Ngân hàng Việt lo khi nắm “dầu mỏ mới” hàng tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Có dữ liệu của hàng triệu khách hàng, các ngân hàng đang sở hữu “kho tài sản” hàng tỷ USD. Khai thác loại “dầu mỏ mới” này thế nào cho hiệu quả, hợp pháp là bài toán được đặt ra?
Sự thiếu vắng hành lang pháp lý về chia sẻ dữ liệu khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro pháp lý. Sự thiếu vắng hành lang pháp lý về chia sẻ dữ liệu khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro pháp lý.

Món hàng đắt khách

“Ở Việt Nam, đã có một số tổ chức bán dữ liệu, khi chúng tôi đặt vấn đề mua, họ bán tệp dữ liệu vài chục trang với giá 1 tỷ đồng. Các ngân hàng có nguồn dữ liệu rất lớn, nếu tính ra, giá trị có thể nhìn thấy ngay được là hàng ngàn tỷ đồng, còn nếu tính cả giá trị chưa nhìn thấy, con số có thể lên tới hàng trăm tỷ USD”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay.

Không còn là khái niệm trừu tượng, dữ liệu giờ đây đã trở thành món hàng đắt giá được săn lùng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng chia sẻ, trong nền kinh tế số, xây dựng, quản lý và bảo mật dữ liệu là bài toán sống còn. Rất nhiều ngân hàng phải chi mạnh để mua, quản lý và bảo mật dữ liệu.

Thế nhưng, bên cạnh xây dựng, quản lý dữ liệu, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng bắt đầu “mở” kho dữ liệu để kết nối với bên thứ ba (ví điện tử, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ điện, nước, truyền hình…) thông qua cổng kết nối (API) nhằm đa dạng hóa hệ sinh thái số phục vụ khách hàng.

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, trước đây, dữ liệu của các ngân hàng cơ bản là “đóng”, thuộc về bí mật của từng ngân hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng 4.0, kinh tế số, các ngân hàng thương mại phải mở dữ liệu.

Việc mở dữ liệu cho bên thứ ba - dựa trên sự đồng ý của khách hàng - vừa mang lại lợi ích cho fintech, khách hàng, vừa giúp ngân hàng hiểu rõ hơn hành vi của khách hàng, từ đó cung ứng các sản phẩm phù hợp.

Hiểu một cách nôm na, khách hàng khi sử dụng một ứng dụng fintech, hoàn toàn có thể từ ứng dụng này kết nối với ngân hàng, yêu cầu truy cập dữ liệu tài khoản của mình.

Ngân hàng sau khi xác thực danh tính, sẽ đồng ý cho tài khoản fintech sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán.

Rủi ro trong chia sẻ dữ liệu

Mặc dù mở cửa dữ liệu mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, khách hàng, lẫn bên thứ ba, song khung pháp lý về chia sẻ dữ liệu của ngân hàng chưa có. Ngoài khoảng trống pháp lý, chia sẻ dữ liệu cũng đặt ra rất nhiều rủi ro cho ngân hàng và cả khách hàng.

Dữ liệu được coi là “dầu mỏ mới”, là nguồn cung cấp năng lượng cho chuyển đổi số. Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng trên thế giới đã nhận biết được tiềm năng, sức mạnh to lớn của dữ liệu và chủ động nắm bắt cơ hội tận dụng được nguồn năng lượng này. Tại Việt Nam, theo khảo sát tháng 9/2020 của NHNN, 50% các ngân hàng đã xây dựng Kho dữ liệu tập trung (Data warehouse), 27% đã xây dựng các hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro...

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN

Ông Trần Hồng Thắng, Giám đốc Dữ liệu VietinBank cho hay, các ngân hàng đang trong trào lưu xây dựng môi trường số, xây dựng hệ thống số, muốn vậy phải đưa dữ liệu tiếp cận cán bộ ngân hàng và khách hàng nhiều hơn. Lợi ích từ mở dữ liệu là rất lớn, song đi kèm đó, rủi ro cũng tăng lên. Vì vậy, các ngân hàng sau khi xây dựng hạ tầng dữ liệu, rất cần thiết phải có chính sách phân loại dữ liệu và áp dụng chính sách riêng với từng loại dữ liệu theo các cấp độ: bảo mật, tuyệt mật, riêng tư, chia sẻ…

“Với dữ liệu bí mật, có thể gây rủi ro cho khách hàng, cần phải đưa ra giới hạn tiếp cận. Ngoài ra, cùng với mở cửa dữ liệu, các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân viên, áp dụng công nghệ để phát hiện gian lận, thất thoát dữ liệu…”, ông Thắng khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề chia sẻ dữ liệu, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, rủi ro là rất khó tránh. Ăn cắp dữ liệu luôn là mục tiêu hàng đầu của lừa đảo tin học, lừa đảo tài chính.

Theo TS. Cấn Văn Lực, ngân hàng là mục tiêu tấn công của các loại tội phạm. Dữ liệu, thông tin của ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, có thể gây ra tổn thất lớn, nên các ngân hàng đặc biệt coi trọng tính an toàn. Tất nhiên, rủi ro là vẫn có, đâu đó vẫn còn hiện tượng rò rỉ thông tin, nhân viên ngân hàng ăn cắp thông tin… Tuy nhiên, các trường hợp này không nhiều.

“Điều mà các ngân hàng lo ngại hiện nay là chưa có hành lang pháp lý về chia sẻ dữ liệu. Bộ Công an đang quá thận trọng trong việc xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư”, TS. Cấn Văn Lực phát biểu.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng đề nghị, để dịch vụ ngân hàng số phát triển, phủ sóng tài chính toàn diện, việc chia sẻ dữ liệu là cần thiết. Tuy nhiên, sự thiếu vắng hành lang pháp lý về chia sẻ dữ liệu khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro pháp lý.

Đại diện NHNN, ông Lê Anh Dũng đề nghị, Chính phủ cần xem xét trình ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng, nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ về quản lý dữ liệu toàn nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy ngân hàng mở trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục