HSBC Việt Nam: Hạ lãi suất điều hành sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng

(ĐTCK) Ngày hôm nay (13/5), quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực, nhân sự kiện này, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn HSBC Việt Nam đã chia sẻ một vài nhận định.   
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn HSBC Việt Nam Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn HSBC Việt Nam

Được biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa quyết định hạ nhiều loại lãi suất điều hành từ ngày 13/5/2020, với mức hạ chủ yếu 0,5% đưa các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm giảm xuống 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3%/năm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 3,5%/năm xuống 3%/năm.

Trên thị trường 1, trần lãi suất tối đa với tiền gửi VND giảm xuống 0,2%/năm với kỳ hạn một tháng, 4,25% với kỳ hạn 1 - 6 tháng. Trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm. 

Ông Khoa nêu quan điểm, điều đáng chú ý, đây là lần giảm lãi suất thứ hai trong năm nay, chỉ hai tháng sau khi NHNN cũng giảm một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động tiền VND vào tháng Ba vừa qua. Điều này tiếp tục thể hiện điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế đang chịu những ảnh hưởng đáng kể từ đại dịch COVID19.

Xét về thời điểm, trong bối cảnh Việt Nam cơ bản đang đẩy lùi và kiểm soát chặt dịch bệnh, Thủ tướng và Chính phủ đã đề nghị doanh nghiệp và người dân trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, việc NHNN hạ một loạt lãi suất điều hành vừa là động lực đồng thời mang tính chất định hướng tạo điều kiện cho kinh tế dần hồi phục.

Xét về bối cảnh, ông Khoa cho rằng, NHNN cũng dẫn chứng việc Chính phủ và Ngân hàng trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn, việc NHNN hạ loạt lãi suất là phù hợp trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và gây suy thoái kinh tế toàn cầu.

Với đà lạm phát có xu hướng hạ nhiệt trong thời gian gần đây do giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, cộng với việc Ngân hàng trung ương nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục duy trì mức lãi suất điều hành thấp kỉ lục, cũng tạo nhiều điều kiện để NHNN tiếp tục hạ lãi suất lần thứ hai trong năm, nhằm đưa kinh tế tăng trưởng trở lại.

Cũng theo ông Khoa, Việt Nam với một nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu đã, đang và sẽ đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, quý II/2020 được dự báo nhiều biến động tiêu cực. Doanh thu từ dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Số liệu xuất khẩu mặc dù vẫn duy trì trạng thái tích cực trong quý I nhưng đã bộc lộ nhiều khó khăn từ tháng Tư.

Ngoài những yếu tố bên ngoài, nhu cầu trong nước vốn đang trong đà tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua, cũng cho thấy sự sụt giảm do chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp cách ly xã hội trong tháng Tư trên toàn quốc. Doanh số bán lẻ giảm 26% so với cùng kỳ trong tháng Tư, cho thấy mức tiêu thụ cá nhân bị ảnh hưởng tương đối nặng nề.

Vì vậy, quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng thích ứng, giúp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay và giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đưa hoạt động kinh doanh sản xuất trở lại trạng thái bình thường, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát. 

Việc hạ lãi suất cũng giúp thanh khoản thị trường tiền tệ được dự báo tiếp tục duy trì ở trạng thái dồi dào, mặt bằng lãi suất được duy trì ở trạng thái ổn định.

Theo ông Khoa, trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều nút thắt, chính sách tiền tệ được kì vọng sẽ hỗ trợ kịp thời nền kinh tế. Diễn biến thị trường trong và ngoài nước còn nhiều bất ổn khó lường, trong đó Ngân hàng trung ương các quốc gia duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp kỉ lục song song với nhiều giải pháp chính sách tiền tệ nới lỏng, dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn là khá lớn.

"Trong năm 2019 và đầu năm 2020, NHNN đã nâng mức dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục, cùng với kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của dòng vốn FDI, NHNN sẽ có nhiều nguồn lực để đảm bảo ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát và đảm bảo quyết tâm cho mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đề ra", ông Khoa nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục