Hôm qua (11/5), trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu ở hai kỳ hạn 07 ngày và 28 ngày, khối lượng 10.000 tỷ đồng/ kỳ hạn đều với lãi suất 5,0%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn; có 11.955,73 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có đáo hạn.
Như vậy, trong phiên hôm qua NHNN hút ròng 11.955,73 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 24.646,4 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Từ đầu tuần tới nay, NHNN liên tục hút ròng tất cả các phiên. Tổng lượng tiền mà NHNN hút ròng qua kênh cầm cố trong 4 ngày đầu tuần là hơn 38.900 tỷ đồng.
Theo báo cáo của NHNN, tính tới cuối tháng 4/2023, tín dụng nền kinh tế tăng 3,05%. Cung tiền cũng tăng rất chậm.
Cầu vốn yếu khiến lãi suất vài tháng gần đây hạ nhiệt mạnh trên cả thị trường dân cư lẫn thị trường liên ngân hàng trong khi tỷ giá vẫn ổn định.
Ngày 11/05, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VNĐ giảm tiếp 0,03 – 0,04 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Hiện lãi suất qua đêm chỉ còn 4,78%/năm.
Nhiều chuyên gia phân tích dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong vòng 3 năm tới. Theo dự báo của Standard Chartered, NHNN sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025.
Các chuyên gia phân tích VNDirect cũng cho rằng, nhiều khả năng Fed có thể dừng tăng lãi suất điều hành thời gian tới. Trong nước, thanh khoản hệ thống dồi dào, tỷ giá ổn định, tín dụng vốn tăng chậm. Trước tình hình này, NHNN đã có sự đảo chiều lãi suất, đánh dấu bằng hai đợt giảm lãi suất điều hành vừa qua.
Nếu Fed dừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. “Do đó, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023”, VNDirect nhận định.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19.
Gợi ý chính sách tài khóa - tiền tệ giai đoạn 2023 - 2024, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hành chính.
Cụ thể, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ - tài chính. Đồng thời, chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.
Ngoài ra, tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ và hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2023.