Sự phát triển ấn tượng của các tổ chức tín dụng...
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kỷ nguyên kinh tế số, Vietcombank xác định công nghệ là một trong những yếu tố then chốt đưa Vietcombank trở thành ngân hàng hàng đầu về ngân hàng số - một trong những mục tiêu để thực hiện thành công chiến lược phát triển đến năm 2025 - “Vươn ra biển lớn” sánh vai cùng các định chế tài chính trong khu vực và thế giới.
“Sau gần 4 năm triển khai, vào ngày mùng 3 Tết vừa qua, toàn hệ thống Vietcombank đã bắt tay vào thực hiện chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi, đánh dấu bước chuyển mình trong hạ tầng công nghệ thông tin của ngân hàng.
Ðây là dự án trọng điểm, có vai trò then chốt nhằm xây dựng hệ sinh thái tài chính ngân hàng toàn diện, hiệu quả và bền vững, khẳng định vị thế dẫn đầu ngành ngân hàng của Vietcombank”, ông Dũng nói.
Ðể sẵn sàng cho một năm mới đầy thách thức và nhiều cơ hội, với Vietcombank đó là nền tảng của năm 2019 với tổng tài sản đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, chất lượng tài sản tốt nhất với tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 0,77%; tổng huy động vốn lần đầu tiên vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2018 với cơ cấu nguồn vốn hiệu quả.
Tín dụng tăng trưởng cao hơn tốc độ bình quân ngành, nhưng trong giới hạn yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); là tổ chức tín dụng đầu tiên có mức lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng khi đạt mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1 tỷ USD.
“Vietcombank tiếp tục là tổ chức tín dụng đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước với quy mô lên đến 9.000 tỷ đồng, là tổ chức tín dụng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tương tự, Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên Agribank - ông Phạm Hoàng Ðức chia sẻ, năm 2019 là năm thứ tư Agribank triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2, cũng là thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa.
Ðến nay, Agribank đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra: Nâng cao năng lực tài chính; kiểm soát, nâng cao chất lượng tài sản, nhất là chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu; tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra; nguồn vốn huy động tăng trưởng, đảm bảo an toàn thanh khoản; tiếp tục triển khai các công việc liên quan chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sàng triển khai khi có quyết định phê duyệt.
Theo đó, ông Ðức cho biết, hoạt động kinh doanh năm 2019 của Agribank tiếp tục tăng trưởng, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu NHNN giao.
Các chỉ số về hiệu quả kinh doanh tăng cao, hoàn thành vượt mức kế hoạch về chỉ tiêu lợi nhuận: Tổng tài sản đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng (dư nợ tín dụng toàn hệ thống hiện đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng), dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 70%; thu dịch vụ đạt gần 6.700 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu 1,4%.
“Agibank hoàn thành việc mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC, được đánh giá là một trong số ngân hàng có kết quả xử lý nợ xấu tốt nhất hệ thống các tổ chức tín dụng”, ông Ðức thông tin.
Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV - ông Phan Ðức Tú cho biết: “Ngân hàng đã hoàn thành toàn diện tất cả các mục tiêu về quy mô, cơ cấu, hiệu quả, năng lực tài chính, phát triển thể chế, phục vụ phát triển kinh tế đất nước, công tác phát triển xã hội, phát triển cộng đồng…”.
Trong buổi khai Xuân tại MBBank, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ bày tỏ ấn tượng về sự phát triển vượt bậc của MBBank, từ mức vốn điều lệ 20 tỷ đồng và 25 cán bộ vào năm 1994, sau 25 năm, đến nay, Ngân hàng có tổng tài sản lên đến 410.000 tỷ đồng, tổng cán bộ là trên 16.000 người.
Lợi nhuận trước thuế ước đạt 10.000 tỷ đồng sau 25 năm hoạt động, lần đầu tiên trong năm 2019 đứng vào nhóm số ít trong câu lạc bộ ngân hàng có lợi nhuận 10.000 tỷ đồng trở lên.
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2019 là 29,1% so với năm 2018, vượt 500 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra. Nợ xấu kiểm soát chặt chẽ dưới 1,2%, là một trong những tổ chức tín dụng có chất lượng tín dụng tốt nhất hiện nay.
Ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ngân hàng do cần hoàn thành tốt các mục tiêu tái cấu trúc hệ thống, cũng như các mục tiêu của kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2018 - 2020; tạo đà cho thực hiện có kết quả Chiến lược phát triển 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.
Trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, ông Thọ nhận định: “VietinBank sẽ tận dụng được cơ hội để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả, an toàn và bền vững, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, thực hiện thành công Chiến lược phát triển của VietinBank”.
... Cho sự bền vững ngành ngân hàng Việt Nam
Tại buổi giao ban trực tuyến đầu xuân của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với chiến lược phát triển ngành ngân hàng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ðồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện chiến lược phát triển với các mục tiêu cao hơn, có các bước đi phù hợp, đảm bảo cho Ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ với khuôn khổ, lộ trình hành lang pháp lý đầy đủ.
“Trong năm 2020, Hội đồng quản trị cần tiếp tục chỉ đạo Ban điều hành các cấp và toàn thể cán bộ tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cùng với đó, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ; chủ động, tích cực huy động mọi nguồn vốn, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững; gắn tín dụng chính sách với xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng...”, Thống đốc nói.
Phát triển bền vững bao gồm đẩy mạnh phát triển kinh doanh, nhưng gắn liền với trách nhiệm xã hội cũng là thông điệp mà ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ đạo và yêu cầu Ban Thường vụ Ðảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban điều hành và toàn thể cán bộ, nhân viên Vietcombank tại buổi khai xuân Canh Tý 2020 tại trụ sở Ngân hàng.
Theo đó, Vietcombank cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, đồng thời cần làm tốt công tác an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, xây dựng Vietcombank thành ngân hàng tầm cỡ khu vực châu Á, góp phần vào sự phát triển bền vững ngành ngân hàng Việt Nam.
Ðể hỗ trợ ngành ngân hàng tiếp tục phát triển tốt hơn nữa trong thời gian tới, một tin vui được Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho biết ngay trong những ngày đầu năm, đó là trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho Vietcombank và VietinBank. Với Agribank, toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ.
Ðồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: “NHNN cần nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả tham mưu cho Chính phủ trong quản lý, điều hành chính sách tiền tệ; huy động tối đa các nguồn lực tài chính để thúc đẩy phát triển đất nước.
Ðẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách và hiện đại hóa thủ tục hành chính, tập trung đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Trong đó, đối với ngành ngân hàng sẽ hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc, ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm Sandbox đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không tiền mặt”.