Ngân hàng đua "gom" công ty chứng khoán

(ĐTCK) Không ít ngân hàng lên kế hoạch mua lại công ty chứng khoán trong năm nay, với mục tiêu tham vọng mở rộng hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng. 
Cổ đông MSB thông qua kế hoạch mua lại công ty chứng khoán

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của MSB diễn ra ngày 21/4/2025 đã thông qua tất cả tờ trình, đặt mục tiêu lợi nhuận 8.000 tỷ đồng, thoái vốn khỏi công ty tài chính và lên kế hoạch mua lại công ty chứng khoán.

HĐQT MSB đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam và các dịch vụ thuộc mảng ngân hàng đầu tư là thị trường tiềm năng, giữ vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế và được dự báo thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm vào Việt Nam. Theo đó, việc MSB lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai của Ngân hàng.

Đồng thời, việc sở hữu một công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ sẽ giúp MSB dễ dàng tiếp cận và cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán và mở rộng sang lĩnh vực quản lý tài sản cao cấp (Wealth Management), phục vụ khách hàng tiềm năng muốn đầu tư chuyên nghiệp hơn; cung cấp các sản phẩm như quỹ mở, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu... giúp đa dạng hóa lựa chọn đầu tư.

Ngoài ra, việc sở hữu một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ giúp MSB tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, hưởng lợi từ sự phát triển dài hạn của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh phát triển thị trường vốn để giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, MSB sẽ có lợi thế lớn khi vừa cung cấp dịch vụ ngân hàng vừa hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh chứng khoán.

Theo đó, ĐHĐCĐ MSB đã thông qua tờ trình về phương án góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để các công ty này trở thành công ty con của Ngân hàng. Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết, MSB thực hiện kế hoạch này nhằm hoàn thiện hệ sinh thái cho các hoạt động về thu phí và phát triển khách hàng cá nhân.

MSB cũng bày tỏ mong muốn tiếp cận công ty chứng khoán có bảng tài sản sạch, với 300-500 tỷ đồng vốn điều lệ. Sau đó, MSB sẽ tham gia điều hành và điều chỉnh tăng vốn để phù hợp với quá trình phát triển, đồng thời hỗ trợ các sản phẩm liên quan.

Tại Sacombank, bên cạnh bổ sung tờ trình xin ý kiến ĐHCĐ chia cổ tức, Ngân hàng cũng bổ sung thêm tờ trình góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán. Theo đánh giá của Sacombank, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cao cấp, một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả thông qua việc sở hữu các công ty chứng khoán.

Do đó, với mong muốn gia tăng nguồn thu dịch vụ và năng lực cạnh tranh cho Sacombank, Ngân hàng trình ĐHĐCĐ chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán để trở thành công ty con của Sacombank. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ/cổ phần tại công ty chứng khoán trên 50%, tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng.

SeABank cũng sẽ trình ĐHĐCĐ 2025 vào ngày 25/4 tới, với nhiều nội dung quan trọng như tăng vốn, mua lại công ty chứng khoán... Cụ thể, HĐQT SeABank sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương mua cổ phần tại CTCP Chứng khoán ASEAN để công ty này trở thành công ty con của SeABank.

Theo tài liệu đại hội, CTCP Chứng khoán ASEAN được thành lập từ năm 2006 và có vốn điều lệ hiện tại 1.500 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán như môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán và các hoạt động kinh doanh khác.

Kế hoạch dự kiến SeABank có thể mua tối đa 100% vốn điều lệ của Chứng khoán ASEAN. Tỷ lệ cụ thể sẽ do HĐQT quyết định để đảm bảo Chứng khoán ASEAN trở thành công ty con của SeABank. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025 hoặc phù hợp với chấp thuận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Tại VPBank, năm 2022, VPBank mua lại Công ty Chứng khoán ASC, đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) và rót tiền để tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) được ACB sở hữu 100% vốn. Trong thời gian qua, ACB đã tăng vốn cho ACBS từ 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng và dự kiến trong tháng 4/2025 sẽ tiếp tục tăng thêm 1.000 tỷ đồng.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, trong những năm trước, Ngân hàng cũng có ý định bán một phần vốn tại ACBS cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi ACB mong muốn đẩy mạnh phát triển các công ty con trực thuộc để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Dù cũng đã có đối tác mong muốn được đầu tư vào ACBS và Ngân hàng cũng đã tiến hành tìm hiểu, đàm phán, nhưng qua một thời gian tìm hiểu, đặc biệt trải qua giai đoạn dịch Covid-19 đối tác cũng có khó khăn nhất định và ACB nhận thấy không phù hợp nên đã tự mình đẩy mạnh phát triển ACBS.

Đầu năm 2024, TPBank cũng đã hoàn thành mua lại Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với tỷ lệ nắm giữ cổ phần 99,9%. Tính đến hết năm 2024, TPBank sở hữu 9,01% vốn tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), giá trị góp vốn thực là 270,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác hiện cũng đang là cổ đông lớn nhất của các công ty chứng khoán, như Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) có cổ đông lớn là LPBank, Techcombank đang sở hữu hơn 94% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).

Một số công ty chứng khoán khác cũng do ngân hàng sở hữu trực tiếp hoặc có tên thương hiệu gắn liền với ngân hàng như Công ty Chứng khoán MB (MBS), Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)...

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục