
Trong phiên hôm qua, sau ít phút đầu giao dịch giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu, áp lực bán đã gia tăng khiến VN-Index lùi về dưới mốc 1.210 điểm.
Sau giờ nghỉ trưa, lực cung vẫn dâng cao khiến có thời điểm giảm về sát mốc 1.200 điểm trước khi bật nhẹ, thu hẹp đà giảm vào cuối ngày.
Thị trường khép lại phiên đầu tuần với mức giảm hơn 12 điểm khi sắc đỏ chiếm gần gấp đôi số mã tăng, đáng chú ý là thanh khoản sụt giảm khá mạnh cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/4, thị trường phần nào chịu tác động tâm lý từ phiên lao dốc đêm qua trên Phố Wall và cũng đã có nhịp giảm mạnh ngay khi mở cửa khi sắc đỏ mở rộng trên bảng điện tử. Thậm chí, đà giảm khiến VN-Index thủng sâu dưới 1.200 điểm chỉ sau nửa giờ đồng hồ giao dịch.
Mặc dù vậy, ngưỡng hỗ trợ mạnh này đã phát huy tác dụng khi giúp chỉ số bật hồi nhanh trở lại mốc điểm quan trọng này.
Các nhóm ngành cổ phiếu giao dịch chậm lại đáng kể từ đây và dòng tiền trở lại trạng thái phân hóa, tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ.
Trong đó, NVL vẫn đang là cái tên đáng chú ý nhất khi khớp lệnh cao nhất sàn, giá cổ phiếu tăng hơn 4%.
Tân binh CCC có phiên thứ hai liên tiếp duy trì sắc tím từ sớm, +6,8% lên 23.450 đồng, dù chỉ khớp hơn 0,15 triệu đơn vị.
Đà hồi phục của chỉ số chững ngay lại khi vừa chớm vượt 1.200 điểm vào giữa phiên. Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ đã quay trở lại và lần này còn mạnh hơn và khiến VN-Index có nhịp giảm mạnh và thủng mốc 1.190 điểm khi kết phiên với sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 79 mã tăng và 395 mã giảm, VN-Index giảm 18,00 điểm (-1,49%), xuống 1.189,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 464,1 triệu đơn vị, giá trị 9.776,3 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 4% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 46,6 triệu đơn vị, giá trị 1.196,4 tỷ đồng.
Nhóm bluechip VN30 chỉ còn hai cổ phiếu tăng là VIB và MWG với mức tăng nhẹ. Còn lại đều giảm, với GVR giảm sâu nhất khi -6,8% xuống 22.100 đồng và BCM -5,4% xuống 52.200 đồng.
Theo sau là những cái tên VJC, MSN, TCB, SSI, SHB, FPT với mức giảm từ 1,8% đến gần 3%. Trong đó, SHB duy trì là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất nhóm và dẫn đầu toàn sàn với hơn 28,1 triệu đơn vị.
Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực bán mạnh lên ở các cổ phiếu khu công nghiệp, bất động sản, xây dựng với HRC và NLG giảm sàn, các mã SZC -6,7% xuống 27.900 đồng, VGC -6,6% xuống 37.350 đồng, DIG -6,6% xuống 14.250 đồng, QCG -6,5% xuống 10.000 đồng, PHR -6,5% xuống 41.050 đồng, HDC -6,46% xuống 21.000 đồng, PDR -6,1% xuống 15.400 đồng, SIP -6% xuống 56.500 đồng…
Nhiều cái tên khác cũng có mức giảm 3-5% tại các nhóm ngành nêu trên, cũng như các ngành xuất khẩu, dịch vụ, công ty chứng khoán như VCG, MSH, CSV, KSB, DPR, GIL, VHC, BSI, CSM, VND, KBC, DXG, PET, FTS, VDS, NHA…
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngược dòng thị trường như AGM và CCC khi chạm giá trần tại 1.810 đồng và 23.450 đồng, dù chỉ khớp 0,41 triệu và 0,18 triệu đơn vị.
Cổ phiếu NVL hạ nhiệt, từ mức cao nhất trong phiên ghi nhận tăng hơn 6% đã chỉ còn +1,9% lên 10.500 đồng khi kết phiên, khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với 18,6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index mất điểm từ sớm và cũng gặp áp lực gia tăng mạnh hơn về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 36 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index giảm 4,07 điểm (-1,93%), xuống 207,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,5 triệu đơn vị, giá trị 528,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,66 triệu đơn vị, giá trị 7,81 tỷ đồng.
Sắc đỏ cũng đã lấn át, với những cái tên lớn nhỏ như BVS, VGS, NVB, AAV, TNG, HUT, MST, IDC, PVS, CEO đều giảm 3-4%, và SHS -2,1% xuống 14.100 đồng, khớp lệnh từ 0,33 triệu đến hơn 3,8 triệu đơn vị, riêng SHS khớp 8,6 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm xanh thời điểm mở cửa, nhưng sau đó cũng đảo chiều giảm và nới rộng đà đi xuống vào những phút cuối.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,68 điểm (-0,74%), xuống 90,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,87 triệu đơn vị, giá trị 221,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,16 triệu đơn vị, giá trị 1,76 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu thuộc top thanh khoản cao nhất đều giảm, đa số 3-4%, nhưng đáng chú ý là cổ phiếu SBS khi khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 5,9 triệu đơn vị và bất ngờ tăng kịch trần +13,6% lên 5.000 đồng.