Ngân sách Nhà nước có cơ hội thu về 4.600 tỷ đồng cổ tức từ VietinBank và BIDV

Theo tính toán của HSC, trong trường hợp BIDV và VietinBank chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng ở mức 8,5% và 8%, ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ VietinBank.
Trong các năm trước, BIDV và VietinBank thường trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông Trong các năm trước, BIDV và VietinBank thường trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông

Như đã đưa tin, Bộ Tài chính mới đây có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bỏ phiếu lại đối với quyết định của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị NHNN với tư cách là người đại diện vốn ở 2 ngân hàng này tiến hành bỏ phiếu lại để quyết định chi trả cổ tức tiền mặt, thay vì cổ tức bằng cổ phiếu như đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa qua đã quyết định.

Theo Bộ Tài chính, kiến nghị này phù hợp với các quy định hiện hành liên quan tới vấn đề quản lý ngân sách nhà nước, đặc biệt là việc thu hồi cổ tức tiền mặt từ các doanh nghiệp và ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Trong các năm trước, tất cả các ngân hàng TMCP nhà nước thường trả cổ tức bằng tiền mặt để phù hợp với yêu cầu của Bộ Tài chính.

"Dường như, Bộ Tài chính đã tính toán khoản thu cổ tức tiền mặt từ các ngân hàng này trong việc dự toán thu ngân sách năm 2016. Và với tình hình ngân sách quốc gia đang hạn hẹp, Bộ Tài chính không sẵn sàng bỏ qua một khoản thu nhập như vậy", bản báo cáo của HSC đánh giá.

NHNN hiện đang nắm giữ 95,28% vốn điều lệ của BIDV và 64,46% vốn điều lệ của VietinBank. Do đó, ý kiến của NHNN có tính chất quyết định chủ đạo trong các cuộc họp ĐHĐCĐ.

Tuy nhiên, với thực trạng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hiện đang rất thấp ở cả BIDV (9,01% đối với ngân hàng mẹ và 9,8% đối với hợp nhất) và VietinBank (khoảng 10%), ĐHĐCĐ (bao gồm cả đại diện vốn nhà nước) của hai ngân hàng này đã đồng ý với kiến nghị của Ban điều hành về phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng tỷ lệ an toàn vốn.

Lo ngại về tỷ lệ an toàn vốn hiện đang rất thấp và được sự ủng hộ của NHNN, trong ĐHĐCĐ năm 2016, cổ đông của BIDV đã quyết định sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức 8,5% mệnh giá từ lợi nhuận năm 2015 (trước đó, kế hoạch là 10% cổ tức tiền mặt) để củng cố tỷ lệ an toàn vốn hiện đang rất thấp.

Trong khi đó, cổ đông của VietinBank đã quyết định sẽ không chi trả cổ tức năm 2015 do đang vướng thủ tục mua bán sáp nhập với ngân hàng PGBank. VietinBank trước đó cũng thường chi trả khoảng 10% cổ tức tiền mặt.

Theo như quy trình phù hợp, bất kỳ khoản chi trả cổ tức nào liên quan tới các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước cũng đều phải được phê duyệt bởi cả NHNN và Bộ Tài chính.

HSC đánh giá tổng số tiền cổ tức không hề nhỏ. Giả sử rằng BIDV và VietinBank sẽ chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng ở mức 8,5% và 8%, NSNN sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ VietinBank.

Theo quan điểm của HSC, Bộ Tài chính có ưu thế hơn trong vấn đề này bởi vì cơ quan này được hỗ trợ bởi các nghị quyết và thông tư chính thức, chứ chưa cần nhắc tới tình trạng khó khăn của ngân sách hiện tại.

Trong trường hợp 2 cơ quan chức năng không thể đạt được thỏa thuận phù hợp, vấn đề này có thể sẽ được trình lên các cấp cao hơn để cho ý kiến. Tuy nhiên, 2 cơ quan chức năng nhiều khả năng sẽ đạt được thỏa hiệp bởi nếu không việc này sẽ đẩy cả 2 ngân hàng vào một tình huống khó xử.

Cả BIDV và VietinBank đang cố gắng để tăng thêm vốn và theo HSC, việc phát hành cổ tức cổ phiếu là một quãng nghỉ phù hợp để 2 ngân hàng có thêm thời gian thu xếp vốn. Nếu kế hoạch đó không thực hiện được, 2 ngân hàng sẽ phải chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông nói chung chứ không phải chỉ riêng cho cổ đông Nhà nước.

HSC tính toán, việc trả cổ tức tiền mặt sẽ làm suy giảm tỷ lệ an toàn vốn của mỗi ngân hàng từ 0,3% đến 0,4%. Do đó, việc tăng thêm vốn cấp 1 sẽ trở thành một vấn đề thực sự cấp bách nếu các ngân hàng muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

HSC phân tích, cổ tức tiền mặt sẽ được chào đón trong ngắn hạn bởi các nhà đầu tư nhưng lại dẫn đến các hậu quả trong trung dài hạn như (1) nhu cầu cấp bách của việc tăng vốn và từ đó là rủi ro pha loãng, (2) tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ bị chậm lại và kết quả nửa cuối năm khiêm tốn sẽ không tác động tích cực tới giá cổ phiếu của 2 ngân hàng trong vài tháng tới.

Trong một diễn biến mới đây, Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi nhận kiến nghị của Bộ Tài chính, các đơn vị chức năng của NHNN đang xem xét đánh giá mặt thuận lợi của việc chuyển cổ tức vào NSNN và khó khăn của các tổ chức tín dụng để đề xuất chính sách thực hiện, phù hợp với đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ thông qua và báo cáo Chính phủ về vấn đề này.


Theo Dân trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục