Trấn áp tín dụng đen

Áp lãi suất lên tới 30%/ngày, thủ đoạn đòi nợ tàn khốc, dồn ép người vay đến đường cùng…, tín dụng đen đang gây ra nhiều hệ lụy khủng khiếp cho xã hội.
Trấn áp tín dụng đen

Nửa triệu tỷ đồng “găm” trong tín dụng đen

Chỉ tính từ đầu tuần đến nay, cơ quan công an các địa phương như Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đã bắt giữ thêm hàng loạt đối tượng cho vay nặng lãi. Số liệu của các địa phương cho thấy, hầu như tại bất kỳ tỉnh nào cũng có hàng trăm đối tượng cho vay nặng lãi. 

Được biết, lãi suất cho vay được các đối tượng áp dụng rất linh hoạt, từ 10%/tháng lên tới 70%/ngày, tức 2.100%/tháng. Các đối tượng không trả nợ đúng thời hạn sẽ bị áp dụng các hình phạt dã man. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều con nợ đã phải tự tử vì bị tín dụng đen uy hiếp, thúc ép.

Những hệ lụy khủng khiếp mà tín dụng đen gây ra ảnh hưởng lớn tới an ninh, trật tự xã hội và đời sống kinh tế. Tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp quyết liệt để loại trừ tình trạng này. Bộ Công an cũng quyết định sẽ mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm tín dụng đen bắt đầu từ cuối tuần này (16/12).

Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với cơ quan công an, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố, với tổng số tiền khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý 72 vụ việc, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Dù tín dụng đen chưa gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ngân hàng, nhưng nếu các tổ chức tín dụng không kiểm soát chặt chẽ việc giám sát khách hàng trong việc sử dụng vốn vay, sẽ có nguy cơ sử dụng vốn vay không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng.

Theo ông Tần, nguyên nhân khiến tín dụng đen bùng phát là do các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen chưa cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc. Mặt khác, “tín dụng đen” là hoạt động ngầm, nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ bị phát hiện khi đổ bể.  

Theo ước tính của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, quy mô của tín dụng phi chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương khoảng 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, tức khoảng nửa triệu tỷ đồng.

Nguyên nhân là do đói vốn

Phải khẳng định rằng, một trong những nguyên nhân khiến tín dụng đen bùng phát là do hệ thống tín dụng chính thức chưa phủ sóng rộng khắp. Vì vậy, TS. Ngyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, muốn xử lý gốc rễ tín dụng đen, phải thực hiện giải pháp kinh tế, đó là đáp ứng được nhu cầu vốn của người thu nhập thấp, trung bình thấp bằng kênh tín dụng chính thức thông qua việc phát triển mạnh các định chế tài chính nông thôn để phục vụ người yếu thế.  

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục để tăng khả năng  tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới ở khu vực nông thôn, thí điểm mô hình ngân hàng lưu động của Agribank, phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng…

Về phần mình, Bộ Công an cho hay, việc xử lý tội phạm tín dụng đen vô cùng khó khăn, do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Theo đó, khung xử lý nặng nhất đối với tội phạm cho vay nặng lãi hiện hành (theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017) là 3 năm tù và được xếp vào nhóm ít nghiêm trọng. Xử phạt quá nhẹ trong khi nguồn lợi thu về quá lớn khiến vòi bạch tuộc tín dụng đen lan rộng và rất khó xử lý. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực xử lý tín dụng đen, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan trong các bộ luật hiện hành.

Cảnh báo mô hình cho vay trực tuyến

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa cảnh báo người tiêu dùng về cho vay trực tuyến. Theo đó, gần đây xuất hiện và phát triển nhanh chóng, rộng rãi các mô hình cho vay trực tuyến (online), tiêu biểu là ucash.vn; ATMonline.vn, avay.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn, olava.vn, fastdong.com, dongshopsun.vn…; hoặc các mô hình cho vay P2P như tima.vn, vaymuon.vn… 

Từ bài học sụp đổ của mô hình cho vay trực tuyến tại Trung Quốc quý III/2018 kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến nghị người dân cảnh giác khi cung cấp thông tin cho bên vay, nghiên cứu kỹ khoản vay, đọc kỹ hợp đồng và cân nhắc khả năng trả nợ trước khi vay.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục