Doanh thu tăng trưởng cao
Tại Campuchia, Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI) đang nằm trong tốp 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần, đồng thời giữ vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm hàng không tại nước này. Được biết, sau thương vụ chuyển nhượng vốn góp năm ngoái, 2 cổ đông lớn nhất của CVI hiện nay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (51%) - công ty con của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty TNHH Phát triển Đảo Kim Cương thuộc Canadia Bank Group chiếm 29%.
Năm 2021, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Campuchia cạnh tranh gay gắt, CVI vẫn hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. CVI giữ vững vị trí thứ 5 trong tổng số 18 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần doanh thu phí bảo hiểm cao nhất Campuchia, với mức tăng trưởng 4,8% so với năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi hàng không tăng trưởng trên 20%.
CVI có thế mạnh khai thác các nhóm nghiệp vụ chủ chốt như nghiệp vụ tài sản, xây dựng lắp đặt, bảo hiểm sức khỏe, tai nạn cá nhân, duy trì vị thế là công ty bảo hiểm tốp đầu trên thị trường về lĩnh vực bảo hiểm hàng không. Hiện tại, CVI đang đẩy mạnh khai thác các nghiệp vụ phi hàng không như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, đảm bảo danh mục khách hàng ổn định hơn.
Trong năm qua, bằng việc tập trung khai thác nhiều kênh bán hàng, tăng cường tìm kiếm nguồn khách hàng mới, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản đạt mức tăng trưởng 9,7%; bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 237,8%; bảo hiểm tai nạn tăng trưởng 21,8%.
Tại Lào, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) với các thành viên sáng lập là Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) và Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) tăng 56,4% so với năm 2020, giúp LVI tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về tỷ suất sinh lời. Năm 2021 cũng được coi là một năm thành công của LVI về doanh thu khi chỉ tiêu này tăng trưởng 12%.
Một liên doanh bảo hiểm khác tại Lào là Công ty Bảo hiểm Đại chúng Lanexang (LAP) được thành lập bởi Ngân hàng Phát triển Lào (LDB) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng ghi nhận doanh thu bảo hiểm gốc năm 2021 tăng trưởng cao so với năm 2020, đạt 65% và hoàn thành vượt 24% kế hoạch đề ra.
Thâm nhập thị trường bảo hiểm Lào hơn 10 năm, Bảo hiểm Lanexang đã tạo được vị thế nhất định. Năm 2021, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, liên danh bảo hiểm này tiếp tục duy trì mức tăng trưởng doanh thu cao nhờ ký kết được nhiều hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn như loạt hợp đồng bảo hiểm tài sản kỹ thuật cho các thủy điện tại Lào như EDL GEN, Namlik, Nam Nghiep…
Theo đó, doanh thu tài sản kỹ thuật năm 2021 tăng trưởng 205% và hoàn thành vượt 62% kế hoạch đề ra. Mục tiêu liên danh bảo hiểm này đang hướng tới là tiếp cận và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho 50 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Lào; hợp tác bán bảo hiểm với các ngân hàng (bancassurance) đang hoạt động tại Lào; củng cố vị thế số 1 thị trường về triển khai dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới thông qua các kênh bancassurance, leasing và showroom…
Những mục tiêu tham vọng
Thực tế, để đạt được thành quả như hiện tại ở xứ người, các công ty bảo hiểm Việt đã trải qua không ít khó khăn. Chẳng hạn, tại thị trường Lào, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi số lượng hãng bảo hiểm tăng nhanh với hơn 20 hãng bảo hiểm đang hoạt động. Thậm chí, nhiều nhà bảo hiểm mới gia nhập thị trường sẵn sàng thực hiện các biện pháp cạnh tranh phi kỹ thuật (hạ phí, mở rộng điều kiện, điều khoản hợp đồng…), đồng thời liên tục triển khai các chương trình khuyến mại “sâu” để thu hút khách hàng, khiến nhiều thời điểm doanh thu của các hãng bảo hiểm Việt không đạt kỳ vọng. Dẫu vậy, vượt qua những khó khăn mà hầu hết thị trường bảo hiểm mới phát triển nào cũng gặp phải, các hãng bảo hiểm Việt vẫn đặt nhiều tham vọng bởi tiềm năng khai thác của những thị trường này còn rất lớn.
Năm 2022, cùng với củng cố và phát triển danh mục khách hàng, Bảo hiểm CVI sẽ tập trung khai thác và duy trì vị trí đứng đầu đối với nhóm nghiệp vụ chủ chốt mang lại doanh thu lớn như bảo hiểm hàng không, tài sản, xây dựng, con người; tích cực phát triển các dịch vụ phi hàng không, các dịch vụ bán lẻ như xe cơ giới, sức khỏe, tai nạn… để cải thiện cơ cấu doanh thu, tránh sự phụ thuộc khi thị trường hàng không trong khu vực còn chưa phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh; đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định hơn về doanh thu.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm CVI cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với Viettel Campuchia để đưa sản phẩm của mình tiếp cận tới người dùng viễn thông tại Campuchia, đồng thời tích cực triển khai bán hàng trực tuyến qua website, qua ứng dụng (app) điện thoại, qua các ngân hàng đối tác...
Tương tự, trong năm 2022, Bảo hiểm LVI đặt mục tiêu giữ vững vị trí thứ 2 về thị phần doanh thu bảo hiểm tại Lào, là công ty bảo hiểm hoạt động hiệu quả với lợi nhuận tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2021.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau Bảo hiểm BIDV (BIC) và Bảo hiểm Bưu điện (PTI), nhiều doanh nghiệp bảo hiểm Việt khác cũng đã “mang chuông đi đánh xứ người” như Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Bảo hiểm Quân đội (MIC)..., trong đó Lào được xem là thị trường chủ lực.
Đại diện Bảo hiểm BSH cho hay, dù thị phần ở thị trường Lào còn khá khiêm tốn, nhưng hãng bảo hiểm này vẫn quyết tâm chinh phục bởi xem đây là “bàn đạp” để mở rộng ra các thị trường khác trong khu vực.
Trong lần trả lời báo giới mới đây về chiến lược phát triển doanh nghiệp, lãnh đạo cấp cao Bảo hiểm PVI chia sẻ rằng, ngoài đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số và duy trì lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức cao như các năm gần đây (trên 16%), trong đó sự đóng góp của thị trường hải ngoại đóng vai trò quan trọng, Bảo hiểm PVI sẽ từng bước vươn ra thị trường Đông Nam Á.
“Với nguồn lực hiện tại, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2022 và trở thành doanh nghiệp bảo hiểm có thứ hạng cao ở Đông Nam Á trong tương lai gần”, vị lãnh đạo cấp cao này nói.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các thị trường bảo hiểm như Lào và Campuchia, nhưng làm thế nào để lấy được “phần bánh lớn và ngon nhất” thì còn phụ thuộc vào chiến lược của mỗi nhà bảo hiểm Việt.
Thực tế, tỷ trọng đóng góp về doanh thu cũng như lợi nhuận của các liên danh bảo hiểm tại nước ngoài cho các công ty mẹ tại Việt Nam còn khiêm tốn, nhưng các hãng đều lên sẵn phương án khai thác với kỳ vọng sẽ lấy được miếng bánh lớn nhất khi những thị trường này bùng nổ.
Các doanh nghiệp bảo hiểm thành lập sớm sẽ có lợi thế trong việc khai phá thị trường, cũng như có nhiều cơ hội lựa chọn các đối tác bản địa có tiềm lực. Chẳng hạn, như các doanh nghiệp đi trước như LVI, CVI, LAP… đều đã chọn được đối tác có tiềm lực mạnh là các ngân hàng lớn tại Lào hoặc Campuchia để làm đòn bẩy chiếm lĩnh thị trường. Do đó, những doanh nghiệp đến sau cần có chiến lược phát triển khác biệt thì mới có thể cạnh tranh tại những thị trường đầy tiềm năng này.