Hôm 30/10, Nga đã đệ trình ngân sách của nước này với Duma quốc gia (Hạ viện Nga). Sau 3 vòng thảo luận, Tổng thống Vladimir Putin sẽ ký vào luật ngân sách mới. Ngân sách Nga cho thấy mức độ của những vấn đề mà nền kinh tế nước này đang gặp phải và mức độ không sẵn sàng đối diện với thực tại của chính phủ nước này.
Đó là một kế hoạch khắc khổ vừa phải: 700 tỷ ruble (17,8 tỷ USD) của kế hoạch chi tiêu trước đây được cắt giảm. Các sắc thuế mới đối với thuốc lá và rượu sẽ có thể được áp dụng. Các biện pháp này phần nào để đối phó với nền kinh tế tăng trưởng nghèo nàn của Nga, khiến doanh thu thuế giảm mạnh.
Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Nga xuống còn 0,3% trong năm 2015 và 0,4% trong năm 2016, giảm 1 điểm phần trăm so với các mức dự báo trước đó.
Đồng ruble đã mất khoảng 20% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 10/2013. Có những đồn đoán rằng, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ sớm áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với dòng vốn chảy ra, mà tính riêng trong quý đầu năm nay đã đạt khoảng 50 tỷ USD.
Nhưng giữa bối cảnh thắt chặt chi tiêu chung, vẫn có một vài đối tượng được hưởng lợi. Ông Putin muốn làm tốt một lời hứa khi bầu cử là thúc đẩy tiêu dùng xã hội (bằng cách tăng tiền lương ở khu vực công). Quốc phòng, với việc tăng 20%, là một nhóm hưởng lợi khác.
Theo Julian Cooper của Đại học Birmingham, những của "bố thí" này không được thực hiện với cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây, nhưng là một phần trong kế hoạch dài hạn để hiện đại hóa quân đội Nga. Chi tiêu cho quốc phòng sẽ tăng 85% từ năm 2012 đến năm 2017.
Tiếp theo, có một vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực dầu lửa. Trong năm 2015, Nga sẽ cần một mức giá dầu vào khoảng 105 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Nhưng dầu thô hiện đang được giao dịch ở mức trên 90 USD/thùng, giảm khoảng 10% so với hồi tháng 5. Nhu cầu yếu từ Trung Quốc và nguồn cung dồi dào từ Mỹ giúp giải thích cho việc giảm giá này.
Giá dầu - được tính bằng đồng USD - thấp hơn không phải là quá xấu đối với Nga, trong bối cảnh đồng ruble giảm giá mạnh như đã nói. Nhưng trong vài năm gần đây, sự phụ thuộc của ngân sách Nga vào doanh thu dầu lửa đã tăng lên. Nếu loại dầu ra thì GDP của Nga sẽ giảm 3,6% trong năm 2007, nhưng giờ mức giảm này là 10%.
Nga ước tính mức thâm hụt ngân sách trong năm nay là không đáng kể, chỉ khoảng 0,6% GDP. Dự đoán đó là quá lạc quan - Kremlin giả định giá dầu ở mức 100 USD/ounce. Các dự báo mới nhất từ Energy Aspects, một đơn vị tư vấn, cho thấy, giá dầu Brent sẽ không vượt quá 100 USD trong khoảng 9 tháng tới.
Có những giả định kỳ lạ khác trong ngân sách Nga. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Kremlin (1,2% trong năm 2015) cao hơn nhiều so với mức nhất trí của thị trường. Nga ước tính tỷ lệ lạm phát sẽ là 5% vào năm tới, mặc dù các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đã đẩy tỷ lệ lạm phát hiện tại lên 7,6%.
Lạm phát cao trong dài hạn sẽ khiến Nga trở nên kém cạnh tranh hơn. Nó cũng có thể buộc Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, một nhân tố bất lợi cho tăng trưởng. Từ tháng 3, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất thêm 2,5 điểm phần trăm và hiện ở mức 8%/năm.
Ngân sách Nga dường như là để cố duy trì sự ủng hộ của xã hội, khi trên thực tế, nó yếu hơn nhiều.