Ngân hàng sập bẫy kho hàng ảo của doanh nghiệp

(ĐTCK) Giải ngân khoản vay lớn, nhưng cán bộ PGBank chỉ đối chiếu, kiểm đếm hàng hóa theo bảng kê do thủ quỹ khách hàng lập, không xác định cụ thể số lượng hàng hóa, cũng không niêm phong, dẫn đến hàng hóa bị mang thế chấp cho ngân hàng khác, còn PGBank ôm “kho hàng ảo”.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 26/4 vừa qua Các bị cáo tại phiên tòa ngày 26/4 vừa qua

Lập hồ sơ khống, ký khống

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vĩnh Xuân do Thạch Tuấn Anh (sinh năm 1972, ở Hà Nội) làm Giám đốc. Công ty Vĩnh Xuân và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) - Chi nhánh Thăng Long có quan hệ tín dụng từ năm 2008.

Tính đến năm 2011, Công ty Vĩnh Xuân còn dư nợ gốc tại PGBank là 35,9 tỷ đồng và 4 ngân hàng khác là 88,9 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo gồm hàng tồn kho trị giá 100,2 tỷ đồng, nợ phải thu khách hàng 12,4 tỷ đồng và tài sản lưu động 1,7 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính thể hiện Công ty Vĩnh Xuân kinh doanh thua lỗ triền miên trong giai đoạn 2009-2012. Để có tiền trả nợ ngân hàng và duy trì hoạt động kinh doanh, Tuấn Anh đã chỉ đạo nhân viên lập phương án kinh doanh có lãi và điều chỉnh báo cáo tài chính từ lỗ thành lãi, sau đó gặp Giám đốc PGBank Thăng Long đề nghị tiếp tục vay vốn để kinh doanh thép không gỉ.

Ngày 26/4/2018, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã đưa 4 bị cáo ra xét xử sơ thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng do một số tình tiết chưa được làm rõ, nên tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.   

Thực chất tài sản thế chấp chỉ có bất động sản ở TP.HCM và 1 xe ô tô BMW X5, còn hàng hóa tồn kho là thép không gỉ là không có. Để hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng, Tuấn Anh đã thông qua 5 công ty gồm CTCP Sana, CTCP Liên doanh Sana WMT, Công ty TNHH Xúc tiến đầu tư và thương mại A&A, CTCP Xuất nhập khẩu tạp phẩm để ký 21 hợp đồng khống, xuất 23 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống cho Công ty Vĩnh Xuân với số lượng 866,165 tấn thép không gỉ các loại. Để hợp thức hóa hồ sơ, Tuấn Anh tiếp tục ký hợp đồng thuê bảo vệ kho hàng với Nguyễn Mạnh Hải, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ bảo vệ 24/7.

Căn cứ vào bộ hồ sơ hoàn chỉnh, ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Vĩnh Xuân 2 lần. Khoản thứ nhất là 80 tỷ đồng và 91.416 USD. Ngân hàng thu được nợ gốc là 67,4 tỷ đồng và 91.416 USD, tiền lãi thu được là 8 tỷ đồng và 3.530 USD. Tính đến năm 2013, Công ty Vĩnh Xuân còn nợ tiền gốc là 12,6 tỷ đồng; nợ lãi 815 triệu đồng. Khoản thứ 2, ngân hàng giải ngân 26,5 tỷ đồng, hiện chưa thu được nợ gốc. Tổng số tiền còn nợ là 39,2 tỷ đồng.

Năm 2013, PGBank đã bán món nợ của Công ty Vĩnh Xuân cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). VAMC đã ủy quyền cho PGBank được bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Ngân hàng đã bán đấu giá 2 tài sản thế chấp gồm nhà đất ở TP.HCM và 1 xe ô tô BMW thu được 16,8 tỷ đồng. Như vậy, số tiền Tuấn Anh còn chiếm đoạt là 22,3 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra còn làm rõ, Tuấn Anh còn nhờ người đại diện theo pháp luật của CTCP Cơ điện lạnh Eresson, Công ty TNHH Trung Thu, CTCP Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận Phát, CTCP Kim Vượng và Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Thái Dương ký 12 hợp đồng, sử dụng 14 hóa đơn GTGT khống cho Công ty Vĩnh Xuân với số lượng 730,393 tấn thép không gỉ các loại. PGBank giải ngân cho Công ty Vĩnh Xuân vay số tiền 39,8 tỷ đồng và đến ngày 28/2/2013, các khế ước vay này đã được Công ty thanh toán hết.

Lỗ hổng thẩm định tài sản

Trong quá trình thẩm định tài sản thế chấp, nhân viên PGBank nhận biên bản kiểm kê hàng gửi kho do Công ty Vĩnh Xuân và CTCP Dịch vụ bảo vệ 24/7 xác nhận, rồi mới xuống kiểm tra thực tế kho hàng. Việc kiểm tra trên thực tế chỉ là đối chiếu, kiểm đếm hàng hóa theo bảng kê do thủ quỹ Công ty Vĩnh Xuân lập, không xác định cụ thể số lượng hàng hóa, cũng không niêm phong. Nhân viên PGBank không phát hiện hàng hóa trong kho đã được khách hàng thế chấp cho ngân hàng khác.

Cơ quan điều tra xác định, các giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng quan hệ khách hàng của PGBank đã vi phạm các quy định về quy trình cấp tín dụng, quản lý tài sản… Tuy nhiên, do chưa có tài liệu thể hiện các lãnh đạo này biết khách hàng không có tài sản thế chấp, lập hồ sơ khống, nên chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi của nhóm lãnh đạo, cán bộ ngân hàng vi phạm các quy định về cho vay. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm không khởi tố các đối tượng trên.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã truy cứu hình sự đối với 3 bị can đồng phạm giúp sức cho Thạch Tuấn Anh gồm Bành Đức Thắng, nhân viên kế toán Công ty Vĩnh Xuân; Lê Anh Quang, nhân viên Công ty Vĩnh Xuân kiêm Giám đốc Công ty A&A; Nguyễn Mạnh Hải, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ bảo vệ 24/7. Bị can Hải thừa nhận, Công ty Vĩnh Xuân không đưa hàng hóa nhập kho để thế chấp cho ngân hàng. Toàn bộ các biên bản kiểm tra hàng gửi kho 3 bên đều là lập khống, ký khống.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục