218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen được ngành ngân hàng tham gia xử lý
Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt kết quả đáng khích lệ.
Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng (TCTD), mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.
Dư nợ đến cuối tháng 11 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Ngành Ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp cùng với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Qua tổng hợp báo cáo nhanh của Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, ngành Ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Những điểm mới đột phá của Nghị định 116 về chính sách tín dụng
Đặc biệt, tại Hội nghị, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN đã hướng dẫn những điểm mới của Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Những điểm mới đột phá như sửa đổi đối tượng khách hàng vay vốn; nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng; mở rộng đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, bổ sung quy định về quản lý dòng tiền cho vay; bổ sung quy trình, thủ tục xử lý khoanh nợ; bổ sung quy định về ân hạn trong cho vay đối với các loại cây trồng lâu năm.
Mặc dù vậy, thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Công An cũng đã cho thấy thực trạng, cách nhận diện tín dụng đen, các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen diễn biễn phức tạp thời gian qua và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động này.
Bên cạnh đó, đại diện Trung ương Hội Nông dân cũng trao đổi công tác phối hợp giữa Hội và ngành Ngân hàng trong quá trình thực hiện cho vay qua Hội, công tác tuyên truyền cho các Hội viên về chính sách tín dụng của ngành ngân hàng và công tác cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến đời sống, an ninh trật tự xã hội.
Từ phía đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông tin thêm về công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn tín dụng đen…
Toàn cảnh Hội nghị
Triển khai mạnh mẽ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy lùi nạn tín dụng đen
Tại Hội nghị, các NHTM, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô cũng đã báo cáo thực tế triển khai các sản phẩm tín dụng cũng như các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc các Bộ, ngành địa phương cùng tham gia đẩy lùi nạn tín dụng đen, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp điển hình.
Cụ thể, tổ chức triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55, Nghị định 116 và hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 10 và Thông tư 25 để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi mới vừa được sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.
Đồng thời, mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích Ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch.
Các ngân hàng như Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội với vai trò là đơn vị chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn, ngoài việc đi đầu trong triển khai chính sách tín dụng theo quy định tại Nghị định 55 và Nghị định 116, cần triển khai thêm gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, đồng thời, rà soát lại tổng thể các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay...
Ngành Ngân hàng cũng cần phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, nhất là các công ty tài chính để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tương, tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi.
Ngoài ra, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện trên phạm vi cả nước, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng.