
Thị trường đảo chiều nhanh chóng sau đó khi lệnh áp đặt thuế quan được hoãn lại 90 ngày và đã lấy lại hơn một nửa số điểm đã mất trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua.
Nhiều nhà đầu tư so sánh đợt điều chỉnh vừa qua như cơn bão lớn. Tâm lý lo ngại chiến tranh thương mại kéo dài khiến nhà đầu tư bán ra, giải phóng danh mục. Một bộ phận nhà đầu tư chịu áp lực về vay nợ đã phải bán ra cổ phiếu để giảm tỷ lệ margin, cũng có những tài khoản rơi vào diện bị công ty chứng khoán bán chủ động khi không bổ sung được tài sản bảo đảm…
Dữ liệu từ báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán cho thấy, dư nợ ký quỹ toàn TTCK, tính cả các khoản ứng trước, khoảng 250.000 tỷ đồng. Đó là chưa tính các “kho” chứng khoán, cho vay với tỷ lệ cao thường là 2:8 hoặc 3:7 và các mã ngoài danh mục được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép. Bởi thế, mức độ “sát thương” của các đợt giảm sốc là vô cùng lớn.
Vậy nhưng, không ít thành viên thị trường coi đây là cơ hội, đặc biệt khi P/E toàn thị trường rớt xuống quanh 10. Thông thường, ở mức định giá này, lịch sử cho thấy, nhà đầu tư mua vào thường thu lợi lớn sau đó.
Dưới góc nhìn của một số lãnh đạo doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, họ bình tĩnh và tin tưởng đàm phán thuế quan sẽ có kết quả tích cực với Việt Nam. Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại Mỹ được giới đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây không chỉ là chuyến làm việc liên quan đến thuế quan, mà còn thúc đẩy hợp tác tài chính - công nghệ - sản xuất giữa Việt Nam và các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Boeing, SpaceX, Apple và các quỹ đầu tư lớn như KKR.
Đặc biệt, các cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tại Washington mở ra nhiều tín hiệu tích cực trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Nhìn về dài hạn, Việt Nam nằm trong khu vực tăng trưởng kinh tế, thương mại sống động và mạnh mẽ nhất thế giới nhờ cơ cấu dân số và hạ tầng là tam giác ASEAN - Trung Quốc - Ấn Độ.
Những căng thẳng thuế quan xét trên bình diện toàn cầu có thể tạo nên khó khăn trong ngắn hạn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn. Đây có thể là động lực để Việt Nam chuyển đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài thị trường, dù quá trình này không dễ dàng.
Có một điểm rất đáng chú ý trong lần suy giảm mạnh này của TTCK là sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu, tỷ giá chính thức và phi chính thức không tăng nhiều. Sự điều hành chủ động của Chính phủ và các bộ, ngành cũng như nỗ lực của các nhà lãnh đạo trong đàm phán và hỗ trợ tăng trưởng sẽ là bệ đỡ quan trọng cho dòng tiền chảy vào hấp thụ các đợt bán tháo trên TTCK.
Nhìn lại lịch sử 25 năm TTCK Việt Nam có thể thấy đã có những lần biến động lớn, nhưng sau khi mọi việc trở lại cân bằng, nhà đầu tư sẽ nhìn lại đó là những thời điểm tạo ra cơ hội đầu tư tốt nhất.
Tất nhiên, với cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư, điều đầu tiên là phải có đủ nội lực và tâm thế để ứng biến với vạn biến thị trường, để chắt lọc cơ hội đầu tư, kinh doanh sẽ mở ra sau giai đoạn khó khăn. Đó cũng là chủ đề xuyên suốt trong Tiêu điểm của số báo Đầu tư Chứng khoán mà bạn đọc đang cầm trên tay.