Từ góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông có đánh giá như thế nào về xu thế thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam?
Xu thế thanh toán không dùng tiền mặt không phải là mới, nó đã xuất hiện từ hệ thống thẻ tín dụng đến những mô hình thanh toán trung gian hay ví điện tử thời kỳ đầu của Internet phát triển.
Ông Huỳnh Ngọc Tấn, Chuyên gia khoa học dữ liệu, CMC SISG
Tuy nhiên, CMCN 4.0 với các nền tảng công nghệ cốt lõi là chuyển đổi số, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là các tác nhân gia tốc xu thế này. Chuyển đổi số giúp đa dạng hóa các kênh thanh toán và từ đó gia tăng trải nghiệm người dùng.
Xu thế thanh toán điện tử của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi sự hội tụ của nhiều yếu tố bao gồm dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 27 tuổi (dữ liệu thống kê năm 2018), chi phí viễn thông đầu vào thấp với tỷ lệ sử dụng smartphone cao, nhịp sống đô thị năng động cũng như nhu cầu thanh toán các dịch vụ mang tính toàn cầu hóa ngày càng gia tăng.
Đây đều là những tác động hỗ trợ đến nhu cầu thực hiện thanh toán. Xu thế số hóa này kéo theo một hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ tài chính công nghệ cao cùng các đối tác hỗ trợ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cả đơn vị kinh doanh lẫn người sử dụng luôn đòi hỏi công cụ thanh toán số của mình trở nên toàn diện hơn về chức năng và đáp ứng mọi hoạt động tài chính khác, không chỉ là một kênh thanh toán thông thường.
Những điều tiện ích mà thanh toán điện tử mang lại nghe thì nhiều, nhưng để đến được trải nghiệm với người dùng trong việc thực hiện thanh toán xem ra vẫn còn một khoảng cách khá xa. Sự e ngại về an toàn, hay chính xác hơn là thói quen vẫn khiến nhiều người dùng thẻ rút tiền mặt để thanh toán và chi trả.
Ông có nhắc đến “chuyển đối số giúp đa dạng hóa các kênh thanh toán và từ đó gia tăng trải nghiệm người dùng”. Ông có thể giải thích rõ hơn điều này?
Cụ thể, dữ liệu sinh ra do quá trình chuyển đổi số được khai thác, phân tích với khoa học dữ liệu và hình thành các giải pháp, mô hình kinh doanh “Data Monetization” mới. Đơn vị kinh doanh gia tăng doanh thu, giảm chi phí và kiểm soát rủi ro, trong khi người tiêu dùng có những trải nghiệm sản phẩm dịch vụ tốt và hiệu quả tài chính cao hơn.
Qua quá trình làm việc thực tế với các khách hàng, theo ông, đâu là thách thức lớn nhất đối với việc thực hiện chuyển đổi số trong thời đại 4.0 để đa dạng hóa các kênh thanh toán?
Thách thức lớn nhất là việc xây dựng văn hóa dữ liệu trong hoạt động của hệ thống. Điều này đòi hỏi một phương pháp tiếp cận thông minh, xây dựng sự đồng thuận ủng hộ, thay đổi phương pháp quản lý và đương nhiên không thể thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ của chủ doanh nghiệp.
Thực tế, khi thế giới ngày càng tiến gần hơn đến trí tuệ nhân tạo, thì sự tương tác giữa con người với nhau càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, con người luôn có sự phản kháng một cách vô thức, nhất là đối với các vấn đề về thay đổi quy trình, tăng trách nhiệm hay sự minh bạch và đây là bài toán khó cần giải quyết.
Theo tôi, việc quan trọng là phải thúc đẩy doanh nghiệp nhận diện giá trị của phân tích dữ liệu ở quy mô nhỏ, thông qua những dự án thực nghiệm ngắn, cho ra các kết quả tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh.
Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng ngày càng cao về tư duy dữ liệu và đến một lúc nào đó, ngân hàng có thể xây dựng được một chiến lược dữ liệu toàn diện với sự đồng thuận cao. Khi đó, những vấn đề rào cản còn lại như kỹ thuật hay chi phí trở nên không quan trọng.