Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng cho khu vực này trong năm nay lên 6,4% từ ước tính 6% trước đó. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2025 đã được điều chỉnh lên 7%, tăng so với ước tính 6,6% trước đó nhờ vào sự phục hồi của sản lượng nông nghiệp và tiêu dùng tư nhân tăng.
"Tầng lớp người tiêu dùng mới nổi ở Ấn Độ đang thúc đẩy nền kinh tế tiến lên, sự phục hồi sau khủng hoảng ở Sri Lanka và Pakistan, bên cạnh đó là sự phục hồi do du lịch dẫn đầu ở Nepal và Bhutan", Martin Raiser, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Nam Á cho biết.
Việc nâng dự báo tăng trưởng khẳng định Nam Á là khu vực kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh nhất do Ngân hàng Thế giới theo dõi. Ngân hàng Thế giới dự báo Nam Á sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ 6,2% mỗi năm trong hai năm tiếp theo.
“Có tiềm năng tăng trưởng đáng kể với sự hội nhập sâu rộng hơn của các quốc gia Nam Á vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng các nước cần tuân thủ các chương trình cải cách kinh tế để duy trì đà tăng trưởng”, ông Martin Raiser cho biết.
Vào thứ Tư (9/10), Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã duy trì dự báo tăng trưởng GDP ở mức 7,2% cho năm tài chính hiện tại và chuyển sang lập trường chính sách trung lập.
Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Pakistan sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm tài chính hiện tại, tăng so với ước tính trước đó là 2,3% nhờ sự phục hồi của sản xuất và nới lỏng chính sách tiền tệ.
Sau khi chật vật thoát khỏi tình trạng vỡ nợ công và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Sri Lanka được điều chỉnh tốc độ tăng trưởng lớn nhất, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 4,4% trong năm nay và 3,5% vào năm 2025.
Dự báo tăng trưởng của Nepal đã được nâng lên 5,1% từ 4,6% cho năm tài chính 2024/2025 bắt đầu từ giữa tháng 7 và của Bhutan từ 5,7% lên 7,2%.
Nhưng dự báo tăng trưởng của Bangladesh đã bị hạ xuống 4% từ 5,7% cho năm tài chính 2024/2025, phản ánh sự chậm lại trong xuất khẩu hàng may mặc trong bối cảnh bất ổn xã hội gần đây.