Từ kinh nghiệm của các quốc gia áp dụng IFRS, cũng như dưới góc nhìn của các cơ quan quản lý, hiệp hội và người hành nghề, việc áp dụng IFRS đem lại nhiều lợi ích, trong đó có lợi ích to lớn về tăng tính minh bạch và tính so sánh, tăng hiệu quả thị trường, giảm chi phí vốn và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, quá trình áp dụng IFRS vào thực tiễn cũng đặt ra những vấn đề không nhỏ.
Lợi ích
Khi nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ trong khu vực và quốc tế, IFRS trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, người hành nghề kế toán, kiểm toán trong nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Với sự gia tăng và mở rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết, cũng như các bước đi nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam theo chuẩn MSCI, BCTC của doanh nghiệp sẽ đầy đủ, minh bạch, chính xác và có độ tin cậy cao hơn, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, điều mà công chúng nhà đầu tư đang rất trông đợi.
Vì vậy, từ kinh nghiệm của các nước đã áp dụng IFRS, các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam có thể được hưởng lợi từ hội nhập như: tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, duy trì sức cạnh tranh và phát triển bền vững… Mặt khác, qua kinh nghiệm triển khai IFRS trên thế giới, tính minh bạch và mức độ tin cậy về thông tin của các doanh nghiệp niêm yết và TTCK đã được cải thiện, gia tăng niềm tin trong giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Thách thức
Trong đánh giá của Ủy ban Châu Âu (2008) và Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (2011), phần lớn doanh nghiệp tuân thủ IFRS đã có sự cải thiện rõ rệt về tính minh bạch và rõ ràng về trình bày các thông tin trên BCTC. Tuy nhiên, do mỗi quốc gia có mức độ áp dụng khác nhau, dẫn đến có nhiều khó khăn trong việc so sánh BCTC giữa các quốc gia và các ngành.
Nhiều doanh nghiệp trình bày không đầy đủ và nhất quán các thông tin trên BCTC, dẫn đến sai lệch về tính minh bạch, đồng khiến BCTC trở nên khó hiểu. Các cơ quan quản lý thì e ngại việc doanh nghiệp không thống nhất trong việc lựa chọn chuẩn mực kế toán. Điều này làm giảm khả năng so sánh của các thông tin trên BCTC.
Hơn nữa, IFRS còn chấp thuận việc can thiệp từ phía người lập và các nhà quản trị điều hành, nên nhà đầu tư không dễ dàng xác định các yếu tố như: lượng tiền trong tương lai, tỷ lệ chiết khấu, tốc độ tăng trưởng, thời kỳ sự đoán…, để xác định giá trị sử dụng của tài sản.
Hiện tại, ở Việt Nam, có sự khác biệt lớn trong áp dụng các chuẩn mực kế toán. Chẳng hạn, Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hạch toán theo nguyên tắc giá gốc, còn IFRS theo nguyên tắc giá thị trường (giá trị hợp lý). IFRS được xây dựng để áp dụng cho các nền kinh tế mà các yếu tố thị trường đã phát triển đồng bộ, thuận lợi cho việc định giá các loại tài sản theo giá thị trường.
Trong khi đó, các yếu tố này chưa đầy đủ ở Việt Nam, nên việc áp dụng nguyên vẹn IFRS sẽ gặp không ít khó khăn, bao gồm: thị trường hoạt động, vấn đề nội tại của IFRS, hạ tầng cơ sở thông tin, rào cản ngôn ngữ, năng lực nguồn nhân sự... Đó là chưa kể, phần đông doanh nghiệp niêm yết hiện còn khá xa lạ với IFRS, thiếu sự đồng bộ, thiếu hướng dẫn về yếu tố pháp lý hiện hành một khi chuyển đổi từ chuẩn mực VAS sang IFRS.
Doanh nghiệp niêm yết cần chuẩn bị thế nào?
Để phát triển TTCK lành mạnh và bền vững, một trong những tiêu chí cần quan tâm là mức độ minh bạch hóa thông tin và tính cập nhật, đầy đủ của thông tin để giúp các cổ đông và nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đúng đắn khi đầu tư và nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết.
BCTC theo IFRS giúp nhà đầu tư có thể so sánh các chỉ tiêu hoạt động của doanh nghiệp niêm yết với các chứng khoán niêm yết khác trên các thị trường khu vực và quốc tế do cùng áp dụng một chuẩn mực báo cáo, từ đó giúp nhà đầu tư có thể đưa ra những nhận định chính xác và có một bức tranh toàn diện hơn về hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây không phải là công việc đơn giản, vì IFRS vốn dĩ đã phức tạp, ngay cả ở những nền kinh tế đã hội đủ các yếu tố nền tảng của kinh tế thị trường, bởi phương pháp hạch toán các giao dịch theo IFRS dựa trên bản chất của giao dịch, do đó yêu cầu phải có xét đoán và đánh giá chuyên sâu của cán bộ quản lý, dựa trên những ý kiến từ nhân viên kế toán của mình.
Để áp dụng IFRS, các doanh nghiệp niêm yết cần thiết lập hệ thống và quy trình để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng. Việc quản lý công tác lập và phân tích BCTC, trong đó có yêu cầu tuân thủ chuẩn mực kế toán và kiểm toán nội bộ, cần được tăng cường nhằm đảm bảo tính trung thực của BCTC, đi đôi với sự thông hiểu và cập nhật IFRS của các kiểm toán viên hành nghề trong các công ty kiểm toán độc lập.
Với việc khuôn khổ pháp lý đang từng bước được hoàn thiện, dưới sự giám sát ngày càng cao của cơ quan quản lý, cũng như giới đầu tư, khi chuyển đổi sang IFRS, doanh nghiệp niêm yết nhất thiết phải có sự chuẩn bị về thời gian và nguồn lực, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Việc thiết lập kế hoạch để áp dụng IFRS là cấp bách và bắt buộc, song cũng đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp, để từng bước tiến tới áp dụng hoàn toàn IFRS.
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, để sớm đưa IFRS vào áp dụng tại Việt Nam, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các cơ quan hữu quan, cùng các thể chế tài chính, cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK và các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, các trường đại học, bên cạnh sự phối hợp với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm, uy tín, chuyên môn cao.
Bộ Tài chính có thể hướng dẫn những nội dung cơ bản, những bước chuyển đổi từ VAS sang IFRS và lộ trình đưa chuẩn mực kế toán Việt Nam sớm tiệm cận với các chuẩn mực kế toán quốc tế. Với nền tảng pháp lý hiện hành là Luật Kế toán 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017, trong đó bổ sung nguyên tắc giá trị hợp lý, là bước chuẩn bị chủ động và cần thiết để tiến đến áp dụng IFRS. Các cơ quan quản lý cần khẩn trương ban hành những quy định hướng dẫn cho các doanh nghiệp niêm yết tiên phong áp dụng IFRS.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp niêm yết áp dụng IFRS cần sẵn sàng chuẩn bị những yếu tố cần thiết, từ đào tạo nhân sự làm công tác kế toán đến cán bộ quản lý, hạ tầng công nghệ, đặc biệt là công tác công bố thông tin cho các cổ đông, nhà đầu tư triển vọng của doanh nghiệp niêm yết, thông qua BCTC có tính so sánh giữa VAS và IFRS, dựa trên các hướng dẫn của cơ quan quản lý và các chuẩn mực kế toán, kiểm toán.