Những ngày cuối năm tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), nơi có hàng chục nghìn công nhân làm việc, giấy mời chào cho vay tiền dán kín từ gầm cầu, góc cột điện, bến xe buýt cho tới cổng xóm trọ. Cứ vài ngày lại có một lượt giấy mới dán đè lên do lớp giấy cũ đã mưa ướt hoặc bị bóc nham nhở.
Anh Hanh (30 tuổi, quê ở Nam Trực, Nam Định, làm việc trong một nhà máy gốm sứ) cho hay, thông thường công nhân có hai cách vay tiền, nếu dưới 20 triệu đồng có thể liên hệ với những đầu mối chuyên cho vay tiền trong công ty; còn từ 20 triệu trở lên thì phải gọi cho các số điện thoại được quảng cáo trên tường nhà trọ.
Hình thức vay đơn giản, chỉ cần cần photo chứng minh thư và hộ khẩu...
Giữa tháng 7/2018, vì ham chơi lô đề nên anh Hanh mắc nợ 12 triệu đồng phải trả gấp. Không dám thông báo với gia đình, qua người bạn làm cùng tổ giới thiệu, anh liên hệ với Du (32 tuổi) một công nhân làm cùng nhà máy, chuyên cho vay tiền lấy lãi.
Kết thúc ca sáng, hai người gặp nhau ở cây ATM cổng khu công nghiệp, Hanh đưa chứng minh thư, thẻ ATM và đọc mã pin để Du kiểm tra.
Giao dịch vay tiền diễn ra trong vòng chưa đầy 30 phút, cùng thỏa thuận lãi suất 42.000 đồng mỗi ngày, trả gốc sau 3 tháng. "Lãi thế quá nhẹ nhàng rồi, chú nhớ trả gốc đúng hạn. Nghỉ việc bùng tiền, anh tìm về tận nhà đấy", Du nhắc nhở.
Với cách tính trên, người vay phải chấp nhận lãi suất tương đương 10%/tháng, khoảng 120 % mỗi năm. Trong khi, các tổ chức tín dụng cho vay chỉ từ 10-14% mỗi năm.
Đến kỳ lĩnh lương, Du chủ động rút tiền trong thẻ ATM của anh Hanh, giữ tiền lãi là 1.260.000 đồng, số tiền còn lại đưa cho khổ chủ.
Vợ chồng anh Hanh đều làm công nhân với mức lương 6 triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ trang trải cho hai đứa con cấp tiểu học, tiền nhà trọ, tiền ăn..., số còn lại để dành tiết kiệm không đáng kể.
Trong khi đó, sau 4 tháng, tổng số tiền lãi mà anh Hanh vay để trả chợ chơi lô đề đã lên tới hơn 5 triệu đồng, anh phải đi vay họ hàng để trả nợ gốc.
Công nhân một khu công nghiệp ở Hà Nội lúc tan ca. Ảnh: Tất Định
Theo nhiều công nhân, hình thức vay nặng lãi trong công ty khá phổ biến. Nhà máy nào cũng có vài người đứng ra cho vay nhưng số tiền chỉ giới hạn không quá 3 lần lương tháng.
Ngoài giới hạn số tiền cho vay, các đầu mối tín dụng trong công ty cũng khá chọn lọc khách hàng nên những người muốn "vay dễ, vay nhanh" thường tìm đến tổ chức cho vay nặng lãi bên ngoài.
Đầu tháng 10/2018, vướng vào cá độ bóng đá, anh Minh (25 tuổi, quê ở Mê Linh, Hà Nội), công nhân một nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy đã gọi theo số điện thoại quảng cáo vay tiền dán trên cột điện trong khu công nghiệp hỏi vay 10 triệu đồng.
Một người đàn ông nghe máy hướng dẫn Minh chuẩn bị chứng minh thư, sổ hộ khẩu bản photo và bằng lái xe máy bản gốc.
"Chỗ anh cho vay trả góp trong 50 ngày, vay 10 triệu mỗi ngày đóng gốc 200.000 đồng, thu lãi trước. Chịu được thì mai gọi lại, sẽ có người đến trao đổi cụ thể", người đàn ông này hướng dẫn Minh.
Sáng hôm sau, hai thanh niên lái xe máy đến gặp Minh. Họ chỉ kiểm tra thẻ ra vào công ty, cầm các giấy tờ và không cần viết giấy vay nợ mà đưa ngay cho Minh 8 triệu đồng (trừ trước 2 triệu đồng tiền lãi). "19h30 hàng ngày bọn anh đi thu tiền gốc, nhớ phải nghe máy, chậm một ngày sẽ cộng thêm 50.000", hai thanh niên dặn dò Minh.
Trong vòng một tháng, Minh vay khắp công nhân làm cùng tổ để đóng tiền trả góp. Đến khi không thể đóng đủ, anh phải tắt điện thoại, xin nghỉ làm mấy hôm để nhờ bố mẹ vay tiền trả.
Bà Hương (chủ một xóm trọ gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho hay, tình trạng công nhân vay nặng lãi khi túng thiếu khá phổ biến, có những người may mắn chỉ vay số tiền ít, được bạn bè, người thân hỗ trợ nên trả được nợ, nhưng cũng nhiều công nhân bị đánh đập vì đến hạn mà không có tiền thanh toán.
"Tôi từng chứng kiến cảnh nhóm thanh niên xăm trổ kéo đến trước cổng nhà trọ, đứng hàng tiếng đồng hồ để tìm gặp công nhân tên Hải trọ tại đây. Khi gặp Hải, họ liên tục chửi thề, đấm đá túi bụi và dọa sẽ chặt ngón tay nếu Hải không trả tiền", bà Hương kể.
Sau đó, Hải phải bán xe máy, điện thoại để trả nợ. Anh ta bỏ việc về quê trong khi vẫn nợ bà Hương hơn một triệu đồng tiền thuê trọ.
Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thông tin, qua khảo sát cho thấy nạn tín dụng đen hoành hành tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương.
Quảng cáo mời gọi công nhân vay tiền dán ở khu nhà trọ. Ảnh: Tất Định
Nhiều công nhân là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất rất cao, thành con nợ không có khả năng thanh toán và bị hăm dọa, đánh đập; thậm chí họ phải bỏ trốn đi nơi khác hoặc nghỉ việc về quê.
"Giao dịch cho vay nặng lãi chủ yếu thỏa thuận miệng, hầu như không có bằng chứng. Nạn nhân không trình báo nên cơ quan chức năng rất khó để xử lý", ông Tiêm nói.
Lý giải nạn tín dụng đen nở rộ tại nhiều khu công nghiệp, ông Tiêm cho rằng do lương công nhân thấp, trung bình chỉ từ 5 triệu đến 6 triệu đồng mỗi tháng.
Nhiều gia đình công nhân gặp khó khăn đột xuất như con ốm, cần tiền đóng học cho con, trả tiền thuê nhà... nên họ buộc phải vay dù lãi suất cao. Ngoài ra, nhiều công nhân trẻ chưa có kế hoạch chi tiêu hợp lý, thậm chí sa vào tệ nạn lô đề, cờ bạc.
Theo ông Tiêm, để hạn chế nạn tín dụng đen, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đang lập quỹ hỗ trợ vốn vay cho công nhân; Công đoàn cũng sẽ đứng ra bảo lãnh cho công nhân mua hàng trả góp, lãi suất 0%.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội khuyến cáo, khi phát sinh tranh chấp, người đi vay bị uy hiếp đến sức khỏe, tính mạng cần trình báo ngay với công an; nếu đủ bằng chứng vay nặng lãi thì người đi vay sẽ chỉ phải trả số tiền gốc, tiền lãi tính theo lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.