Bài 2: khi giao dịch viên vi phạm quy định cho vay
Không phải tín dụng viên vẫn đi tù vì tội vi phạm quy định cho vay
Tùy theo quy trình nội bộ của mỗi ngân hàng mà một giao dịch viên (teller) có nhiệm vụ thực hiện nhiều phạm vi giao dịch khác nhau. Từ các giao dịch huy động vốn, dịch vụ thanh toán thông thường như rút, gửi, mở thẻ tiết kiệm, chuyển khoản, thanh toán ủy nhiệm chi, xác nhận số dư.. cho đến những hình thức giao dịch bán chéo sản phẩm phức tạp hơn như giao dịch ngoại tệ giao ngay, hỗ trợ nghiệp vụ giải ngân tín dụng...
Khi bản án của đại án Huyền Như được công bố, người ta nhận thấy hàng loạt cán bộ ngân hàng đã bị tuyên bố phạm tội Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và nhận mức án nặng nề từ 8 - 15 năm tù giam. Bất ngờ hơn, trong nhóm bị cáo phạm tội này, có không ít người đảm đương chức danh giao dịch viên, những nhân sự tưởng như không liên quan gì đến nghiệp vụ cho vay.
Đơn cử như trường hợp của một bị cáo, nguyên là giao dịch viên của Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng (Vietinbank) đã bị tuyên một mức án tròn trịa 10 năm tù giam do tội vi phạm các quy định trong hoạt động cho vay. Nguyên do theo bản án, giao dịch viên này có nhiệm vụ tiếp nhận kiểm tra thông tin trong hồ sơ cho vay, kiểm soát chứng từ để giải ngân. Chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 5 đến tháng 9 của năm 2011, cô đã xác thực hồ sơ và thực hiện giải ngân 51 hồ sơ cho vay đứng tên 16 người với tổng số tiền trên 200 tỷ đồng. Trách nhiệm của giao dịch viên này đã phát sinh khi 10/16 hồ sơ của khách hàng vay không có chữ ký khách hàng mà vẫn giải ngân theo chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị. Nhiều giao dịch viên khác cũng đã phải đối mặt với trách nhiệm hình sự nặng nề trong tình huống tương tự.
Rủi ro từ nơi giao thoa trách nhiệm
Về bản chất, trong suy nghĩ của các giao dịch viên, thậm chí của chính các lãnh đạo ngân hàng, thì trách nhiệm pháp lý liên quan đến hậu quả tín dụng thuộc về bộ phận tín dụng. Những sai sót tạo nên hậu quả mất tiền thường thuộc về quá trình thẩm định hồ sơ, đánh giá khách hàng, xem xét tài sản bảo đảm, kiểm soát việc sử dụng vốn vay… của cán bộ tín dụng.
Bởi vậy, việc ưu tiên trang bị kiến thức hỗ trợ nghề nghiệp, thiết kế quy trình, kiểm soát tác nghiệp, phòng ngừa rủi ro tín dụng, ngân hàng thường chỉ chú trọng vào bộ phận tín dụng.
Bản án vụ Huyền Như nhận định: “Giao dịch viên là người canh cửa, kiểm soát túi tiền, kho tiền của ngân hàng. Bất kỳ sơ suất nào của giao dịch viên cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ an toàn tiền vốn của ngân hàng”.
Như vậy, thước đo trách nhiệm khi phán xử các vụ án được nắm giữ bởi các cơ quan tiến hành tố tụng, cần nhìn vao quan điểm của họ. Bằng quan điểm này, người ta hiểu rằng một khoản vay dù do khối, phòng, ban nghiệp vụ nào triển khai, thì giờ phút cuối cùng nếu quy trình dính dáng đến giao dịch viên, tiền ra khỏi ngân hàng sẽ qua cửa giao dịch viên. Do đó, nếu có sơ suất gì, thì giao dịch viên sẽ phải nhận trách nhiệm.
Việc này đã khiến lãnh đạo ngân hàng cũng như giao dịch viên phải nhìn nhận lại vai trò của giao dịch viên trong các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Khi ngẫm lại, mới thấy công việc hàng ngày của giao dịch viên gắn với việc triển khai khá nhiều sản phẩm tín dụng mà họ và ngân hàng không ý thức hết vấn đề này.
Hàng loạt sản phẩm cho vay như cho vay thế chấp, cầm cố thẻ tiết kiệm, cầm cố giấy tờ có giá, ký quỹ tiền gửi ngân hàng, cho vay tiêu dùng giải ngân vào tài khoản của khách hàng… đều có “phần” tham gia của giao dịch viên. Giao dịch viên tiếp nhận xử lý thông tin, phong tỏa tài khoản, thẻ tiết kiệm, giao tiền giải ngân đã chuyển vào tài khoản cho khách hàng…
Bên cạnh đó, hàng loạt tác nghiệp phối hợp với nghiệp vụ bảo đảm tiền vay cũng thuộc về họ như xuất nhập kho giấy tờ tài sản bảo đảm tiền vay, xác nhận số dư tài khoản, ký quỹ tiền gửi tài khoản...
Những kỹ năng nghề nghiệp đó của giao dịch viên, tuy không thuộc nghiệp vụ cho vay nhưng lại ảnh hưởng đến an toàn tín dụng ngân hàng. Từng có vụ án khách hàng vay vốn thế chấp ô tô, giấy tờ xe đã được bộ phận giao dịch kho quỹ nhập kho quản lý. Sau đó, khách hàng làm thủ tục mượn giấy tờ xe và trả lại đúng hạn. Nhưng khi nhận lại giấy tờ xe, giao dịch viên đã không phát hiện được giấy tờ giả, dẫn đến đối tượng đem giấy tờ thật bán ô tô. Trách nhiệm này, giao dịch viên phải gánh chịu.
Nghịch lý là do không thuộc bộ phận nghiệp vụ tín dụng, nên chiếc khiên phòng vệ rủi ro là những quy trình, kiến thức, kỹ năng quản lý rủi ro, ngăn chặn hậu quả tín dụng lại không được ngân hàng trang bị cho giao dịch viên.
Trong khi đó, vụ án Huyền Như đã để lại một bài học đáng nhớ cho ngành ngân hàng, chỉ vài giao dịch viên thiếu hiểu biết rủi ro trách nhiệm nghề nghiệp, làm sai quy trình đã có thể gây nên thiệt hại trăm đến nghìn tỷ cho khách hàng và ngân hàng.
Nhìn nhận yếu tố này, có lẽ từ phía giao dịch viên và cả ngân hàng sẽ thấy rằng trách nhiệm pháp lý và hậu quả tín dụng không chỉ có mở đầu và kết thúc từ bộ phận tín dụng.
Bài 3: Nguy cơ từ những giao dịch bất thường