Không mặn mà với vốn trung và dài hạn
Đại diện một doanh nghiệp ở huyện Hóc Môn (TP. HCM) cho biết, đã có quan hệ tín dụng với Vietinbank và Agribank. Lãi suất vay ngắn hạn của Công ty hiện còn khoảng 6 - 7%/năm và 11,5%/năm cho khoản vay trung hạn.
Tuy nhiên, theo vị đại diện doanh nghiệp trên, trước tình hình tiêu thụ của thị trường chậm hiện nay, hàng hóa sản xuất ra khó có thể kỳ vọng bán được hết trong một thời gian sớm, nên Công ty cũng phải cân nhắc việc sử dụng vốn vay, nhằm hạn chế chi phí tối đa trong hoạt động.
Vì thế, dù hạn mức vốn Agribank cấp cho Công ty khoảng 90 tỷ đồng trong năm nay và Vietinbank cũng sẵn sàng cung ứng vốn với hạn mức khoảng 25 - 30 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này, Công ty chỉ mới sử dụng khoảng 70 tỷ đồng vốn vay.
“Mặc dù lãi suất đã giảm và dễ thở hơn so với giai đoạn năm 2011 - 2012, nhưng sử dụng vốn vay nhiều trong lúc này sẽ là áp lực lớn đối với doanh nghiệp. Chúng tôi không dám vay nhiều, bởi vòng quay của đồng tiền hiện rất chậm, do không tiêu thụ được hàng hóa”, vị đại diện trên nói.
Chủ một vườn lan ở quận 12 (TP. HCM) cũng cho hay, dù ngân hàng chào mời lãi suất hấp dẫn, nhưng do việc kinh doanh không được thuận lợi, nên ông không dám vay thêm vốn để mở rộng việc đầu tư và kinh doanh.
Trong khi đó, bà Trần Nguyệt Anh, chủ một doanh ngiệp tại TP. HCM cho biết, với nhu cầu vốn vay của Công ty khá lớn, đến 4.000 tỷ đồng/năm, Công ty luôn phải tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ để có thể giảm được chi phí trong hoạt động.
“Chúng tôi tham khảo tất cả các ngân hàng và nếu nơi nào có cơ chế, chính sách và sự đồng hành tốt nhất thì Công ty mới vay. Thực tế, trước tình hình hiện nay, nếu lệ thuộc vào cơ chế của các ngân hàng cũng như nếu phải trả ở mức quá cao và ngân hàng không linh động trong việc điều chỉnh khi mặt bằng lãi suất giảm, chúng tôi sẽ không vay”, chủ doanh nghiệp trên nói.
Lãi suất vay của doanh nghiệp cũng phải lệ thuộc vào chi phí huy động đầu vào của ngân hàng, nhưng chi phí đầu vào đối với ngân hàng hiện đã giảm nhiều so với trước. Vì thế, với mức lãi suất bình quân mà doanh nghiệp vay hiện nay dao động khoảng 7 - 9%/năm theo các doanh nghiệp, ngân hàng sẽ không lỗ.
“Áp lực lãi vay hiện đã giảm, tất nhiên đối với hoạt động doanh nghiệp như chúng tôi, với nhu cầu sử dụng vốn vay đến 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm thì rất muốn lãi suất sẽ giảm tiếp trong thời gian tới. Lãi suất vay tiền đồng cần giảm về tiệm cận lãi suất ngoại tệ 4 - 5%/năm hiện nay”, bà Anh nói.
Phó Chủ tịch thường trực của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, ông Phạm Ngọc Hưng cũng cho rằng, các doanh nghiệp thiếu vốn lưu động có thể chấp nhận vay ngắn hạn với mức lãi suất 7 -8%/năm để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng với lãi suất trung dài hạn phổ biến ở mức 10 - 11%/năm đang được các ngân hàng áp dụng, khả năng doanh nghiệp sẽ không mặn mà. Nguyên nhân là tình hình thị trường vẫn khó khăn, lợi nhuận trong hoạt động không đủ trả chi phí và lãi vay ngân hàng.
Lãi suất khó giảm tiếp
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, mục tiêu của ngành trong nửa cuối năm là tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng đưa ra cho cả năm 2014 là 12 - 14%, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng tối thiểu phải đạt mức 10%.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất từ nay đến hết năm để doanh nghiệp dễ dàng vay vốn, qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trước sức mua thị trường và tồn kho chưa mấy cải thiện, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay vẫn được xem là một thách thức lớn đối với ngành.
Lãi suất cho vay, theo nhận định của một lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng, sẽ khó giảm thêm so với hiện nay, nhưng tăng trưởng tín dụng không hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất, mà còn phụ thuộc vào chính sách tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, môi trường sản xuất - kinh doanh là yếu tố quyết định việc tăng trưởng.
Mặt khác, để giảm lãi suất tiền gửi, cần phải căn cứ vào xu hướng lạm phát, còn nếu lạm phát cao hơn mặt bằng lãi suất tiết kiệm thì ngân hàng khó có thể cắt giảm chi phí đầu vào để giảm lãi vay. Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, với xu hướng lạm phát hiện nay, với mức trần lãi suất 6%/năm, tiền nhàn rỗi mới có thể chảy vào ngân hàng, nếu thấp hơn, người dân sẽ không gửi tiết kiệm.
Chính vì thế, để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ như lời chào mời của các nhà băng, theo các doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Theo một lãnh đạo trong ngành ngân hàng, để có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, nhất là đối với các chương trình ưu đãi lãi suất, doanh nghiệp phải có sự tạo dựng mối quan hệ với ngân hàng để tạo được sự tin tưởng.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp có mức độ tín nhiệm yếu, sẽ rất khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Hiện tại, với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mà ngành ngân hàng và Sở Công thương TP. HCM đang triển khai nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay, nhất là vốn giá rẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cũng cho rằng, đây là mối quan hệ đồng hàng giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Các doanh nghiệp cũng cần đến ngân hàng hỗ trợ vốn để tiến hành sản xuất - kinh doanh và thực hiện các dự án tái cơ cấu trong bối cảnh thị trường có khó khăn. Ngược lại, phía ngân hàng cũng rất cần đến doanh nghiệp để cải thiện dư nợ tín dụng. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành cũng chỉ ở mức 3,68% so với yêu cầu đưa ra cho cả năm là 12%, do đó, ngân hàng đang chủ động trong việc khơi thông nguồn vốn hỗ trợ DN vừa và nhỏ nói riêng và cả nền kinh tế nói chung để cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng cần có sự hợp tác và minh bạch khi có nhu cầu vay vốn.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đặt ra năm nay, chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, là bài toán thách thức khi sức hấp thu vốn của nền kinh tế yếu. Đồng thời, cái khó đối với tín dụng là nợ xấu không ngừng tăng.