Ngân hàng ngoại tăng hiện diện: Nỗi lo khi “sói” đã vào nhà

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới chấp thuận cho 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Trong khi đó, thời gian qua, số ngân hàng nước ngoài trở thành đối tác chiến lược hoặc lập chi nhánh, văn phòng đại diện tăng lên nhanh chóng.     
Ngân hàng ngoại tăng hiện diện: Nỗi lo khi “sói” đã vào nhà

7 ngân hàng ngoại và 100 chi nhánh, văn phòng đại diện

Thống đốc NHNN vừa chấp thuận về nguyên tắc cho Ngân hàng Woori Bank (Hàn Quốc) thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Trước đó, đầu năm nay, NHNN cũng đã cấp giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài cho Public Bank Berhad (Malaysia).

Theo thông tin của Báo Đầu tư, trong 7 năm qua, nhiều ngân hàng nước ngoài đã gửi đơn lên NHNN để xin thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại, song không được chấp thuận. Không chỉ với ngân hàng nước ngoài, mà trong nước, từ năm 2008 đến nay, sau TPBank, cũng chưa có thêm ngân hàng nào được cấp phép.

Tuy nhiên, những động thái gần đây của NHNN cho thấy, cơ quan này đã bắt đầu nới hơn đối với các ngân hàng ngoại. Thực tế, dù số lượng ngân hàng 100% vốn ngoại ở Việt Nam không nhiều, song khối ngoại đang âm thầm len lỏi ngày càng sâu vào hệ thống ngân hàng Việt Nam qua liên doanh liên kết, mua cổ phần, lập chi nhánh, văn phòng đại diện…

Rất nhiều ngân hàng ngoại đã thực hiện chiến lược “sói gửi chân” khi lập các văn phòng đại diện, chi nhánh, mua cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam, để khi Việt Nam mở cửa thêm nữa theo cam kết hội nhập sẽ nhanh chóng bung ra lấn chiếm thị phần.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian qua, khi các ngân hàng nội phải đối mặt với áp lực tái cơ cấu, giảm số lượng từ 33 ngân hàng (năm 2006) xuống còn 28 ngân hàng vào cuối năm 2015, thì các ngân hàng nước ngoài lại tận dụng cơ hội để gia tăng sự hiện diện. Đến thời điểm này, cả nước có 6 ngân hàng 100% vốn ngoại (nếu Woori Bank được cấp phép, con số này sẽ tăng lên 7); số chi nhánh của ngân hàng nước ngoài từ 31 (năm 2006) tăng lên 50, chưa kể 50 văn phòng đại diện và một số ngân hàng liên doanh.

Từ rất lâu, các ngân hàng nước ngoài đã tìm cách đặt chân vào Việt Nam thông qua con đường góp vốn mua cổ phần của ngân hàng trong nước. Chẳng hạn, VietinBank có 2 cổ đông chiến lược nước ngoài là Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ; Vietcombank có cổ đông chiến lược là Ngân hàng Mizuho...

Chiến lược sói gửi chân và sự lung lay của ngân hàng nội

Rõ ràng, rất nhiều ngân hàng ngoại đã thực hiện chiến lược “sói gửi chân” khi lập các văn phòng đại diện, chi nhánh, mua cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam, để khi Việt Nam mở cửa thêm nữa theo cam kết hội nhập sẽ nhanh chóng bung ra lấn chiếm thị phần.

Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài đã khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam cạnh tranh hơn, năng lực quản trị được cải thiện, số liệu minh bạch hơn, sản phẩm đa dạng hơn... Thế nhưng, điều dễ nhận thấy là, cùng với sự gia nhập của khối ngoại, thị phần của khối ngân hàng nội đang bị lung lay.

Hiện tại, thị phần huy động của khối ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm khoảng 5%, thị phần tín dụng 15%, song đáng lo là thị phần của khối ngoại đang có dấu hiệu gia tăng.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguy cơ phân khúc thị trường khách hàng có thu nhập cao và trung bình sẽ dần dịch chuyển sang giao dịch với các ngân hàng nước ngoài do chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Liên quan vấn đề trên, đại diện Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN) thừa nhận, việc ngân hàng ngoại gia nhập thị trường khiến hệ thống ngân hàng trong nước đối mặt nhiều nguy cơ, như mất dần lợi thế về dịch vụ ngân hàng bán lẻ; khó cạnh tranh về dịch vụ ngoại tệ và sản phẩm phái sinh; chảy máu lao động chất lượng cao…

Do đó, đại diện NHNN khuyến cáo, các ngân hàng trong nước phải đẩy nhanh tái cơ cấu, tăng cường năng lực tài chính, cải thiện năng lực quản trị - điều hành, thay đổi cơ cấu thu nhập sang hướng tăng thu dịch vụ. Ngoài ra, các ngân hàng nội cũng cần nghiên cứu mở rộng hoạt động ra nước ngoài, khuyến khích sự tham gia điều hành của các cổ đông chiến lược để nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng.

Được biết, rất nhiều ngân hàng lớn của Việt Nam, như  VietinBank, Vietcombank, BIDV... đang lựa chọn hướng đi này. Ngoài việc tìm kiếm đối tác chiến lược là các tập đoàn tài chính hùng mạnh của nước ngoài, các ngân hàng này cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới ra các nước trong khu vực và thế giới.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục