 của QLQ Tín Phát bị kiểm toán lưu ý rằng, Công ty đã nhận 3.200 tỷ đồng vốn ủy thác nhưng chưa thực hiện lưu ký tài sản đầu tư, vì vậy chưa tách số tiền này với tiền tự doanh của Công ty.
Những công ty “may mắn” sẽ được một nhà đầu tư lớn mua lại, hoặc những công ty có hy vọng cứu vãn thì thay lãnh đạo. Tính riêng từ đầu năm tới nay đã có hơn 10 công ty đổi chủ, hoặc thay tổng giám đốc, thay chủ tịch HĐQT. Gần đây nhất, QLQ An Phúc đã thay chủ tịch HĐQT từ ngày 10/8, QLQ Nhân Việt đổi chủ sang Công ty Đầu tư Sao Vàng và QLQ An Bình chuyển nhượng gần như toàn bộ vốn cho 2 cổ đông cá nhân hồi đầu tháng 9.
Như vậy, trong tổng số 47 CTQLQ, đã có 3 công ty ngừng hoạt động, 3 công ty bị “treo”, ít nhất 11 công ty lỗ ăn vào vốn điều lệ và khoảng chục công ty có website không cập nhật thông tin suốt 1 năm nay. Bên cạnh đó, nhiều công ty đổi chủ hoặc lãnh đạo trong vòng nửa năm trở lại đây.
“Đất sống từ hoạt động QLQ rất hẹp, trong khi đó, nhiều lợi thế từ công ty mẹ của hàng loạt công ty QLQ không còn, sau khi cơ quan quản lý siết chặt hệ thống sở hữu chéo trong ngành tài chính”, lãnh đạo một công ty QLQ nói.
Tuy nhiên, một số chủ đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào công ty QLQ của mình. Trong BCTC bán niên soát xét 2013 của QLQ Hợp lực Việt Nam, đơn vị kiểm toán ghi chú về khả năng hoạt động liên tục của Công ty: “Cho đến thời điểm lập BCTC này, các cổ đông của Công ty cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ khi cần thiết nhằm đảm bảo giúp Công ty duy trì khả năng hoạt động liên tục trong tương lai có thể dự kiến”.