Vì thế, chiến lược bán lẻ tiếp tục là mục tiêu được các ngân hàng ngoại đẩy mạnh tại thị trường này. Đây sẽ là sức ép cạnh tranh đối với ngân hàng trong nước về dịch vụ bán lẻ.
Ông Sanjoy Sen, Giám đốc phụ trách Khối ngân hàng bán lẻ, ANZ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, ở châu Á, có rất nhiều thị trường đã định hình rõ nét về nhu cầu tài chính, bán lẻ. Chẳng hạn Đài Loan, Hồng Kông là những thị trường phát triển mạnh về dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Nhóm thứ hai là nhóm đang phát triển, trong đó có thị trường Việt Nam. ANZ đặt mục tiêu rất lớn về dịch vụ tài chính bán lẻ ở thị trường Việt Nam, bởi đây là thị trường trẻ, đang tăng trưởng.
“Nói đến khách hàng cá nhân, nên nhìn vào nhu cầu tổng thể, chứ không phải chỉ nhìn vào nhu cầu tiết kiệm. Khi thu nhập của khách hàng cá nhân cao hơn, thì các chuỗi nhu cầu cũng sẽ ngày càng rõ nét và đa dạng”, ông Sanjoy nói.
Theo ông Sanjoy, để phát triển được chiến lược bán lẻ, ngân hàng cần phải nắm được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng để thu hút được khách hàng chính là yếu tố thương hiệu và tính an toàn; dịch vụ có sự khác biệt, gia tăng được tiện ích và đảm bảo đem lại quyền lợi tốt nhất cho khách hàng sử dụng.
Tăng trưởng khối khách hàng cá nhân của ANZ Việt Nam trong những năm qua khá ấn tượng, cụ thể năm 2013 tăng trưởng 32%, chính nhờ chiến lược nói trên. Để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ tại thị trường Việt Nam, ANZ cho biết, sẽ tiếp tục tập trung phân khúc khách hàng trung lưu; trong đó, sản phẩm thẻ tín dụng luôn được ANZ chú trọng.
Theo ông Sanjoy Sen, hiện việc thâm nhập thị trường thẻ tín dụng của Việt Nam đối với các ngân hàng còn hạn chế, trong khi các thị trường khác như Ấn Độ, Hồng Kông đã rất phát triển về thẻ tín dụng. Khả năng trong 10 năm tới, thẻ tín dụng sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam, theo như kinh nghiệm phát triển của ANZ tại các thị trường mới nổi.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng ngoại đang từng bước đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, với phân khúc khách hàng được định hình rõ nét. Đây được xem là một trong những sức ép lớn lên ngân hàng nội đang trong quá trình đẩy mạnh bán lẻ.
HSBC vừa đưa ra chiến dịch tiếp thị mới cho khối dịch vụ khách hàng cao cấp Premier. Qua chiến dịch này, Ngân hàng tiếp tục củng cố cam kết giúp khách hàng hiểu rõ và tổ chức các nguồn lực tài chính theo hình thức nguồn lực kinh tế cá nhân. Trong 2 năm qua, HSBC Việt Nam đã đầu tư vào dịch vụ quản lý tài sản và công nghệ kỹ thuật số để bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng Premier toàn cầu.
Ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC Việt Nam cho biết, kể từ khi ra mắt dịch vụ khách hàng cao cấp Premier vào năm 2007, các khách hàng cao cấp có nhu cầu giao dịch quốc tế ngày càng tăng.
Thị trường tài chính Việt Nam vẫn được xem là khá màu mỡ để phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng bán lẻ. Đó cũng là cái đích mà nhiều ngân hàng ngoại đang nhắm đến. Tuy nhiên, theo ông Sanjoy, để thành công trong bán lẻ, đòi hỏi ngân hàng phải xây dựng được đội ngũ bán hàng tốt đi kèm kiểm soát rủi ro tốt nhất.
Chẳng hạn, với ANZ, đẩy mạnh tăng trưởng thẻ tín dụng, nhưng mục tiêu đặt lên hàng đầu của Ngân hàng là kiểm soát được rủi ro, không tăng trưởng quá đà.
Ông Sanjoy Sen cho rằng, đối với thẻ tín dụng, nếu không kiểm soát tốt, rủi ro sẽ rất lớn. Mặt khác, đối với khách hàng cá nhân, các sản phẩm, dịch vụ đưa ra phải có sự cam kết dài hạn, nếu không sẽ khó đem lại thành công.
Gần đây, các ngân hàng trong nước đang chạy đua mua lại công ty tài chính để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, trong đó chú trọng đến cho vay cá nhân, tiêu dùng. Các chuyên gia tài chính nước ngoài đánh giá, đối với thị trường đang lên như Việt Nam, nhu cầu tín dụng tiêu dùng rất lớn, nhưng thách thức lớn nhất đối với cho vay tiêu dùng vẫn là việc thu hồi vốn. Vì thế, việc các ngân hàng đẩy mạnh liên kết công ty tài chính để phát triển cho vay tiêu dùng là một xu hướng phát triển, nhưng quan trọng vẫn là có kiểm soát được rủi ro nợ xấu hay không.