Ngành bảo hiểm vẫn "khép" thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù có nhiều nỗ lực trong những năm qua, nhưng công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế và được chỉ ra là một trong những nguyên nhân gây ra tranh chấp bảo hiểm, tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn ở mức thấp...
Công tác tuyên truyền về bảo hiểm cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới Công tác tuyên truyền về bảo hiểm cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới

Bộ Tài chính: "Nhận thức về bảo hiểm còn hạn chế là do thiếu tuyên truyền"

Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 hoạch định rõ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm. Dự thảo do Bộ Tài chính soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ mới đây.

Theo đó, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ rõ một trong những tồn tại kéo dài nhiều năm trên thị trường, đó là nhận thức và ý thức về bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân, người tham gia bảo hiểm còn hạn chế. Ngoài ra, việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm chưa rõ ràng và hiệu quả ở cả cơ quan quản lý bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV).

Nguyên nhân được chỉ ra là do công tác tuyên truyền bảo hiểm chưa được thực hiện đồng bộ, tổng thể. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ yếu do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thực hiện và thông qua các chiến dịch marketing sản phẩm, thương hiệu, hoạt động tài trợ, từ thiện. Cơ quan quản lý thực hiện tuyên truyền pháp luật khi có văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc chính sách bảo hiểm mới.

Giới quan sát đánh giá, hạn chế trong nhận thức về bảo hiểm là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp. Bộ Tài chính cho biết, quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khiêm tốn với tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp (khoảng 3%) so với các nước tiên tiến trong khu vực (10%) và trên thế giới (7%), số lượng người tham gia bảo hiểm nhân thọ chiếm khoảng 11% dân số.

“Thông qua việc tiếp nhận các vụ tranh chấp bảo hiểm, một vấn đề dễ nhận thấy là bên bán thiếu tận tâm trong khâu tư vấn, chăm sóc khách hàng, còn bên mua không hiểu thấu sản phẩm vì chưa được tư vấn kỹ dẫn đến tranh chấp. Nếu hoạt động tuyên truyền bảo hiểm được thực hiện đủ tốt thì sẽ hạn chế đáng kể sự tranh chấp, giúp gia tăng niềm tin vào bảo hiểm”, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho hay.

Trong khi đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao và đa dạng, đòi hỏi có những sản phẩm bảo hiểm linh hoạt và toàn diện, nhưng chất lượng tuyên truyền về sản phẩm bảo hiểm còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

“Chúng ta đề cập nhiều về cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm để tăng mức độ thâm nhập thị trường, tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm, mải mê tuyên truyền về vai trò của bảo hiểm, về sản phẩm, quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm…, mà xem nhẹ tuyên truyền về cách thức chi trả bảo hiểm, trong trường hợp nào thì bị từ chối chi trả… thì khó có thể giúp người dân nhận thức đầy đủ về bảo hiểm”, ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ và tư vấn bảo hiểm nhấn mạnh.

Hiện tại, IAV đang đảm trách nhiệm vụ tuyên truyền về bảo hiểm của toàn thị trường. Khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng lập riêng một ban tuyên truyền do IAV chủ trì.

Theo Bộ Tài chính, IAV đã thể hiện vai trò quan trọng trong kết nối giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, song còn nhiều mảng vẫn chưa phát huy hết được khả năng như kỳ vọng, chẳng hạn nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường bảo hiểm thông qua việc đưa các chuẩn mực nghề nghiệp, đạo đức hành nghề, đầu mối hòa giải các tranh chấp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm, tuyên truyền về bảo hiểm. IAV cũng chưa có kế hoạch, chiến lược hoạt động nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành và phát huy vai trò định hướng các doanh nghiệp bảo hiểm, chưa tập trung nguồn lực để thực hiện...

Sẽ đa dạng hóa việc truyền thông bảo hiểm

Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023-2030; phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng/người vào năm 2025 và 5 triệu đồng/người vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, phổ biến về vai trò của bảo hiểm cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm. Đồng thời, phổ biến kịp thời các thay đổi trong quy định về bảo hiểm, chính sách bảo hiểm của Nhà nước. Các phương thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo hiểm cũng sẽ được đa dạng hóa như qua các trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện ngành bảo hiểm, hội chợ, các cuộc thi về bảo hiểm...

“Cơ quan quản lý sẽ xây dựng trang thông tin dành riêng cho khách hàng tham gia bảo hiểm bao gồm nhiều nội dung, từ giới thiệu chung về bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, các quy trình tham gia bảo hiểm, đến yêu cầu bồi thường, cơ chế hòa giải, giải quyết tranh chấp... nhằm tạo cho người tham gia bảo hiểm một cơ chế tiếp cận thông tin chính thống, toàn diện, đầy đủ và thuận tiện, cùng với đó là đẩy mạnh vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong tuyên truyền về bảo hiểm, tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm”, dự thảo nêu rõ.

Theo ông Đặng Đình Chính, ngoài các nội dung trên, hoạt động tuyên truyền bảo hiểm cũng cần song hành với việc tăng cường minh bạch thông tin bảo hiểm từ chính cơ quan quản lý, ở đây là Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm và các chủ thể liên quan như công ty bảo hiểm, ngân hàng...

“Theo quan sát của tôi, đã 4 tháng kể từ Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (sửa đổi) chính thức được ban hành với nhiều thay đổi, nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật khá mờ nhạt. Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo giới thiệu luật này, nhưng thông tin ghi nhận được từ các đầu báo khá chung chung, thiếu đa dạng, trên website nhiều công ty bảo hiểm cũng chưa đăng tải đầy đủ, trong khi theo lời các đại biểu quốc hội, đây là một sắc luật đồ sộ, phức tạp, không dễ để hiểu cặn kẽ, tường tận nên rất cần được tuyên truyền sâu rộng”, ông Chính nói.

Thực tế, việc đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm từng được đề ra tại Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/2/2019. Theo đó, tuyên truyền về bảo hiểm là 1 trong 9 nhóm giải pháp chính giúp thị trường bảo hiểm giai đoạn này phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và ngoài nước.

Tám nhóm giải pháp còn lại gồm có hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao minh bạch thông tin; phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp; tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại và thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục