Báo cáo đầu tiên phát hành năm 2024 đánh giá môi trường kinh doanh tại 50 nền kinh tế, cung cấp một tập dữ liệu mở rộng - 1.200 chỉ số cho mỗi nền kinh tế - để xác định các lĩnh vực cụ thể có cải thiện qua đó thúc đẩy cải cách. Báo cáo sẽ mở rộng tới 180 nền kinh tế vào năm 2026, cung cấp chuẩn mực toàn cầu đầy đủ.
Theo báo cáo, gần như tất cả 50 nền kinh tế được đánh giá trong năm nay đều đạt điểm cao hơn khi xem xét về khuôn khổ pháp lý so với cung cấp các dịch vụ công tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ. Khoảng cách về thực thi chính sách này khiến các doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội không thể tận dụng đầy đủ lợi ích của một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trên thang điểm từ 0 đến 100, các nền kinh tế đạt điểm trung bình 65,5 về chất lượng khuôn khổ pháp lý - nghĩa là, trung bình, các nền kinh tế đã đi được gần hai phần ba chặng đường để tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Tuy nhiên, các nền kinh tế chỉ đạt điểm 49,7 cho dịch vụ công, cho thấy họ chỉ sẵn sàng một nửa so với mức cần thiết. Khoảng cách này tồn tại ở mọi mức thu nhập và mọi khu vực, mặc dù ở các nền kinh tế có thu nhập cao thì khoảng cách này thấp, và khoảng cách lớn nhất là ở châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi.
Indermit Gill, Chuyên gia kinh tế trưởng và Phó chủ tịch cấp cao về Kinh tế phát triển của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, với tăng trưởng kinh tế chậm lại do nhân khẩu học, nợ nần và xung đột, tiến bộ sẽ chỉ đến thông qua sự hiệu quả của khối tư nhân. Điều đó phụ thuộc vào các điều kiện thuận lợi - đó là một môi trường đầu tư tạo điều kiện cho doanh nhân tạo ra phép màu kinh tế khi họ được trao một nửa cơ hội, mà những phép màu kinh tế đó là rất cần thiết lúc này.
"Báo cáo Sẵn sàng Kinh doanh cung cấp cho chính phủ thông tin cần thiết để tạo ra môi trường thuận lợi cho phép doanh nghiệp tạo ra thịnh vượng cho các cổ đông, người tiêu dùng và người lao động trong khi vẫn thân thiện với môi trường", ông Indermit Gill nói.
Tiếp nối báo cáo Doing Business (Môi trường Kinh Doanh), báo cáo Sẵn sàng Kinh doanh theo đuổi cách tiếp cận cân bằng và minh bạch hơn đối với việc đánh giá môi trường kinh doanh và đầu tư của một quốc gia. Cách tiếp cận này được hình thành từ các khuyến nghị của các chuyên gia trong và ngoài Nhóm Ngân hàng Thế giới, bao gồm các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà nghiên cứu.
Trên toàn thế giới, khu vực tư nhân là một lực lượng mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng cần môi trường phù hợp để phát triển. Báo cáo Sẵn sàng Kinh doanh không chỉ đánh giá về những gánh nặng từ thể chế mà các công ty phải đối mặt trong quá trình thâm nhập thị trường, đổi mới và mở rộng hoạt động (chẳng hạn như thời gian để khởi nghiệp), mà còn đánh giá chất lượng của các quy định.
Ví dụ, các quy định về lao động có bao gồm các yêu cầu về an toàn tại nơi làm việc không? Các quy định về khởi nghiệp có yêu cầu phải xác minh danh tính của doanh nhân không? Ngoài việc tính đến các quy định về kinh doanh, Báo cáo Sẵn sàng Kinh doanh còn đánh giá các dịch vụ công cần thiết để thực hiện chúng. Các chính phủ có tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nộp thuế bằng cách thiết lập các nền tảng trực tuyến và kết nối không? Họ có cung cấp cơ sở dữ liệu công cộng hỗ trợ tính minh bạch và giúp các doanh nghiệp tốt được nhận tín dụng dễ dàng không?
Báo cáo Sẵn sàng Kinh Doanh cũng đo lường điều kiện thực tế mà doanh nghiệp phải đối mặt. Các điều kiện này rất khác nhau giữa 50 nền kinh tế được đánh giá trong năm nay. Phải mất từ 3 - 80 ngày để một công ty trong nước đăng ký thành công và lên đến 106 ngày đối với một công ty nước ngoài. Các công ty phải đối mặt với trung bình 4 lần mất điện mỗi tháng, và con số này có thể lên tới 22 lần. Trung bình, phải mất hơn 2 năm để giải quyết tranh chấp kinh doanh tại tòa án, và thời gian có thể kéo dài tới 5 năm hoặc ít nhất là 105 ngày.
Dữ liệu có thể so sánh được về phạm vi và chất lượng này cho phép các doanh nghiệp đưa ra quyết định quan trọng về cách thức và địa điểm hoạt động. Nó cho phép các chính phủ hiệu chỉnh tốt hơn các chính sách cần thiết để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân giúp doanh nghiệp, người lao động và xã hội phát triển mạnh mẽ.
“Các nền kinh tế giàu có hơn thường có môi trường thuận lợi cho kinh doanh, nhưng các nền kinh tế không nhất thiết phải giàu có mới có thể có môi trường kinh doanh tốt. Phân tích của chúng tôi cho thấy, các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình cũng có thể tạo ra được môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Ví dụ, Rwanda, Georgia, Colombia, Việt Nam và Nepal hoạt động tốt trong nhiều lĩnh vực, như chất lượng quy định, sức mạnh của các dịch vụ công và hiệu quả chung của hệ thống”, Norman Loayza, Giám đốc Nhóm chỉ số của Ngân hàng Thế giới, đơn vị thực hiện báo cáo Sẵn sàng Kinh doanh cho biết.