TPP: Ngân hàng ngoại khó “thò tay” vào thị trường thẻ

Việt Nam mở cửa thị trường thẻ có mã quốc tế nhưng không mở cửa thị trường thẻ nội địa. Ngoài ra, Việt Nam cũng bảo lưu được quyền yêu cầu chuyển mạch qua một cổng thống nhất tại đơn vị chuyển mạch thẻ quốc gia.

TPP: Ngân hàng ngoại khó “thò tay” vào thị trường thẻ

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết, tuy nhiên, lĩnh vực tài chính, ngân hàng không mở cửa hoàn toàn.

Cụ thể, về dịch vụ thanh toán Điện tử cho các giao dịch bằng thẻ, các nước TPP phải cho phép các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ cho các giao dịch thanh toán thẻ ở nước ngoài.

 Đối với Việt Nam, nước ta cam kết mở cửa thị trường thẻ có mã quốc tế, cho phép các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp qua biên giới các dịch vụ thanh toán bù trừ. Tuy nhiên, Việt Nam không mở cửa thị trường thẻ nội địa.

Đặc biệt, nước ta vẫn bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu quản lý như bảo mật thông tin khách hàng, các quy định quản lý phí giao dịch và các biện pháp để thực hiện mục tiêu chính sách công. Đồng thời, bảo lưu quyền yêu cầu chuyển mạch qua một cổng thống nhất tại đơn vị chuyển mạch thẻ quốc gia.

Về dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, các nước TPP cam kết phải cho phép các tổ chức tài chính hoạt động trên lãnh thổ của nước thành viên khác được cung cấp các dịch vụ sau cho các Quỹ đầu tư tập thể nằm trong lãnh thổ của mình. Trong đó, Việt Nam cam kết cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và dịch vụ quản lý danh mục đầu tư cho các quỹ đầu tư trong nước theo phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới. Đồng thời, Việt Nam cho phép cung cấp dịch vụ cho công ty quản lý quỹ trong nước đối với phần vốn huy động nhằm mục đích đầu tư ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, liên quan tới cung cấp bảo hiểm bởi các đơn vị bảo hiểm bưu điện, các nước TPP cam kết không tạo điều kiện cạnh tranh thuận lợi hơn cho các tổ chức bảo hiểm bưu điện (bị trực thuộc hoặc chi phối, trực tiếp hoặc không trực tiếp bởi một tổ chức bưu điện) khai thác và bán bảo hiểm khi tổ chức này cạnh tranh trực tiếp đối với các nhà cung cấp bảo hiểm tư nhân.

Cam kết này chỉ áp dụng đối với các tổ chức bảo hiểm bưu điện có thị phần nhân thọ hoặc phi nhân thọ lớn hơn 10% phí gốc tính đến thời điểm ngày 1/1/2013 và không ràng buộc nghĩa vụ cam kết đối với các tổ chức bảo hiểm bưu điện của các nước thành viên TPP trong tương lai được hình thành sau ngày ký Hiệp định TPP.

Dù vậy, Việt Nam không bị ràng buộc bởi nội dung cam kết này vì các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bưu điện của Việt Nam tính đến thời điểm 1/1/2013 có thị phần nhân thọ hoặc phi nhân thọ nhỏ hơn 10% phí gốc.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục