Có ý kiến cho rằng, việc nới lỏng tiền tệ đến thời điểm này là đã hoàn thành sứ mệnh. Chính sách tiền tệ và định hướng lãi suất trong năm 2024 cần phải rất linh hoạt theo hướng tăng dần lãi suất huy động tiền đồng. Bà có bình luận gì và dự báo lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm như thế nào?
Mặc dù có khả năng tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới, nhưng tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi khả quan đến cuối năm nay.
Nền kinh tế có thể vẫn còn phải đối mặt với những thách thức, trong bối cảnh áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, thông tin công bố trên các phương tiện truyền thông cho biết, tăng trưởng tín dụng thấp ở mức 4,5% so với đầu năm tính đến ngày 24/6/2024 do nhiều doanh nghiệp cắt giảm sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động.
Dựa trên những điều kiện này, việc triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất một cách linh hoạt là rất cần thiết. Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản vào quý IV/2024 trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Các động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng, áp lực giá cả năm nay cao hơn năm ngoái. CPI tháng 6/2024 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp lạm phát trên mức 4% trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4-4,5% trong năm nay.
Giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm đã thúc đẩy lạm phát tăng trong thời gian gần đây và xu hướng này có thể duy trì trong những tháng tới. Đáng chú ý, giá thịt heo và giá điện tăng là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao trong quý II/2024.
Đáng chú ý, nhiều yếu tố bên ngoài tác động đến sự ổn định về tỷ giá, trong khi yếu tố này có thể sẽ thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trong quý IV/2024 hoặc sớm hơn. Xuất khẩu đã phục hồi nhưng chưa rõ ràng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu.
Bà Michele Wee - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. |
Do vậy, đồng Việt Nam tiếp tục chịu áp lực do chênh lệch lãi suất và xây dựng lại nguồn lực dự trữ quốc gia. Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước đang có nhiều hành động can thiệp để ổn định tài chính, việc tăng cường công tác quản lý ngoại hối cũng có thể giúp ổn định thị trường tiền tệ.
Có vẻ như để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, các giải pháp đang tập trung vào chính sách lãi suất. Theo quan điểm của bà, liệu còn có các biện pháp phi lãi suất nào để hỗ trợ nền kinh tế?
Theo quan điểm của tôi, các biện pháp phi lãi suất hỗ trợ nền kinh tế có thể bao gồm các chính sách và ưu đãi nhằm thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài FDI và tăng cường thương mại.
Giải ngân vốn đầu tư FDI tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước và lên đến 11 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024, trong khi vốn FDI cam kết tăng 13,1% lên tới 15 tỷ USD, nhờ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Sản lượng công nghiệp được nâng cao, đạt mức tăng 8,7% trong 6 tháng đầu năm 2024 và xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ, ở mức 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Nhà nước sẽ không thực thi chính sách tiền tệ độc lập. Các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho những biến động có thể xảy ra liên tục khi các ngân hàng trung ương toàn cầu điều chỉnh chính sách để thích ứng với những điều kiện kinh tế đang thay đổi.
Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đây là nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao xếp hạng đầu tư và được đưa vào chỉ số thị trường mới nổi, bên cạnh việc chuyển trọng tâm sang tăng trưởng đi kèm với ổn định (từ chỉ tập trung vào tăng trưởng).
Nếu Việt Nam đạt được các mục tiêu vào năm 2030 và 2025 thì sẽ thu hút được dòng vốn FDI dồi dào.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước là rất cần thiết, chẳng hạn cải cách cơ cấu nhằm cải thiện gánh nặng hành chính, kiểm soát rủi ro và quản trị nội bộ ngân hàng cũng như các biện pháp bảo vệ xung quanh việc hỗ trợ tín dụng, cho vay và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ hỗ trợ hơn nữa cho sự ổn định kinh tế.
Tỷ giá tăng gần 5% trong thời gian qua, theo bà, diễn biến này tác động như thế nào đến doanh nghiệp? Để phòng ngừa rủi ro của tỷ giá, doanh nghiệp và ngân hàng cần kịch bản ứng phó thế nào? Câu chuyện tỷ giá sẽ ra sao trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước được dự báo sẽ có những điều chỉnh trong những tháng cuối năm?
Tỷ giá biến động có thể tác động đáng kể đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Sự suy yếu của đồng Việt Nam trong bối cảnh triển vọng toàn cầu còn nhiều thách thức và chênh lệch lãi suất có thể tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá VND.
Các doanh nghiệp nên xem xét các chiến lược phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và nên thảo luận với ngân hàng mà doanh nghiệp đang hợp tác về các chiến lược có liên quan cùng mức độ rủi ro. Bên cạnh đó, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá có thể giúp tăng cường sự ổn định tiền tệ.
Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không thực thi chính sách tiền tệ độc lập vì các động thái từ Fed. Các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho những biến động có thể xảy ra liên tục khi các ngân hàng trung ương toàn cầu điều chỉnh chính sách để thích ứng với những điều kiện kinh tế đang thay đổi.
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, Việt Nam có nên đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu lạm phát, thưa bà?
Lạm phát đang có xu hướng gia tăng với tháng thứ ba liên tiếp ở trên mức 4%. Do vậy, việc điều chỉnh mục tiêu lạm phát có thể là cần thiết để phản ánh áp lực kinh tế hiện tại và mang đến một khuôn khổ chính sách tiền tệ thực tế hơn.
Những cải cách đang diễn ra nhằm ổn định tăng trưởng và duy trì ổn định kinh tế cũng cho thấy việc điều chỉnh lại mục tiêu lạm phát có thể có lợi trong bối cảnh hiện nay.