Ngân sách bội chi 3 tỷ USD sau 5 tháng

Bội chi 5 tháng đã tăng lên 66.400 tỷ đồng trong bối cảnh ngân sách phải chi trả nợ và viện trợ khoảng 55.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách 5 tháng đạt 346.200 tỷ đồng, bằng 34% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 284.200 tỷ đồng, thu từ dầu thô 13.900 tỷ đồng, từ xuất - nhập khẩu đạt 47.800 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng chi đạt 412.600 tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm. Ngân sách chỉ có thể dành 64.300 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, trong khi chi cho kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính hết 293.400 tỷ đồng. Do nợ công tăng cao khiến nghĩa vụ trả nợ cũng đè nặng. Ngân sách đã phải chi tới 55.000 tỷ đồng để trả nợ và viện trợ.

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã bội chi ngân sách 66.400 tỷ đồng (3 tỷ USD). Đây là mức bội chi tương đối lớn trong bối cảnh các hàng rào thuế quan đang dần được cắt giảm, thu ngân sách ngày càng khó khăn. Bội chi cao cũng một lần nữa đặt nặng áp lực lên nợ công.

Ông Sandeep - Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc dành quá nhiều tiền ngân sách để trả nợ sẽ tạo ra một rủi ro lớn cho việc đầu tư, hạn chế nguồn tiền đầu tư phát triển kinh tế. Nếu nghĩa vụ trả nợ nhiều sẽ gây rủi ro cho những khoản chi tạo ra năng suất lao động, giảm chi vào giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần ổn định chi tiêu thường xuyên, có phương án thu chi ngân sách hợp lý.

Dự báo của Ngân hàng Thế giới đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%. Như vậy, nợ công của Việt Nam sẽ chạm trần mức khả năng trả nợ của Chính phủ là 65%.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2016 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định Việt Nam không chỉ là nước có mức thâm hụt ngân sách lớn, mà tỷ lệ nợ công/GDP cũng thuộc diện cao nhất trong khu vực ASEAN.

CIEM dẫn lại số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), năm 2015, thâm hụt ngân sách của Việt Nam là 6,9% GDP, trong khi của Thái Lan là 1,2% GDP, Indonesia 2,3% GDP, Philippines 0,12% GDP và Campuchia 2% GDP.

Tổ chức này dự báo, đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước ASEAN và là nước duy nhất có nợ công/GDP tiếp tục tăng đến gần 68% GDP năm 2020.

Từ đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã dự báo thu ngân sách năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do giá dầu thô vẫn chưa hồi phục, tham gia các FTA nên cắt giảm nhiều loại thuế. Dự báo, năm 2016 tổng thu ngân sách đạt hơn một triệu tỷ đồng, tổng chi là 1,27 triệu tỷ đồng, bội chi 254.000 tỷ đồng (4,95% GDP).


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục