Ngân hàng đua nhau truyền thông lãi suất thấp
Lãnh đạo một số NHTM cho hay, sở dĩ dòng tín dụng tắc nghẽn hiện nay không phải do áp lực lãi vay, vì lãi suất đã giảm sâu so với trước và trở về mức thấp nhất của những năm trước khủng hoảng 2008. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải chứng minh được dòng tiền trong quá trình sử dụng cho việc sản xuất - kinh doanh. Bởi trước tình hình khó khăn hiện nay, không ít doanh nghiệp vay vốn đã sử dụng không đúng mục đích, nên ngân hàng rất ngại rót vốn.
Lãi suất cho vay tại ACB, được ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, mức thấp nhất là 7 - 8%/năm, áp dụng cho doanh nghiệp có sức khỏe tốt, dự án kinh doanh khả thi. Mức lãi suất cho vay bình quân tại ACB là 9,7%/năm. Lãi suất cho vay bình quân tại Eximbank được lãnh đạo nhà băng cho biết, hiện khoảng 9,5%/năm. Mức thấp nhất là 7-7,5%/năm được Eximbank áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, Eximbank cũng đã tham gia hai chương trình tín dụng lớn: bình ổn thị trường (dư nợ 114 tỷ đồng, hạn mức cam kết 344 tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân 114 tỷ đồng); chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dư nợ 8 tháng đầu năm mới đạt 1.841 tỷ đồng, trong khi cam kết 3.184 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Nam A Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện nay là đã phù hợp khi có nhu cầu sản xuất - kinh doanh và thực sự nếu có dự án kinh doanh tốt, lãi suất không còn là vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp. Nam A Bank đang áp dụng mức khá ưu đãi với khách hàng doanh nghiệp, khoảng 8 - 9%/năm với kỳ hạn ngắn và khoảng 11%/năm với trung dài hạn.
Trao đối với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, lãi suất hiện nay không còn là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp, việc doanh nghiệp có vay vốn hay không phụ thuộc vào sức cầu của thị trường. Nếu sức mua tăng, hàng hóa sản xuất tiêu thụ tốt, thì lãi suất cao, doanh nghiệp vẫn chấp nhận vay. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, khi sức mua và tồn kho chưa cải thiện, nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh yếu, nên sức hấp thu vốn kém.
Thực tế cho thấy, nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất được ngân hàng rầm rộ đưa ra, song tiến độ giải ngân lại khá chậm. Nguyên nhân xuất phát từ 2 phía, ngân hàng phải thận trọng khi cho vay để giảm thiểu được nợ xấu, nên tìm doanh nghiệp tốt để trao vốn, trong khi các đối tượng này lại chưa có nhu cầu vay.
Ngược lại, với những doanh nghiệp chấp nhận vay lãi suất cao thì lãnh đạo các nhà băng cho biết, thà từ chối còn hơn cho vay để ôm nợ xấu. Vì thế, lãnh đạo Sacombank, Eximbank đều cho hay, với những doanh nghiệp vướng nợ xấu và đã được xử lý sau khi bán nợ cho VAMC, nhưng ngân hàng vẫn ngại rót vốn, do rủi ro.
Phó tổng giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ cho rằng, lãi suất cho vay đã thực sự giảm nhiều so với trước. Sacombank cũng không ngừng triển khai các gói tín dụng ưu đãi kể từ đầu năm đến nay, với tổng số vốn đã giải ngân lên gần 17.000 tỷ đồng và 170 triệu USD. Mới đây, Sacombank còn dành 2.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông lâm thủy sản, dược phẩm, y tế, xăng dầu, vận tải… Lãi suất áp dụng cho các khoản vay này tối thiểu là 7%/năm trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, mức cho vay bình quân tại Sacombank hiện nay, được ông Tuệ cho biết, là 10%/năm trong khi lãi suất huy động bình quân của Ngân hàng là 6%/năm.
Doanh nghiệp vẫn kêu cao
Trong khi các ngân hàng ra sức truyền thông về lãi suất đã giảm mạnh, thì phía doanh nghiệp vẫn không ngừng kêu lãi suất vẫn là áp lực khi vay vốn sản xuất - kinh doanh.
Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp ở huyện Hóc Môn (TP. HCM) cho biết, lãi suất doanh nghiệp đang trả cho Agribank và một số ngân hàng khác hiện vào khoảng 11- 11,5%/năm.
Phó tổng giám đốc CTCP Seaspimex Đỗ Trọng Vinh chia sẻ, khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay đã giảm bớt, các ngân hàng đã chủ động hơn, kể cả cho doanh nghiệp cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung, dài hạn 11%/năm mà Agribank áp dụng vẫn là áp lực đối với Seaspimex. Với tín dụng thế chấp, mặc dù một số ngân hàng lớn sẵn sàng cho vay, song mức lãi suất áp dụng khá cao. Vì thế, ông Vinh kiến nghị, ngân hàng nên xem xét giảm thêm.
“Bởi nếu ngân hàng theo sát và kịp thời cho doanh nghiệp vay thì có thể giúp họ từ phá sản để vươn lên. Từ đó, có cơ hội thu hồi nợ cũ, phát triển tín dụng mới”, ông Vinh nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội TP. HCM ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, đúng là ngân hàng đã có nhiều chương trình ưu đãi lãi vay cho doanh nghiệp, ở mức khoảng 7 - 8%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ dành cho doanh nghiệp thực sự tốt và đang ăn nên làm ra và cũng chỉ được triển khai trong ngắn hạn. Còn lại thì thấp nhất cũng là 10%/năm, nếu vay trung, dài hạn sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn.
Một ý kiến khác từ doanh nghiệp cho rằng, không chỉ với tiền đồng, mà ngay cả lãi suất cho vay ngoại tệ, không phải ngân hàng nào cũng ưu đãi cho doanh nghiệp. Mốt số ngân hàng còn đang áp dụng mức lãi suất ngoại tệ lên đến 6-7%/năm, trong khi đó huy động vốn bằng ngoại tệ hiện lãi suất chỉ còn 1-1,5%/năm.
Ngoài áp lực về lãi suất, các doanh nghiệp cho biết, cái khó nhất hiện nay là hết tài sản để thế chấp vay vốn. Thế nhưng, Quỹ bão lãnh tín dụng chưa vào cuộc, kể cả địa bàn TP. HCM được xem là thị trường lớn và đã có quỹ bão lãnh tín dụng. Nhiều doanh nghiệp không trả lãi nổi đã co cụm sản xuất - kinh doanh. Tình trạng ngân hàng thừa tiền và doanh nghiệp đói vốn vẫn khó chấm dứt.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cần thiết xem xét điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 1%/năm so với mặt bằng áp dụng chung hiện nay là từ 11%/năm trở lên.
Thực tế, qua số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy, lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh, nhưng các khoản vay chịu lãi suất trên 13%/năm vẫn chiếm tỷ trọng trên 12% tổng dư nợ. Cụ thể, tính đến ngày 18/9/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,25% tổng dư nợ cho vay VND; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,16% tổng dư nợ cho vay bằng VND. Vì thế, theo đánh giá của TS. Lịch, lãi suất ưu đãi ngân hàng chỉ mới ưu ái cho doanh nghiệp lớn, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, còn mức lãi suất phổ biến được áp dụng 8 - 9%/năm ngắn hạn và 11-12%/năm dài hạn.
Một lãnh đạo trong ngành ngân hàng nhận định, nếu các NHTM cứ nhắm vào doanh nghiệp lớn để cho vay cũng chưa hẳn là giải pháp tốt. Vì thực tế cho thấy, với những doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như Vissan, nhu cầu sử dụng vốn có, nhưng trong lúc này là không lớn và bản thân họ cũng đang dư tiền mặt. Một phần, do sức mua của thị trường yếu nên doanh nghiệp không có nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh, kể cả mùa kinh doanh cuối năm đang cận kề. Do đó, ngân hàng cũng phải có sự nhìn nhận để tiếp cận gần hơn các đối tượng DNVVN và nhìn nhận họ qua cách làm, chứ không phải qua báo cáo tài chính.