VAMC đã hết phép “biến hình” nợ xấu?
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, đến thời điểm này, VAMC đã mua được gần 55.000 tỷ đồng nợ xấu từ 35 tổ chức tín dụng.
Như vậy, trong hơn 2 tháng qua, VAMC chỉ mua vào vỏn vẹn gần 6.000 tỷ đồng nợ xấu. Từ đầu năm đến nay, số nợ xấu mà công ty này mua vào cũng chỉ đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, cách xa so với mục tiêu mua vào 70.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu của cả năm 2014.
Nợ xấu mua vào chậm, bán nợ lại càng chậm. Cụ thể, số nợ xấu bán ra đến nay mới đạt 1.400 tỷ đồng, quá nhỏ so với số nợ xấu VAMC mua vào và càng không thấm vào đâu so với tổng nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.
Tốc độ xử lý nợ của VAMC quá chậm là nguyên nhân khiến các ngân hàng dè dặt bán nợ cho VAMC.
Trước đây, VAMC được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp các ngân hàng làm sạch bảng cân đối tài sản, xả bớt nợ xấu để yên tâm cho vay. Thời gian đầu, ngân hàng ồ ạt bán nợ cho VAMC với rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động, có vẻ như các ngân hàng đang bắt đầu nản và không còn thiết bán nợ cho VAMC như trước. Điều này không có gì là khó hiểu, bởi nợ xấu bán ra vẫn nằm im trong “kho” VAMC.
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM thừa nhận, 7 tháng đầu năm, các ngân hàng trên địa bàn đã xử lý 8.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, số nợ xấu bán cho VAMC chỉ vỏn vẹn 1.000 tỷ đồng, phần còn lại các ngân hàng phải tự xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro và các giải pháp khác.
Báo cáo khảo sát các ngân hàng mới đây của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) cũng cho thấy, dù có tới 76% ngân hàng đánh giá nợ xấu là vấn đề đáng ngại nhất với ngành ngân hàng, song các ngân hàng đều không quá ưu tiên bán tài sản cho VAMC.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính, ngân hàng của EY Việt Nam cho rằng, sở dĩ các ngân hàng không mặn mà bán nợ cho VAMC, vì sau khi bán nợ, ngân hàng phải vẫn phải chịu trách nhiệm chính xử lý nợ. Nếu bán nợ thành công, ngân hàng phải trích lại một phần phí cho VAMC. Chưa kể, sau bán nợ, mỗi năm, ngân hàng lại phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho khoản nợ đó.
Ngân hàng tìm cách tự cứu mình
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Vướng mắc lớn nhất của chúng tôi trong xử lý nợ xấu là việc bán tài sản đảm bảo quá khó, nên mới bán nợ cho VAMC. Vì theo quy định, các khoản nợ bán cho VAMC đều có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, đến nay, ngay cả VAMC cũng kêu vướng cơ chế, khó bán tài sản đảm bảo, thì chúng tôi dựa vào VAMC làm gì? Chúng tôi đang chờ xem VAMC có cơ chế gì mới rồi mới tiếp tục bán nợ”.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn mua nợ của VAMC. Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư này đều là môi giới và trả giá rất rẻ. Trong khi đó, VAMC giữ quan điểm không bán đổ, bán tháo nợ xấu và quan trọng hơn, bắt buộc các đối tác khi mua nợ phải có phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, vực doanh nghiệp sống dậy, chứ không phải là mua rẻ chờ được giá để bán.
Trong bối cảnh VAMC và các nhà đầu tư mua nợ chưa thể gặp nhau, nợ xấu của các ngân hàng 6 tháng đầu năm đang tăng lên chóng mặt, nhất là nợ có khả năng mất vốn.
Đơn cử, tính đến ngày 30/6/2014, tổng nợ xấu của Eximbank đã tăng 43,1% so với thời điểm 31/12/2013. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 35,8%, chiếm 61,7% tổng nợ xấu. Nợ mất vốn của VCB là hơn 4.700 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cuối năm ngoái, nợ có khả năng mất vốn của VietinBank là 3.172 tỷ đồng, tăng 40% so với thời điểm đầu năm.
Nợ xấu tăng mạnh khiến các ngân hàng hối hả tăng trích lập dự phòng rủi ro. Báo cáo tài chính quý II/2014 cũng cho thấy, các nhà băng đã chi khá mạnh tay cho trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng rủi ro quý II/2014 của nhiều ngân hàng tăng 20-40%.
Trong khi đó, với hành lang pháp lý chưa đầy đủ, nhiều quy định vừa ban hành đã bộc lộ tính bất hợp lý, VAMC đang cần rất nhiều thuốc trợ lực để có thể hoàn thành trọng trách của mình.