Không ít ý kiến cho rằng áp dụng IFRS là rất khó khăn, bà đánh giá thế nào về điều này, thưa bà?
Các ngân hàng đều có nhu cầu lập báo cáo tài chính theo IFRS vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có một số ngân hàng thương mại thuộc top đầu thực hiện được điều này do nhu cầu tự thân.
Ví dụ, họ cần nộp báo cáo tài chính được lập theo IFRS cho Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế, hay nhà đầu tư nước ngoài để được vay vốn, hoặc để phục vụ cho mục đích xếp hạng tín nhiệm. Nhiều ngân hàng cũng muốn quản trị rủi ro tốt hơn, theo thông lệ quốc tế, nên ngoài việc lập báo cáo theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) thì họ cũng lập thêm báo cáo theo IFRS.
Hiện nay, khá phổ biến khi một số ngân hàng “phó mặc” việc lập báo cáo tài chính theo IFRS cho kiểm toán. Thực trạng này làm bật lên một vấn đề rằng, liệu các ngân hàng thực sự muốn tiệm cận chuẩn mực quốc tế, hay chỉ “làm cho có”?
Một vấn đề nữa là không ít lãnh đạo cao cấp của ngân hàng có nhận định hạn chế về IFRS, khiến cho các cấp dưới gặp khó khăn khi thừa hành.
Chẳng hạn, giữa rất nhiều cân nhắc và ưu tiên mà ngân hàng phải tính đến khi đầu tư vào hệ thống và con người, làm thế nào để có được sự đồng thuận khi cần đầu tư cho một hệ thống phần mềm phục vụ cho việc quản trị kế toán và làm báo cáo IFRS tốt hơn, cũng như làm thế nào để thấy đó là một việc cấp bách.
Mọi người chỉ nghĩ là IFRS rất “ghê gớm”, phải tìm cách đối phó, mà không nhìn ở mặt tích cực, bởi nó giúp cho ngân hàng hoạt động chuyên nghiệp hơn và dự phòng rủi ro tín dụng được nhìn dưới con mắt khắt khe hơn, có cơ sở tốt hơn cho tương lai. Cơm không ăn thì gạo còn đó, nhưng nếu cơm ăn hết mà mai không có gì để ăn, điều này còn tệ hơn.
Bà có thể chia sẻ điểm khác biệt khi lập báo cáo tài chính theo IFRS 9?
Bà Nguyễn Thùy Dương
Thứ nhất, với IFRS 9, khối tài chính cần phải làm việc chặt chẽ hơn với khối rủi ro, việc mà trước đây rất ít ngân hàng nghĩ đến, hoặc thực hiện được.
Nếu không tính toán lãi suất và lợi nhuận trên cơ sở rủi ro, mà chỉ cho vay dựa vào kinh nghiệm và cạnh tranh gay gắt về giá trên thị trường, thì hệ quả là rất khôn lường và nợ xấu cũng phát sinh từ đó.
Theo đó, khối tài chính và khối quản trị rủi ro phải là “đôi bạn thân” cùng song hành, bởi nếu đề cập đến quy trình, chính sách thì khối tài chính chịu trách nhiệm, còn mô hình tính toán rủi ro tín dụng khối rủi ro nhận trách nhiệm.
Vì vậy, hai khối này phải “ăn chung mâm, ngủ chung giường” chứ không như trước kia, mỗi người một nẻo. Đây là xu hướng hiện đại mà các ngân hàng nên hướng tới.
Thứ hai, IFRS 9 yêu cầu tính tổn thất tín dụng dự kiến trong vòng 12 tháng và tổn thất tín dụng dự kiến trọn đời. Đây là khái niệm mà Basel và Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS) 39 chưa quy định. Một khi áp dụng tốt, cả hệ thống ngân hàng sẽ có một công cụ ngăn chặn nợ xấu hiệu quả.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo số liệu về nợ xấu thực sự chuẩn xác, chấn chỉnh hoạt động cho vay, tăng cường công tác trích lập dự phòng rủi ro.
Thứ ba, IFRS 9 có tính đến vai trò điều tiết của Chính phủ trong các yếu tố kinh tế vĩ mô của thị trường như GDP, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp…
Theo đó, đây là bài toán tương tác không chỉ của ngành ngân hàng, mà Chính phủ cũng cần phải chung tay, bởi ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô tác động trực tiếp đến việc tính toán mô hình rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
Một khoản vay, có thể không phải chịu tổn thất nếu như kiềm chế được lạm phát, hay người đi vay không rơi vào tình trạng tiền mất giá, hoặc e ngại tỷ lệ thất nghiệp cao.
Đây là những điểm khác biệt lớn, giúp các ngân hàng phải thận trọng hơn trong hoạt động.
Về chi phí ước tính khi lập báo cáo tài chính theo IFRS 9 thì sao, thưa bà?
Chắc chắn chi phí là không nhỏ, bởi cơ sở dữ liệu, nguồn nhân lực và hệ thống chưa sẵn sàng để thực hiện IFRS 9. Cụ thể, hệ thống không hỗ trợ; nguồn nhân lực chưa đủ kinh nghiệm để áp dụng IFRS 9, thiếu chuyên gia dự báo, thiếu chuyên gia quản trị rủi ro và đặc biệt, thiếu dữ liệu quá khứ để chạy mô hình.
Theo đó, các ngân hàng sẽ phải chi rất nhiều cho việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin; chi phí chuẩn bị và triển khai dự án; chi phí cho tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực, đào tạo.
Tôi cho rằng, nếu áp dụng IFRS 9, các ngân hàng sẽ phải đối diện với phản ứng của nhà đầu tư do lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, các ông chủ ngân hàng muốn ngân hàng mình trở thành ngân hàng hiện đại, với các chuẩn mực quốc tế và yên tâm phát triển bền vững trong tương lai, thì đây là con đường không thể không đi.
Theo bà, các ngân hàng cần phải chú ý điều gì khi triển khai IFRS 9?
Tôi cho rằng, cần phải có sự chuẩn bị từ 2 phía, ngân hàng và cơ quan quản lý.
Đối với ngân hàng, khi lập báo cáo tài chính theo IFRS để ra trường quốc tế cần phải thấy rõ, đây không phải là việc của kiểm toán, mà là việc của bản thân ngân hàng khi phải lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
Có những việc phải lập báo cáo chuyển đổi bằng tay tại thời điểm lập báo cáo tài chính, nhưng có những tính toán tổn thất tín dụng mà kiểm toán không thể làm được, nếu muốn làm cần phải có thời gian.
Ngân hàng phải chủ động lên kế hoạch phân tích khoảng cách giữa IFRS đang áp dụng so với yêu cầu IFRS 9 trong tương lai. Bên cạnh đó, cần cân nhắc đầu tư vào hệ thống đa sổ, bởi hiện tại, một số ngân hàng mang sổ cái ra ngoài hệ thống lõi ngân hàng (core banking) để hệ thống chạy nhẹ hơn, đồng thời phục vụ mục đích kế toán quản trị. Đây là điểm khác biệt so với trước đây, khi Việt Nam chủ yếu tập trung vào kế toán giao dịch.
Các ngân hàng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi thực hiện Basel 2 sẽ có thuận lợi hơn so với các ngân hàng khác. Với các ngân hàng chưa triển khai Basel 2 và bây giờ phải làm, có thể xây dựng một mô hình vừa đáp ứng mô hình tính vốn theo Basel 2, vừa thỏa mãn quy định của IFRS 9.
Về phía cơ quan quản lý, các chính sách điều tiết tài khóa khóa, tiền tệ của Chính phủ cần phải rất nhịp nhàng, đòi hỏi nhiều hơn sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, chứ không phải là bài toán của riêng Ngân hàng Nhà nước.