Công bố báo cáo riêng về ESG
ESG là tiêu chuẩn để đo lường tính hiệu quả và bền vững của một doanh nghiệp, phản ánh sự tương tác của doanh nghiệp với cộng đồng và môi trường xung quanh. Trong bối cảnh tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, là ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, việc áp dụng ESG nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng ngày càng được quan tâm. Một số ngân hàng đã công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững.
Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB Trần Hùng Huy cho biết, ACB là ngân hàng đầu tiên có báo cáo riêng về ESG. Hầu hết doanh nghiệp FDI và quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm tới báo cáo phát triển bền vững. Đây là xu hướng rõ ràng trên thế giới, việc ACB công bố báo cáo riêng về ESG đã củng cố uy tín của Ngân hàng.
“Khi ACB công bố báo cáo đầu tiên (Báo cáo Phát triển bền vững 2022) thì nhận được nhiều đánh giá rất tốt từ cổ đông nước ngoài và doanh nghiệp FDI, từ đó phát triển mảng tín dụng xanh theo chủ trương của Nhà nước. Đương nhiên, việc đầu tư cũng tốn chi phí, nhưng tôi tin đây là chi phí phù hợp và đảm bảo sự phát triển trong thời gian dài”, ông Huy nói và cho hay, ESG là tiền đề phát triển mảng tín dụng xanh, việc cung cấp vốn tín dụng xanh sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp điều kiện để phát triển bền vững.
Trong báo cáo phát triển bền vững của ACB, các chỉ số liên quan đến ESG được Ngân hàng lựa chọn và trình bày dựa trên cơ sở tham chiếu các tiêu chuẩn công bố thông tin được Ủy ban Tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu thiết lập, cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Báo cáo phát triển bền vững hiện là một trong những công cụ giá trị của doanh nghiệp nhằm thể hiện năng lực cạnh tranh, khả năng sáng tạo, đáp ứng các xu hướng phát triển mới, đồng thời cải thiện mô hình, chiến lược hoạt động để trở nên nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh mà không bỏ qua các yêu cầu ngày càng cao đối với yếu tố bền vững. Do đó, doanh nghiệp phát hành báo cáo phát triển bền vững ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và các bên liên quan.
Tổng giám đốc MB Phạm Như Ánh chia sẻ, ESG đã được tích hợp vào chiến lược chung của Ngân hàng giai đoạn 2022 - 2026, trong đó có nhiều cấu phần, nhất là tín dụng hướng đến tín dụng xanh. Năm 2023, MB có gần 65.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng xanh, chiếm 10% tổng dư nợ, dự kiến duy trì ở mức 11 - 12% tổng dư nợ trong năm 2024.
Tại OCB, ngân hàng xanh là chiến lược từ nhiều năm trước. ESG là kế hoạch trụ cột và là xu hướng bắt buộc.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, thành viên Hội đồng quản trị OCB, thực thi sớm ESG cũng là cơ hội kinh doanh của Ngân hàng. OCB không ngừng mở rộng danh mục cho vay đối với các dự án phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện. Quy mô tín dụng xanh tại OCB có xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8 - 10% trên tổng dư nợ tín dụng, quy mô này dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm tới.
Vẫn theo ông Tùng, sự hợp tác chiến lược giữa OCB và Công ty Tài chính Quốc tế khẳng định cam kết trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng xanh, góp phần xây dựng tương lai thịnh vượng, đem đến nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội. Dự kiến, quý III/2024, OCB sẽ phát hành báo cáo phát triển bền vững độc lập với sự tư vấn từ PwC, một trong các công ty rà soát tư vấn về tiêu chuẩn xanh hàng đầu thế giới.
ESG là “cột sống” trong vận hành
Khi ACB công bố báo cáo đầu tiên (Báo cáo Phát triển bền vững 2022) thì nhận được nhiều đánh giá rất tốt từ cổ đông nước ngoài và doanh nghiệp FDI, từ đó phát triển mảng tín dụng xanh theo chủ trương của Nhà nước.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB
Ông Kim Byoungho, Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank cho biết, phát triển bền vững là chính sách cốt lõi của Ngân hàng. Năm 2023, HDBank đã thành lập Ban giám sát, triển khai sáng kiến chiến lược ESG.
Với trụ cột đầu tiên trong ESG là môi trường, HDBank hướng tới mục tiêu trung hòa carbon theo chủ trương Chính phủ - đạt Net Zero vào năm 2050, thực hiện xanh hóa danh mục đầu tư, đẩy mạnh tín dụng xanh, chú trọng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo… HDBank sẵn sàng tham gia nhanh và sâu vào thị trường tín chỉ carbon ngay khi khung pháp lý hoàn thiện. Với trụ cột thứ hai là xã hội, HDBank có quan điểm, quá trình tăng trưởng kinh doanh không thể tách rời sự phát triển xã hội nên nỗ lực triển khai các dự án, các sản phẩm cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, người thu nhập thấp. Về trụ cột thứ ba là quản trị, “HDBank là ngân hàng duy nhất có Hội đồng quản trị độc lập, có nghĩa chúng tôi đặt trọng tâm tăng cường minh bạch, liêm chính trong mọi công tác điều hành”, ông Kim Byoungho nói và nhấn mạnh, phát triển bền vững là “cột sống” của Ngân hàng, còn quản trị là chìa khóa then chốt đảm bảo tính bền vững. HDBank đã nâng cấp lên chuẩn mực quản trị quốc tế Basel III, phát hành báo cáo phát triển bền vững.
Tại ACB, ông Trần Hùng Huy cho hay, trên hành trình thực hiện ESG, cam kết về phát triển bền vững nhận được sự đồng lòng từ 93% nhân viên và được lồng ghép vào chiến lược của Ngân hàng, bao gồm việc tăng trưởng đều đặn và bền vững để đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, xây dựng và duy trì môi trường làm việc có sức thu hút, động viên và giữ chân nhân tài. Đồng thời, với mục tiêu hướng tới Net Zero, ACB nỗ lực thực hiện những hành động xanh, làm thay đổi nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường và lan tỏa các hoạt động này đến khách hàng, đối tác, cổ đông và cộng đồng.
Một trong các kế hoạch tiêu biểu mà ACB đang triển khai là thực hiện thu gom 300 tấn rác nhựa trong giai đoạn 2023 - 2025.
“Ngân hàng đang thực hiện tích hợp các yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh, với mong muốn góp phần gìn giữ một môi trường sống tốt hơn cho thế hệ mai sau thông qua kinh doanh bền vững và sự trân trọng đối với môi trường và xã hội. Từ đó, chúng tôi cũng có tham vọng rằng, mô hình ESG của ACB sẽ là nguồn cảm hứng để khuyến khích các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng cùng thực hành ESG”, lãnh đạo ACB chia sẻ.
Phát triển bền vững sẽ là một báo cáo thường niên quan trọng của ACB, bảo đảm các kết quả hoạt động ESG được theo dõi, giám sát thực hiện và đánh giá thường xuyên. Ngân hàng đang xây dựng nguồn lực đủ năng lực chuyên môn và thực thi ESG theo yêu cầu mới nhằm chủ động nắm bắt nhiều cơ hội phát triển hơn trên hành trình thực hiện ESG.
Liên quan đến ESG, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngân hàng với đặc thù là trung gian tài chính, huy động các nguồn lực nhàn rỗi và cho vay nền kinh tế. Ngân hàng huy động các nguồn lực xanh và định hướng các dòng vốn chảy vào các lĩnh vực kinh tế xanh và bền vững. Đồng thời, ngân hàng cũng là trung gian thanh toán, cung cấp các sản phẩm thanh toán để giảm thiểu việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng xanh.
Theo ông Đào Minh Tú, có 4 lý do các ngân hàng triển khai ESG: một là, những hiệp ước mà Việt Nam cam kết với quốc tế và các quy định pháp lý trong nước; hai là, mở rộng cơ hội kinh doanh; ba là, danh tiếng cho ngân hàng; bốn là, tăng cường quản trị, lường trước các rủi ro, quản trị được các rủi ro.