Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt 6,7% và tính đến ngày 23/7 đã đạt 7%. Ngân hàng quản trị rất chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng do Chính phủ và NHNN đưa ra. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, đại diện VietinBank kiến nghị NHNN sớm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các TCTD tham gia đầu tư phát triển xanh bền vững.

Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh hệ số rủi ro và các chi phí an toàn vốn rủi ro theo Thông tư 41 đối với các lĩnh vực tín dụng xanh, trên cơ sở đó tạo ra được cơ chế chi phí tài chính khuyến khích các ngân hàng có lãi suất hợp lý trong việc thúc đẩy cho vay lĩnh vực tín dụng xanh, phát triển bền vững.

Cũng liên quan đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng, được biết, tại Agribank, trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, Ngân hàng đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Thứ nhất, thay đổi mạnh mẽ tư duy trong quan hệ với khách hàng, đặc biệt trong công tác tín dụng, chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút các khách hàng có phương án/dự án kinh doanh khả thi, có hiệu quả.

Thứ hai, tổ chức Hội nghị, ban hành văn bản chỉ đạo tăng trưởng tín dụng sớm ngay từ đầu năm.

Thứ ba, kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Thứ tư, triển khai 14 chương trình/sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới. Tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả triển khai các chương trình ưu đãi.

Thứ năm, thực hiện 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường...

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, trong những năm qua, Agribank đã quyết liệt, nỗ lực thực hiện thành công 2 giai đoạn cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu (giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016-2020). Kết thúc 2 giai đoạn cơ cấu lại này, hoạt động của Agribank đã có chuyển biến tích cực (9/10 mục tiêu chủ yếu đã đạt và hoàn thành vượt mức, trừ mục tiêu vốn điều lệ do chưa được ngân sách nhà nước cấp đủ) tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn cơ cấu lại tiếp theo, đảm bảo phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi, giúp Agribank thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, ông Phạm Đức Ấn đề nghị các bộ, ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về việc bán nợ theo giá thị trường theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2024.

“Bộ Tài chính và cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để Agribank đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, từ đó có điều kiện tăng năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động”, Chủ tịch HĐTV Agribank đề nghị.

Trong khi đó, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HDBank đề xuất NHNN giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng tăng trưởng tích cực 6 tháng đầu năm, đồng thời duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn.

“Chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp toàn ngành đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm 2024 và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế”, Chủ tịch HDBank bày tỏ và khuyến nghị, nên khuyến khích mở rộng cơ chế thử nghiệm (Sandbox) để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Theo Chủ tịch HDBank, các cấp chức năng nên xem xét đẩy nhanh quá trình phê duyệt các đề án tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng mua lại bắt buộc và đang được kiểm soát đặc biệt để sớm giúp các ngân hàng này phục hồi, hoạt động hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, từ đó toàn ngành nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra của năm 2024.

NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cần được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Đối với việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, Thống đốc lưu ý các đơn vị chức năng đã tham mưu cho NHNN ban hành nhiều thông tư quan trọng, vì thế các TCTD cũng cần chú trọng việc phổ biến, quán triệt thông tư tới toàn hệ thống, đảm bảo thông tư đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông để doanh nghiệp, người dân hiểu được chính sách. Bản thân TCTD cũng phải căn cứ quy định mới để rà soát, sửa đổi quy trình hoạt động, nghiệp vụ của tổ chức mình sao cho phù hợp.

Thống đốc yêu cầu: “Các TCTD chú trọng tới việc nâng cao quản trị, điều hành, dự báo từ sớm, từ xa các nguy cơ để đảm bảo an toàn hệ thống. Hoạt động quản trị rủi ro của các TCTD phải bao quát, toàn diện với tất cả các mặt hoạt động. Đối với riêng hoạt động tín dụng, TCTD phải thường xuyên rà soát, đối chiếu để kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo tín dụng an toàn hiệu quả, phối hợp với sở, ban ngành địa phương để nắm bắt thông tin kịp thời. Cùng với đó là nâng cao vai trò của ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục