Ngân hàng tuần qua: Tỷ giá nóng lên, tín dụng chậm lại, ngân hàng rầm rộ hạ lãi suất

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, tỷ giá có dấu hiệu tăng nhiệt, tín dụng tăng chậm lại, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Ngân hàng tuần qua: Tỷ giá nóng lên, tín dụng chậm lại, ngân hàng rầm rộ hạ lãi suất

Thống đốc NHNN: Đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tín dụng chỉ tăng 0,77%

Tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,77%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân vì sao thanh khoản và room tín dụng dồi dào, song tín dụng vẫn tăng chậm.

Sáng 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022.

Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Ngày hôm qua (2/3), chỉ số USD Index ở mức 104.49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Thống đốc, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Vì vậy, điều hành chính sách lãi suất phải thực hiện hài hòa với đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. Từ đầu năm đến nay (3/3), VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực.

Trong khi tỷ giá ổn định, thì lãi suất và tiếp cận vốn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Về vấn đề này, Thống đốc cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Tuy vậy, về tín dụng, Thống đốc cho biết, hiện tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 2/2023 rất chậm. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh room tín dụng dồi dào, thanh khoản hệ thống dư thừa, các điều kiện cấp tín dụng vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên. Thậm chí cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần huy động, tức có thêm nguồn lực để cho vay.

Lý giải về điều này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng chậm do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Thứ hai, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn.

Thứ ba, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.

Thứ tư, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Khó khăn của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý (chiếm 70%), do đó, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản.

Gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được 134 tỷ đồng

Gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng ban hành năm 2022 (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15) được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hết sức trông chờ. Tuy nhiên, đến nay, kết quả giải ngân được rất thấp.

Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt hơn 134 tỷ đồng, tương đương 0,3% tổng nguồn lực.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ngày cả trường hợp sửa đổi Nghị định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự kiến chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỷ đồng trong năm 2023.

Do đó, còn khoảng 37.520 tỷ đồng nguồn lực của Chương trình bố trí cho chính sách hỗ trợ 2% lãi suất có khả năng không thực hiện hết, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình.

Các doanh nghiệp cho rằng, việc gói hỗ trợ lãi suất 2% “ế” trong khi doanh nghiệp đói vốn cho thấy, thiết kế chính sách của gói hỗ trợ này chưa hợp lý, gây ra cảnh “cá treo, mèo nhịn đói”.

Theo giải thích của NHNN và Bộ tài chính, điều kiện tiên quyết của Nghị định 31/2022/NĐ-CP là để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy vậy, tiêu chí xác định “khả năng phục hồi” lại chưa được quy định, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lúng túng khi triển khai. Thêm vào đó, khách hàng còn có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên cũng không mấy hào hứng.

Được biết, cùng với sửa đổi Nghị định 31, NHNN cũng đề xuất chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng này sang cho các nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn.

NHNN: Gói 120.000 tỷ đồng sẽ giải ngân ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ được triển khai ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ.

Hiện NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tín dụng để chuẩn bị nguồn cho gói tín dụng này. Việc giải ngân sẽ dựa trên danh mục nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đưa ra.

Chiều qua, Bộ Xây dựng cho biết sẽ dừng nghiên cứu gói tín dụng 110.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội như đề nghị trước đó, thay vào đó là sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lo ngại về bố trí nguồn vốn cũng như thủ tục. Theo đó, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ đơn giản về thủ tục và có nguồn để thực hiện được ngay.

Trước đó, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tháng 2/2022, liên quan đến đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc có riêng một gói tín dụng cho lĩnh vực này là cần thiết để tăng cung nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đâu là vấn đề cần phải cân nhắc. Với nguồn vốn từ tái cấp vốn, đây là cung ứng tiền ra trong 10 - 15 năm, có thể làm giảm tính linh hoạt của chính sách tiền tệ. Trong khi đó, ngành ngân hàng cũng phải dồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế khác và đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu.

“NHNN sẽ thông báo cho các ngân hàng thương mại khác và nếu họ tham gia gói này, thì sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng thiếu hụt về thanh khoản, NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho họ”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhà nước cho hay, chắc chắn các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ vào cuộc. Mỗi ngân hàng trong nhóm Big 4 dự kiến dành 30.000 tỷ đồng cho vay lãi suất thấp với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Dù chưa có hướng dẫn cụ thể song theo các chuyên gia, gói 120.000 tỷ đồng là gói vay thương mại, doanh nghiệp, người mua nhà đáp ứng các điều kiện sẽ được vay, đặc biệt là điều kiện về mặt pháp lý của dự án. Nếu triển khai được, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ có tác dụng rất lớn với thị trường bất động sản, tương tự gói 30.000 tỷ đồng cách đây 10 năm.

Cầu tín dụng giảm, ngân hàng đau đầu tìm cách hạ lãi suất

Room tín dụng dồi dào, song nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh đang chậm lại. Thêm vào đó, áp lực giảm lãi suất huy động và cho vay đang khiến các ngân hàng “đau đầu”.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cấp room tín dụng đợt 1 năm 2023 cho một loạt ngân hàng, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều ngân hàng thương mại cho hay, room tín dụng không phải là vấn đề thời điểm này. Trước khi NHNN cấp room, hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra bình thường. Việc “khát room”, nếu có, thường xảy ra vào nửa cuối năm như năm 2022, song khả năng năng này khó tái diễn trong năm nay, bởi cầu tín dụng đang chậm lại.

“Tăng trưởng tín dụng năm 2023, nhất là giai đoạn đầu năm không dễ, nếu không nói là khó. Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh (do lãi suất cao, đơn hàng suy giảm), nhu cầu vay vốn thấp. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) thời gian qua luôn dưới 50%, phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm. Với khách hàng cá nhân, thời điểm này cũng ít người vay vốn mua nhà do lãi suất cao, thị trường bất động sản trầm lắng”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay.

Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, cầu tín dụng của nền kinh tế chậm lại rõ rệt từ cuối năm ngoái. Đầu tháng 12/2022, NHNN nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, song các ngân hàng vẫn không giải ngân hết.

Nói chính xác hơn, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế vẫn rất lớn, song cung - cầu đang có nhiều bất cập. Theo đó, nhóm doanh nghiệp khát vốn, chấp nhận vay bằng mọi giá (chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản) không đủ điều kiện để giải ngân. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp sản xuất - được ngân hàng ưu tiên cho vay - lại không muốn vay vốn, vì đơn hàng giảm, lãi suất cao.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM cho biết, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc đang giảm 30 - 40% so với cùng kỳ, trong khi lãi suất lên cao, khiến doanh nghiệp không dám vay.

Trong khi đó, về khách hàng cá nhân, thay vì “xếp hàng” chờ ngân hàng giải ngân như đầu năm ngoái, hiện nhiều khách hàng đang cắt lỗ bất động sản, đổ xô tất toán hợp đồng vay trước hạn do không chịu nổi lãi suất cao.

Năm nay, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 - 15%, tương đương lượng vốn tăng thêm với nền kinh tế khoảng 1,7 - 1,8 triệu tỷ đồng. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, tín dụng năm nay sẽ tăng thấp hơn mục tiêu định hướng của NHNN.

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, với mặt bằng lãi suất cao, khu vực bất động sản gặp khó khăn và triển vọng kinh tế kém tích cực, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 13%. Thậm chí, các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay chỉ khoảng 11 - 12%.

Ngoài đối mặt với nguy cơ tín dụng suy giảm, hiện nay, các ngân hàng còn phải chịu sức ép giảm lãi vay. Lãi suất cho vay tăng cao thời gian qua đang khiến doanh nghiệp kiệt sức. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại phân trần, lãi suất cao như hiện nay là điều ngân hàng không hề mong muốn.

Theo đại diện OCB, lãi vay cao khiến cầu tín dụng giảm, doanh nghiệp sản xuất kém hiệu quả, có khả năng không trả nợ ngân hàng đúng hạn, nguy cơ nợ xấu tăng…

Cuối năm 2022, lãi suất huy động bị đẩy lên cao sau 2 lần NHNN tăng lãi suất điều hành với mức tăng mỗi lần 1%, nhằm bảo vệ tỷ giá. Ngoài ra, sự cố SCB xảy ra vào tháng 10/2022 cũng khiến các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động để bảo vệ thanh khoản.

Mặc dù vậy, áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dần cùng với thanh khoản hệ thống dần ổn định đang tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Hiện nay, lãi suất huy động và cho vay đang có sự phân hóa rõ rệt. Lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại nhà nước cao nhất chỉ còn 8,7%/năm, lãi suất cho vay 9 - 11%/năm. Tuy nhiên, tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất huy động cao nhất vẫn quanh mức 10%/năm, lãi suất cho vay lên tới 14 -15%/năm.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, NHNN đang “ép” các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất huy động, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, từ đó tạo điều kiện giảm thêm lãi vay. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm từ từ và có chọn lọc, chứ không giảm đại trà. Thực tế, áp lực tăng với lãi suất trong nước vẫn rất lớn, bởi Fed vẫn chưa ngừng lộ trình tăng lãi suất.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu (ACB) khẳng định, lãi suất cho vay áp dụng với từng khách hàng được tính toán dựa trên cơ sở chi phí huy động vốn đầu vào, dựa trên điểm tín nhiệm và mức độ giao dịch của khách hàng tại ngân hàng, kỳ hạn cho vay (ngắn hạn, dài hạn)…, chứ không thể có mức lãi vay chung cho tất cả đối tượng.

Liên quan phản ánh của một số doanh nghiệp về lãi vay cao, khó tiếp cận vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, không phải doanh nghiệp nào có nhu cầu vay vốn cũng được ngân hàng đáp ứng, bởi ngân hàng cũng phải tuân thủ nguyên tắc, điều kiện cho vay (bao gồm lĩnh vực cho vay, tính hiệu quả của Dự án, thủ tục pháp lý, tài sản đảm bảo…).

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu Fed ngừng tăng lãi suất từ tháng 5 tới, tỷ giá và lạm phát bớt căng thẳng, thì NHNN mới có thể mạnh tay hơn trong đưa ra các giải pháp giảm lãi suất, khơi thông dòng tiền. Trước mắt, việc giảm lãi suất chưa thể diễn ra trên diện rộng, tùy thuộc vào khả năng tiết giảm chi phí cũng như thanh khoản của từng ngân hàng.

Khó khăn phủ bóng lên lợi nhuận ngân hàng

Khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và những ồn ào về bán chéo bảo hiểm đang thách thức nguồn thu nhập và kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.

PGS-TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế cho rằng, triển vọng tăng trưởng ngành ngân hàng vẫn sáng sủa bởi nhu cầu vốn rất lớn, tăng trưởng tín dụng hàng năm đều trên 2 con số.

“Năm 2023 và các năm tiếp theo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, nhu cầu tăng trưởng tín dụng vẫn cao, đảm bảo cho tăng trưởng của ngành ngân hàng rất lớn”, ông Phạm Thế Anh nhận định.

Dù triển vọng tăng trưởng tín dụng vẫn tốt, song năm nay, doanh thu của nhiều ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, về tín dụng, các ngân hàng dẫn đầu về trái phiếu doanh nghiệp như Techcombank, VPBank, MB… có thể gặp khó khăn. Về dịch vụ, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ tài chính đẩy mạnh thanh, kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm sẽ làm nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm của ngân hàng sút giảm.

Trong khi đó, việc lãi suất huy động bị đẩy cao thời gian qua, trong khi lãi suất cho vay đang bị “ép hạ” cũng có nguy cơ khiến NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng giảm xuống, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời. Chưa kể, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng đang tăng lên do thị trường bất động sản gặp khó khăn, khoảng 16,1 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023-2024 chưa tìm được cách tháo gỡ.

Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinGroup cho rằng, các ngân hàng đang nắm giữ khoảng 40% lượng trái phiếu bất động sản. Sự suy yếu của ngành bất động sản và các ngành khác buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, nợ xấu có nguy cơ gia tăng.

Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, nợ xấu tuyệt đối của nhiều ngân hàng tăng mạnh, có ngân hàng tăng tới 100%. Đối với ngành ngân hàng, vấn đề lớn nhất có lẽ là thực trạng nợ xấu và sự chuyển dịch giữa các nhóm nợ chưa được phản ánh hết, vì có những chính sách đang khoanh nợ theo các chương trình tái cấu trúc nợ của ngân hàng thương mại.

“Do vậy, thách thức với hệ thống ngân hàng trong năm nay cũng như trong những năm tới là vấn đề quản trị rủi ro đối với vấn đề nợ xấu. Ngân hàng nào quản trị rủi ro tốt, sẽ có lợi trong xu hướng lãi suất đi xuống”, ông Phạm Thế Anh nhận định.

Theo báo cáo vừa công bố của WiGroup, năm 2023, các ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực tăng trưởng, những dấu hiệu suy yếu dần xuất hiện vào cuối năm ngoái. Số lượng các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đang tăng lên. Đà tăng của nợ xấu đã chậm lại trong quý IV/2022, nhưng dự phòng cho vay khách hàng đã giảm 11% so với quý trước. Năm nay, bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngân hàng thương mại.

Trong kế hoạch năm 2023, nhiều ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn. Phần lớn các ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sát với chỉ tiêu tăng trưởng chung toàn hệ thống mà NHNN đưa ra.

Chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cho rằng, nếu nhu cầu tín dụng vẫn cao, thì ngân hàng vẫn giữ được NIM. Về lo ngại lợi nhuận ngân hàng có thể giảm vì tăng trích lập dự phòng, chuyên gia này cho rằng, đây vừa là khó khăn, song cũng là điểm sáng của ngân hàng.

“Hiện tại, trích lập dự phòng cho nợ xấu là điểm tối rất khó để đánh giá. Năm 2023, nếu giá bất động sản tiếp tục giảm, thì các ngân hàng phải trích lập dự phòng cao lên, ảnh hưởng tới lợi nhuận. Tuy vậy, nếu NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ, không để nợ nhảy nhóm, đồng nghĩa không phải trích lập dự phòng, thì ngân hàng lại có thêm thời gian tích lũy lợi nhuận và tạo bộ đệm mới”, ông Đào Phúc Tường phân tích.

Khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, năng lượng tái tạo đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về chất lượng tài sản ngân hàng. Nợ xấu nội bảng của ngân hàng năm 2022 đã tăng lên so với năm 2021. Riêng với lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ nợ xấu năm 2022 đã tăng lên mức 1,81% so với 1,61% năm 2021.

Bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Phân tích định chế tài chính, FiinGroup cho rằng, con số trên chưa phản ánh hết rủi ro nợ xấu của các ngân hàng. Nguyên nhân là “sức khỏe” của các chủ đầu tư tiếp tục suy yếu do thanh khoản tắc nghẽn. Thu nhập của người dân đang giảm, trong khi thời gian ân hạn của các hợp đồng mua nhà sau 2 năm Covid-19 sắp hết. Chưa kể còn hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Hiện hơn 70% tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản. Khó khăn của thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, nhất là hoạt động phát mãi, thu hồi nợ. Dù vậy, trên bình diện chung, sức khỏe của ngành ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với thời điểm cách đây 10 năm.

Một yếu tố mà các ngân hàng phải cẩn trọng để tránh sập bẫy chính mình, đó là lãi suất cao. Từ quý IV/2022 trở lại đây, các ngân hàng thương mại chạy đua lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất cho vay rất cao hiện nay ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người mua nhà.

“Với mặt bằng lãi suất cao như vậy, chi phí vốn của ngân hàng đội lên khá nhiều và tác động trực tiếp vào NIM. Khó khăn nữa là các ngân hàng vẫn có nhu cầu bức thiết để tăng bộ đệm vốn và cải thiện thanh khoản”, bà Oanh nhận định.

F88 huy động thành công 50 triệu USD từ 2 quỹ ngoại, quyết tâm IPO năm 2024

Công ty cổ phần kinh doanh F88 vừa huy động thành công 50 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng) từ 2 quỹ quốc tế. Toàn bộ số vốn này sẽ được công ty đầu tư vào 3 hạng mục phát triển trọng điểm.

Cụ thể, hai quỹ đầu tư quốc tế đó là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV, trong đó Quỹ Việt Nam Oman (VOI) góp 30 triệu USD.

Quỹ đầu tư Việt Nam - Oman, đại diện cho cơ quan đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority - OIA).

Chính thức hoạt động từ năm 2009, VOI đã đầu tư vào 17 Dự án trọng điểm trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục tại Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên, quỹ này đầu tư vào mảng tài chính, cụ thể là mô hình phân phối các dịch vụ tài chính toàn diện dành cho những người không có tài khoản ngân hàng hoặc không đủ điều kiện sử dụng các dịch vụ tài chính từ ngân hàng (unbak và underbank). Các khoản đầu tư của VOI có giá trị giao động từ 10 đến 30 triệu USD cho mỗi dự án. Bên cạnh các yếu tố như lợi nhuận sau đầu tư, thì các dự án nhận vốn của VOI đều phải đảm bảo mang lại các giá trị cho xã hội.

Nếu đây là lần đầu tiên VOI đầu tư vào chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích F88, thì với Mekong Capital, đây đã là lần thứ ba rót vốn, sau các năm 2017 và năm 2020.

Ông Chris Freund, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc quỹ Mekong Enterprise Fund IV - thì ấn tượng với khả năng thay đổi bản thân của doanh nghiệp để thích nghi với sự phát triển thị trường nói chung. Ngoài ra, việc F88 đã định hình được một hệ thống giá trị văn hóa doanh nghiệp là một lợi thế “tuyệt vời” khi kêu gọi vốn đầu tư từ Mekong Capital, tác giả cuốn sách "Chuyện lẩu cua" khẳng định.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư F88 cho biết Quỹ Đầu tư Chính phủ Oman rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là phân khúc khách hàng unbanked và underbanked giúp cho người dân ngày càng dễ dáng tiếp cận dịch vụ tài chính chất lượng. Riêng với quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund IV, việc gọi vốn có đôi chút thuận tiện hơn vì hai đơn vị đã rất hiểu nhau sau 2 vòng gọi vốn vào các năm 2017, 2020. Đây là những thoả thuận hợp vốn thành công trong vòng gọi vốn series C, nơi các quỹ đầu tư sẽ rót vốn với kỳ vọng đạt lợi nhuận cao và nhanh hơn nhiều lần so với các vòng gọi vốn trước.

Thông thường, tới vòng gọi vốn series C, các doanh nghiệp gọi vốn đã xây dựng được nền tảng tốt cả về con người và hệ thống, kết quả kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao giúp cho mô hình kinh doanh phát triển đột phá vượt bậc trong giai đoạn tiếp theo và chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO). Ngoài hai quỹ đầu tư quốc tế này, F88 vẫn đang tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn tài trợ.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm toàn bộ số vốn 50 triệu USD sẽ được đầu tư vào 3 hạng mục phát triển trọng điểm bao gồm: chuyển đổi số hướng đến nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng hiệu quả quản trị và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính số; Mở rộng thị trường bao gồm tăng trưởng tệp khách hàng và gia tăng số lượng điểm bán; Đầu tư vào phát triển đội ngũ con người F88.

Trong vài năm trở lại đây, F88 đã có sự phát triển đột phá, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Năm 2022, đơn vị này đã thu hút được hơn 70 triệu USD từ hai quỹ quốc tế là CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London). Doanh nghiệp này đã phát triển từ 300 phòng giao dịch vào tháng 1/2021 lên hơn 830 phòng giao dịch vào tháng 1 năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng dư nợ và doanh thu trung bình của đơn vị này đạt gần 200%/năm trong ba năm liên tiếp gần đây cũng là một yếu tố thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Dự kiến, năm 2023, công ty sẽ giải ngân tới 1 tỷ USD và sẽ chính thức IPO vào năm 2024 với 1.400 phòng giao dịch, quy mô vốn hóa đạt 1 tỷ USD.

Tỷ giá nóng trở lại, lãi suất có bị cản đường hạ nhiệt?

Giá USD trong nước tăng trở lại 2 tuần qua trong bối cảnh đồng bạc xanh trên thế giới dần lấy lại phong độ. Diễn biến tỷ giá có thể sẽ gây áp lực phần nào tới lộ trình hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trong nước.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, USD bán ra tại các ngân hàng thương mại đã vượt mốc 24.000 VND/USD. Tính từ đầu tháng, tỷ giá USD/VND đã tăng 1,6%. Như vậy, sau một thời gian ổn định, USD đang có dấu hiệu tăng trở lại, cùng với xu hướng tăng giá của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới.

Chỉ số USD Index sau khi đạt đỉnh 114 điểm vào tháng 9/2022 đã hạ nhiệt sâu về mức 101 - 102 điểm trong tháng 1/2023. Suốt 2 tuần nay, USD liên tục đi lên trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. So với đầu tháng, USD Index đã tăng gần 3%.

Mặc dù tỷ giá đang tăng trở lại, song nhiều chuyên gia cho rằng, sức ép với tỷ giá sẽ không lớn như năm 2022.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện kinh tế - tài chính (Học viện Tài chính), áp lực tỷ giá năm nay không quá lớn. USD dù sẽ có những giai đoạn hồi phục năm 2023, song không quay lại thời kỳ “đỉnh” của năm 2022, giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cơ sở để ổn định tỷ giá, tăng lượng dự trữ ngoại hối.

“Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều lợi thế để ổn định tỷ giá, như xuất siêu ở mức cao, dự trữ ngoại hối và nguồn kiều hối lớn, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khả quan…”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.

Đang có nhiều ý kiến lo ngại Fed có thể tăng lãi suất 0,5% trong phiên họp tháng 3 tới. Song PGS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, nhiều khả năng, Fed chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% trong phiên họp này và dừng việc tăng lãi suất vào phiên họp tháng 5/2023.

Chênh lệch lãi suất, tỷ giá giữa Việt Nam và Mỹ đang có khoảng cách lớn, trong khi VND mất giá khá lớn so với USD nếu tính từ đầu năm 2022. Do đó, theo PGS-TS. Phạm Thế Anh, khả năng VND mất giá thêm là rất thấp. Bên cạnh đó, thặng dư thương mại dự báo vẫn khả quan năm nay là yếu tố hỗ trợ rất tốt cho tỷ giá.

Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trên thị trường ngoại hối. Theo đó, trong năm 2023, thặng dư thương mại có thể đạt 12 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư năm 2022. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm nay, thay vì mức 89 tỷ USD cuối năm ngoái. Theo đó, áp lực mất giá của VND sẽ giảm đáng kể từ quý II/2023 và VND có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023.

Theo các chuyên gia kinh tế, áp lực tỷ giá không quá lớn là điều kiện để mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm. PGS-TS. Phạm Thế Anh cho rằng, sức ép tỷ giá, sức ép lạm phát từ bên ngoài đều đang giảm, cho thấy lãi suất Việt Nam hoàn toàn có dư địa giảm thêm. Lãi suất hạ nhiệt không chỉ là tin vui cho doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ cho các thị trường tài sản, đặc biệt là chứng khoán, bất động sản.

“Doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vốn vay ngân hàng rất lớn, lãi suất cao sẽ làm đóng băng tất cả các thị trường, không chỉ thị trường bất động sản, mà sức khỏe của nền kinh tế sẽ yếu đi rất nhiều”, ông Phạm Thế Anh bình luận.

Theo chuyên gia này, giảm lãi suất nhanh hay chậm là do quan điểm của nhà điều hành trong việc bảo vệ tỷ giá hay lãi suất trong ngắn hạn. Những động thái gần đây của NHNN cho thấy, nhà điều hành dường như đang nghiêng về mục tiêu bảo vệ tỷ giá (hút tiền về để bảo vệ tỷ giá).

Trong 2 tuần qua, NHNN đã hút ròng hơn 50.000 tỷ đồng. Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, động thái này của NHNN nhằm đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn trước cuộc họp sắp tới của Fed. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường ngân hàng đã tăng vọt lên trên 6%, thay vì mức quanh 4% trước đó.

Công cụ lãi suất thường được NHNN sử dụng trong bảo vệ đồng nội tệ, chống lạm phát. Nhiều khả năng, NHNN sẽ quan sát thêm lạm phát tháng 2, tháng 3, cũng như diễn biến lãi suất của Fed thời gian tới, trước khi có động thái mạnh mẽ hơn để hạ nhiệt lãi suất. Chưa kể, việc duy trì mặt bằng lãi suất tương đối cao như hiện nay cũng có thể do nhà điều hành muốn duy trì mức độ chênh lệch hấp dẫn giữa VND và USD để tạo điều kiện thuận lợi tăng mua ngoại tệ dự trữ.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục