Lãi lớn nhờ dịch vụ và ngoại hối
Báo cáo tài chính sau kiểm toán vừa được các ngân hàng HSBC Việt Nam và ANZ Việt Nam công bố cho thấy, năm 2016, lợi nhuận của cả hai ngân hàng này đều tăng mạnh.
Theo đó, lợi nhuận của HSBC đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2015, còn lợi nhuận của ANZ Việt nam đạt 452 tỷ đồng (sau thuế), tăng 51% so với năm trước đó.
Nhờ lãi từ ngoại hối tăng mạnh, nên năm 2016, dù tín dụng giảm tới 13%, song ANZ Việt Nam vẫn lãi lớn.
Cho vay, kinh doanh ngoại hối và dịch vụ là 3 lĩnh vực mang lại doanh thu chính cho các ngân hàng ngoại. Trong đó, ngoại hối là lĩnh vực khiến các ngân hàng này gặt hái được nhiều thành quả nhất.
Cụ thể, tại Ngân hàng HSBC, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 754 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2015. Đây cũng là mảng kinh doanh thu về lợi nhuận lớn thứ hai trong số các hoạt động của HSBC Việt Nam. Tại Ngân hàng ANZ, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 252 tỷ đồng, tăng tới 210%. Nhờ lãi từ ngoại hối tăng mạnh, nên năm 2016, dù tín dụng giảm tới 13%, song ANZ Việt Nam vẫn lãi lớn.
Không chỉ với các ngân hàng HSBC, ANZ, mà tại đa phần các ngân hàng ngoại hoạt động tại Việt Nam, mảng kinh doanh ngoại hối và dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn trong doanh thu cũng như lợi nhuận. Đơn cử, tại Shinhan Vietnam, mảng ngoại hối mang lại 249 tỷ đồng lãi thuần.
Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Ngoại trừ HSBC có vốn điều lệ hơn 7.500 tỷ đồng và Shinhan Bank có vốn điều lệ hơn 4.500 tỷ đồng, các ngân hàng còn lại chỉ có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng.
Hiện có hơn 100 chi nhánh và văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh tại Việt Nam.
Tuy lợi nhuận của khối ngân hàng ngoại chưa hẳn “ăn đứt” các ngân hàng trong nước có cùng quy mô, song nợ xấu lại thấp hơn rất nhiều.
Lợi thế vốn ngoại tệ giá rẻ và kinh nghiệm hoạt động lâu năm trên thị trường ngoại hối quốc tế với danh mục sản phẩm đa dạng đã khiến ngân hàng nước ngoài “vớ bẫm” ở lĩnh vực này.
Chiến lược kinh doanh dựa vào các lĩnh vực ngoài tín dụng, như ngoại hối, dịch vụ, chứng khoán… đã khiến các ngân hàng nước ngoài ít bị nợ xấu ăn mòn lợi nhuận và tỷ lệ an toàn vốn khá cao.
Ngân hàng nội chạy đua chuyển đổi
Trong khi lãi từ mảng dịch vụ và ngoại hối của nhiều ngân hàng ngoại chiếm hơn 50% lợi nhuận thì tại đa số ngân hàng nội, thu từ tín dụng vẫn chiếm 70 - 80%, thậm chí có ngân hàng chiếm tới 90%. Việc phụ thuộc vào tín dụng không chỉ khiến các ngân hàng trong nước thu lãi ít, nợ xấu cao, mà còn có nguy cơ bị mất khách hàng.
“Các ngân hàng khu vực đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường Việt Nam. Nếu không khẩn trương nâng cao chất lượng dịch vụ, ngân hàng Việt sẽ bị thất thế ngay tại thị trường trong nước”, ông Samir Dixit, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance cảnh báo.
Theo ông Samir Dixit, rất nhiều ngân hàng Việt Nam đang “già cỗi”, hoạt động theo phương thức truyền thống, chưa có nhiều dịch vụ đa dạng để đáp ứng được nhu cầu khách hàng, nhất là các khách hàng trẻ, đòi hỏi công nghệ cao. Do đó, với các ngân hàng này, giữ được khách hàng trong nước là vất vả, còn ra đấu trường quốc tế thì nắm chắc phần thua.
“Một ngân hàng Malaysia vào Việt Nam có thể thành công, đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng Việt Nam. Song một ngân hàng Việt Nam sang Malaysia sẽ rất dễ thất bại”, ông Samir Dixit cảnh báo.
Rất nhiều ngân hàng Việt Nam đang “già cỗi”, hoạt động theo phương thức truyền thống, chưa có nhiều dịch vụ đa dạng để đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Trước đây, các ngân hàng ngoại hầu hết chỉ quan hệ với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song hiện tại đã mở rộng không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam, mà còn với khách hàng cá nhân Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nhận định, dù chiếm thị phần nhỏ, song các ngân hàng ngoại đang có nhiều sản phẩm, dịch vụ ưu việt hơn ngân hàng trong nước và sẽ là đối thủ đáng gờm của ngân hàng trong nước thời gian tới. Do đó, để giữ vững vị thế, các ngân hàng nội phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyển đổi cơ cấu hoạt động.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo, để cạnh tranh với khối ngân hàng ngoại, ngân hàng trong nước không nên chạy theo tăng trưởng tín dụng – vốn ẩn chứa nhiều rủi ro – như vừa qua, mà phải đẩy nhanh chiến lược tăng thu từ dịch vụ.
Đây không chỉ là áp lực của cạnh tranh với ngân hàng ngoại, mà còn là áp lực từ cách mạng công nghệ 4.0, khi nhu cầu của người tiêu dùng, khách hàng đang thay đổi. Đây còn là điều đáng báo động, bởi các ngân hàng Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu phát triển ngân hàng số.