Ngân hàng kiếm lời nghìn tỷ từ bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà băng kỳ vọng, nguồn thu từ bảo hiểm sẽ tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng lợi nhuận năm 2022.
VietinBank, Techcombank, ACB, VIB, HDBank, Sacombank... là những ngân hàng có nguồn thu lớn từ mảng bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh VietinBank, Techcombank, ACB, VIB, HDBank, Sacombank... là những ngân hàng có nguồn thu lớn từ mảng bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

Điểm sáng năm 2021

Bất chấp làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, nguồn thu từ mảng bảo hiểm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào tổng lợi nhuận của không ít ngân hàng trong năm 2021.

Cụ thể, phí dịch vụ bảo hiểm của Techcombank trong năm qua tăng 88,4%, đạt 1.600 tỷ đồng. Tính riêng quý IV/2021, doanh thu khai thác mới (APE) tăng 39,5% so với cùng kỳ và tăng 104,5% so với quý liền trước, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng và Ngân hàng đẩy mạnh mối quan hệ đối tác với Manulife Việt Nam.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, mảng kinh doanh bảo hiểm trong năm 2021 đóng góp trên 1.300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận gần 12.000 tỷ đồng của Ngân hàng. Đóng góp của thu nhập ngoài lãi dự kiến tăng lên mức 27,5% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2021 - 2022. Cùng với sự ổn định về tỷ lệ chi phí hoạt động, chi phí tín dụng (tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%) và tín dụng khả quan, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 ở mức 10.838 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2020.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho hay, năm ngoái, thu từ mảng bảo hiểm đóng góp gần 300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận trước thuế 5.519 tỷ đồng. Triển vọng tăng trưởng mảng dịch vụ tại Việt Nam hiện còn rất lớn, nhất là bảo hiểm.

Ngành bảo hiểm còn nhiều tiềm năng phát triển, không ít công ty bảo hiểm cả nước ngoài và trong nước đang muốn tham gia thị trường. Các sản phẩm bảo hiểm hiện nay rất đa dạng: vừa bảo hiểm, vừa đầu tư sinh lời, bán kèm sản phẩm tiền gửi...

Nhưng theo ông Tùng, điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, công ty bảo hiểm phải cho khách hàng nhìn thấy được lợi ích của sản phẩm từ việc sáng tạo hơn trong xây dựng các sản phẩm, cũng như triển khai nhiều phương thức truyền thông đến khách hàng.

Tại VIB, ngân hàng này ghi nhận tổng thu nhập hoạt động gần 15.000 tỷ đồng trong năm 2021. Thu nhập từ phí do các sản phẩm, dịch vụ như phân phối bảo hiểm (bancassurance) và thẻ đóng góp gần 20%. Theo tính toán của các chuyên gia Chứng khoán SSI, bán lẻ bảo hiểm thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB.

Thực tế cho thấy, thu nhập từ phí, trong đó có kênh bancassurance trở thành điểm sáng của nhiều ngân hàng trong năm qua. Theo thống kê của Chứng khoán Vietcombank, doanh số bán bảo hiểm của 14 ngân hàng đạt hơn 10.200 tỷ đồng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021. Trong đó, HDBank ghi nhận mức tăng trưởng thu dịch vụ gấp 2 lần cùng kỳ năm 2020.

HDBank và Dai-ichi được cho là đã gỡ điều khoản độc quyền bancassurance. Bởi lẽ, hợp đồng độc quyền 10 năm giữa hai bên được ký kết năm 2015 và chi phí trả trước ở thời điểm đó tương đối nhỏ nếu so với các thương vụ bancassurance độc quyền gần đây. Việc rà soát và đàm phán lại các điều khoản chính cho phép HDBank hợp tác với các công ty bảo hiểm, đa dạng danh mục sản phẩm cung cấp cho khách hàng, đồng thời mở ra cơ hội đàm phán một thương vụ bancassurance độc quyền khác.

Kỳ vọng tăng trưởng mạnh năm 2022

Mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao năm 2022, nhất là khi các ngân hàng đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm. VietinBank được đánh giá có thể ghi nhận khoảng 5 triệu USD phí trả trước bancassurance trong quý I/2022 từ hợp tác độc quyền với Manulife và thúc đẩy doanh thu dịch vụ của VietinBank trong dài hạn, theo phân tích của các chuyên gia KBSV.

Tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, doanh số bán bảo hiểm của 14 ngân hàng đạt hơn 10.200 tỷ đồng.

Được biết, cuối tháng 1/2022, VietinBank và Manulife công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm với phí trả trước khoảng 30 triệu USD, dự kiến chi trả trong 6 năm.

KBSV dự báo, năm 2022, VietinBank có thể đạt 21.174 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 48,9% so với năm 2021. Trong đó, mảng bảo hiểm đóng góp tỷ trọng lớn. Chi phí trích lập dự phòng tính đến cuối năm dự kiến là 13.863 tỷ đồng, giảm 24,6% so với cùng kỳ, do Ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng cho phần nợ tái cơ cấu trong năm qua.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình cho biết, kế hoạch hợp tác với Manulife được triển khai từ năm 2019 - 2020, nhưng do có sự thay đổi về tiến độ nên quý I/2022 mới bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm. Hai bên vừa kích hoạt thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm.

Theo thỏa thuận đã ký kết và có hiệu lực kể từ ngày 29/12/2021, Manulife Việt Nam chính thức là nhà phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank. Chứng khoán SSI ước tính, mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD. Trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank sẽ tăng 30 - 50% so với trước.

Trong khi đó, MSB ước tính, hợp đồng hợp tác với hãng bảo hiểm Prudential có thể đem về cho Ngân hàng một khoản phí trả trước lên đến 3.500 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, Ngân hàng tự tin có thể thúc đẩy dịch vụ bảo hiểm ngày càng phát triển mạnh mẽ, bứt phá trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam về dịch vụ bancassurance cả về chất lượng, tính chuyên nghiệp và doanh thu phí bảo hiểm.

Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam đã tiên phong trên thị trường bảo hiểm Việt nam khi ký kết hợp đồng đại lý độc quyền với thời hạn dài nhất trong lĩnh vực liên kết kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng vào ngày 6/9/2017. Sau hơn 4 năm hợp tác, tính đến nay, hai bên đã cung cấp dịch vụ tài chính cao cấp cho gần 560.000 hợp đồng bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 6.400 tỷ đồng. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, Sacombank triển khai thành công phân phối trực tuyến các sản phẩm bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam trên ứng dụng Sacombank Pay.

Trong năm 2021, nguồn thu ngoài lãi của Sacombank chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng dịch vụ (4.343 tỷ đồng, tăng 16%); ngược lại, thu từ các hoạt động kinh doanh khác giảm mạnh (457 tỷ đồng, giảm hơn 59%). Riêng quý VI/2021, nguồn thu từ dịch vụ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 2.000 tỷ đồng, giúp Ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 4.400 tỷ đồng trong năm 2021, vượt 10% kế hoạch.

Danh mục sản phẩm đa dạng cùng với hơn 10 triệu khách hàng là tài sản và động lực để Sacombank kỳ vọng có thể thúc đẩy dịch vụ bảo hiểm ngày càng phát triển.

Tại ACB, thu nhập phí của nhà băng này được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong 15 năm, bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của Ngân hàng.

Khoản phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền 15 năm của Sun Life Việt Nam với ACB là 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.500 tỷ đồng) và được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt cùng các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác.

Năm 2022, ACB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 15.018 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Lợi nhuận của ACB được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ kép 20,8%/năm, với lực đẩy từ việc ghi nhận dần số tiền trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền.

Các nhà phân tích của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam đưa ra giả định, ACB sẽ ghi nhận 1.700 tỷ đồng/năm phí trả trước. Theo đó, thu nhập ngoài lãi năm 2021 sẽ tăng 28,4%, lên 5.893 tỷ đồng và năm 2022 tăng 16,6%, lên 6.559 tỷ đồng.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục