Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, như thương vụ hợp nhất ba ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB thành SCB; Habubank sáp nhập vào SHB; DaiA Bank sáp nhập vào HDBank; WesternBank sáp nhập với PVFC; TrustBank bán lại cho nhóm cổ đông lớn, trong đó có Tập đoàn Thiên Thanh và được đổi tên thành VNCB.
Thị trường M&A hứa hẹn sẽ còn nhiều thương vụ đình đám hơn, khi một số nhà băng lớn đang tính đến chuyện sáp nhập, hợp nhất với nhau. Đơn cử như Sacombank vừa có ý định nhận sáp nhập Southern Bank. Trước đó, ngân hàng này cũng ký kết một bản ghi nhớ với Eximbank; trong đó, có nội dung sẽ tìm hiểu phương án hợp nhất, sáp nhập trong vòng 3 - 5 năm, kể từ khi bản ghi nhớ được ký kết đầu năm 2013.
Theo một lãnh đạo cấp cao trong HĐQT Sacombank, không riêng với Eximbank và SouthernBank, mà đối với tất cả các ngân hàng khác, Sacombank đều mong muốn hợp tác, cùng phát triển thông qua con đường M&A. Bởi đây là con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu trở thành định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, đủ sức cạnh tranh và vươn ra tầm khu vực.
Đối với chủ trương hợp nhất giữa Sacombank và Eximbank như đã ký kết hồi đầu năm ngoái, vị lãnh đạo này cho biết, “cả hai ngân hàng cần 3 - 5 năm để tìm hiểu nhau”. Còn với kế hoạch sáp nhập Southern Bank, hiện Southern Bank là một ngân hàng có quy mô nhỏ, trước áp lực tái cơ cấu, Southern Bank phải chọn hình thức sáp nhập và đã đề nghị được về với Sacombank cũng là một phương án tốt cho cả hai bên.
Cách đây không lâu, khi ACB rơi vào khủng hoảng, trên thị trường cũng xuất hiện những đồn đoán về việc ACB, Eximbank, Sacombank sẽ về cùng một nhà.
Không chỉ thương vụ sáp nhập, hợp nhất đầy hứa hẹn giữa Sacombank – Eximbank, mà theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, M&A đang là xu hướng tất yếu trong ngành ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đẩy mạnh tái cấu trúc ngành và thị trường chỉ cần khoảng 30 - 40 ngân hàng là đủ, trong khi, cả nước hiện vẫn còn tới 60 ngân hàng. Vì thế, không chỉ các ngân hàng nhỏ sáp nhập với nhau để tồn tại, mà ngay cả những ngân hàng lớn cũng có thể tính đến việc M&A để tăng quy mô vốn, tổng tài sản, tăng sức cạnh tranh.
Cũng theo vị chuyên gia trên, mục tiêu tái cấu trúc của NHNN là lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng, trong khi không phải cứ ngân hàng lớn là quản lý rủi ro đã tốt. Do đó, ngân hàng lớn cũng không nằm ngoài vòng xoáy sáp nhập, hợp nhất. Mặt khác, Việt Nam đã hội nhập vào thế giới, nên hệ thống ngân hàng phải có tầm cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Đó chính là động lực thúc đẩy M&A giữa các ngân hàng lớn. Hiện NHNN cũng đưa ra chủ trương khuyến khích các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo quyền lợi của các bên.
Chủ trương của NHNN gần đây đang mở ra những cơ hội tăng tốc phát triển cho các ngân hàng có nền tảng nội lực vững chắc, thông qua việc hợp tác, sáp nhập với các ngân hàng khác. Việc sáp nhập giữa các ngân hàng phù hợp sẽ giúp cho các bên tận dụng được thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, nguồn khách hàng, mạng lưới giao dịch và kênh phân phối. Ngoài ra, việc hợp tác, sáp nhập cũng giúp cho các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, thời gian phát triển mạng lưới.
Đánh giá về thương vụ sáp nhập Southern Bank - Sacombank đang được thị trường quan tâm cũng như việc khả năng các ngân hàng lớn sáp nhập với nhau, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, trước mắt, sau khi ngân hàng nhỏ sáp nhập vào nhà băng lớn, hoạt động của ngân hàng mới sẽ có khó khăn nhất định. Đơn cử như thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, Sacombank sau sáp nhập sẽ có khó khăn tạm thời, vì phải gánh nợ xấu cho Southern Bank.
“Nhưng đó cũng là lẽ thường. Các nhà băng có yếu kém mới tự nguyện sáp nhập vào ngân hàng mạnh. Ngược lại, các đơn vị như Sacombank, SHB, HDBank… sau khi nhận sáp nhập sẽ tăng được quy mô tổng tài sản, vốn, mạng lưới, con người”, ông Kiêm nói và cho rằng, kết quả hoạt động của các ngân hàng trong thời kỳ hậu M&A chưa thực sự sáng lên, nhưng về cơ bản, trong 2 năm qua, ngành ngân hàng đã đạt được thành công trong quá trình sắp xếp lại, giảm số lượng ngân hàng, nhưng tăng được quy mô, nâng tầm cạnh tranh của một số nhà băng.