Ngân hàng Nhà nước hút ròng 20 phiên, bắt đầu bơm tiền trả dần hệ thống

0:00 / 0:00
0:00
Sau 20 phiên hút ròng, hôm nay (19/10), Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bơm trả thị trường do các tín phiếu phát hành sẽ lần lượt đáo hạn.
Ngân hàng Nhà nước hút ròng 20 phiên, bắt đầu bơm tiền trả dần hệ thống

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu thị trường mở trong phiên hôm nay (18/10). Theo đó, phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 8/9 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 12.050 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu duy trì ở mức 1%.

Đây là phiên phát hành tín phiếu thứ 20 liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước với tổng quy mô lũy kế đạt gần 255.700 tỷ đồng. Riêng trong 5 phiên giao dịch gần đây, cơ quan này đã hút ròng 90.000 tỷ đồng.

Sau gần 1 tháng liên tiếp hút ròng, phiên hôm nay (19/10), Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bơm trả lại hệ thống 10.000 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Ngân hàng Nhà nước đã hút về qua kênh tín phiếu ngày 21/9 (kỳ hạn 28 ngày, đáo hạn ngày 19/10).

Cũng bắt đầu từ hôm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải lần lượt bơm trả thị trường số tiền đã hút ròng trong 20 phiên vừa qua, do các lô tín phiếu phát hành đều có kỳ hạn 28 ngày.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về, lãi suất liên ngân hàng đã tăng trở lại thời gian gần đây. Lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chiếm hơn 90% tổng doanh số giao dịch) trong phiên 17/10 đã tăng lên 0,76/năm, cao gấp 5 lần so với thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước đã giúp tỷ giá phần nào bớt căng thẳng.

Trước đó, kể từ đầu tháng 5, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm sâu về vùng đáy lịch sử (0,1 - 0,2%/năm) được thiết lập vào những tháng cuối năm 2020 trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục đã gây ra sức ép lên tỷ giá khi chênh lệch lãi suất giữa USD và VND lên tới 4 - 5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, nhất là khi đồng bạc xanh liên tục tăng giá trên thị trường quốc tế.

Mặc dù lãi suất liên ngân hàng tăng song lãi suất trên thị trường 1 vẫn tiếp tục giảm, chủ yếu do tín dụng tăng chậm, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu, thanh khoản hệ thống dư thừa. Hiện lãi suất huy động tại nhóm big 4 kỳ hạn cao nhất chỉ còn 5,3%/năm.

Báo cáo giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều hành lãi suất cũng như các công cụ của chính sách tiền tệ phải căn cứ vào mục tiêu lạm phát, các dự báo và xu hướng của lạm phát trên thế giới và trong nước, yêu cầu ổn định tỷ giá, cũng như phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

“Những nhiệm vụ này không thể hy sinh nhiệm vụ nào cả, cần phải có sự hài hòa, linh hoạt trong điều hành. Nếu xu hướng lạm phát có thể bùng lên, thì chính sách tiền tệ cũng phải nghĩ đến việc phòng ngừa và chuẩn bị cho xu hướng thắt chặt”, bà Hồng giải thích.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục