Ngân hàng tốp đầu kín room ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trong khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại một số ngân hàng thương mại cổ phần đã chạm trần và mong muốn được nới thêm, thì số khác vẫn còn nguyên.
Ngân hàng tốp đầu kín room ngoại

Trong số 27 ngân hàng thương mại đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có 14 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên mức 15% vốn điều lệ. Trong đó, nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại như ACB, TPBank, ABBank, MBBank, Techcombank, VIB và VPBank…

Bên cạnh những ngân hàng đã chạm ngưỡng tối đa 30% về room ngoại, một số ngân hàng lại lựa chọn phương án khóa room ngoại để dành dư địa huy động vốn sau này. Đơn cử, từ đầu tháng 7/2024, VIB đã khóa room ngoại ở mức 4,99%. Trước đó, room ngoại được ngân hàng này giới hạn ở mức 20,5% và luôn trong tình trạng được lấp đầy.

OCB cũng khóa room ngoại ở mức 22%. Vào giữa năm 2021, OCB đã bán 15% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Ngân hàng Aozora…

HDBank thì tiết lộ, Ngân hàng đã để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và Ngân hàng tìm được những đối tác phù hợp. Đến thời điểm này, HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của Ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.

Nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại như ACB, TPBank, ABBank, MBBank, Techcombank, VIB, VPBank…

Trái ngược với các nhà băng Top đầu, nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức rất thấp, thậm chí là vẫn còn nguyên room ngoại như NCB, Eximbank, SHB, LienVietPostBank, SeABank, VietCapital Bank, Nam A Bank, SaigonBank. Trong đó, với Eximbank, sau khi cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thoái sạch vốn, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng này chiếm chưa tới 10% vốn điều lệ và Ngân hàng cũng chưa có kế hoạch bán vốn cho khối ngoại.

Nam A Bank cũng đang quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để tìm nhà đầu tư phù hợp. Ngân hàng này sẽ sử dụng room ngoại cho phép ở mức tối đa 20% đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để thu hút thêm vốn ngoại.

Dù ở tình trạng kín room hay vẫn còn trống, hầu hết các ngân hàng đều kỳ vọng được nới room ngoại để có thêm dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai, có thể là thông qua chào bán cho cổ đông nước ngoài.

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, room ngoại của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể sẽ được nới lên 49%, thay vì 30% như hiện tại. Điều này đồng nghĩa rằng, nếu dự thảo được thông qua, các ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém gồm Vietcombank, MBBank, HDBank và VPBank có thể sẽ được nới room lên 49% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, Quyết định 22/NQ-CP năm 2021 yêu cầu Nhà nước phải sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng thương mại quốc doanh trong giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ ngày có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Thỏa thuận này không áp dụng đối với các ngân hàng có vốn Nhà nước như BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, việc nới room ngoại tại ngân hàng Việt sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Giới phân tích cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng Việt là điều tốt cho các nhà băng nội. Việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết. Thực tế, dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song nhìn chung, hệ thống ngân hàng vẫn đang mỏng vốn, CAR thấp hơn nhiều so với khu vực.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục